Doanh nghiệp PROFIT500 đánh giá tích cực triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024
Bức tranh doanh nghiệp PROFIT500 năm 2024
Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2024 đã được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố ngày 4/9 với sự trụ vững của nhiều doanh nghiệp sáng giá dẫn đầu.
Trải qua 8 năm công bố nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận cao và bền vững, Bảng xếp hạng PROFIT500 đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc ghi nhận một cách xứng đáng đóng góp của những doanh nghiệp hàng đầu – rường cột phát triển của đất nước. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro và biến động khó lường, ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng mong chờ hơn bao giờ hết. Từ đó, PROFIT500 góp phần giới thiệu và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2024
Nguồn: Bảng xếp hạng PROFIT500, Vietnam Report, tháng 09/2024 |
Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2024
Nguồn: Bảng xếp hạng PROFIT500, Vietnam Report, tháng 09/2024 |
Hiệu quả kinh doanh từ góc nhìn của doanh nghiệp PROFIT500
Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 giai đoạn 2019-2024 |
Xét ROA bình quân của các doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2024, khu vực FDI tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu và cho thấy khả năng tận dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận tốt hơn khi tăng lên mức 14,5% (+0,8% so với năm 2023). Đây là khu vực duy nhất ghi nhận sự cải thiện nhẹ trong khi hai khu vực còn lại đều chứng kiến sự suy giảm về hiệu suất tài chính. Tỷ lệ ROA bình quân của khu vực tư nhân đạt 10,1% trong khi khu vực nhà nước đạt 7,7% (tương ứng với mức giảm 1,1% và 1,5% so với kết quả thống kê cách đây một năm), do đó lần lượt giữ vị trí thứ hai và thứ ba.
Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 giai đoạn 2019-2024 |
Về khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), bức tranh chung phản ánh những khó khăn trong duy trì hiệu quả sử dụng vốn, khi cả ba khu vực kinh tế đều ghi nhận sự sụt giảm. Theo kết quả thống kê từ bảng xếp hạng, khu vực FDI giảm nhẹ xuống còn 30,7% song vẫn thể hiện khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu vượt trội so với các khu vực khác. Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở khu vực tư nhân (từ 27,4% năm 2023 xuống 23,8% năm 2024) trong khi khu vực nhà nước ghi nhận năm thứ ba liên tiếp ở vị trí cuối với tỷ lệ ROE bình quân đạt 15,7%, cho thấy sự cần thiết của những cải cách để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn trong tương lai.
Nền kinh tế Việt Nam chuyển mình
8 tháng đầu năm 2024 đánh dấu giai đoạn từng bước chuyển sang pha phục hồi của nền kinh tế Việt Nam với sự cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bứt phá vượt kỳ vọng với GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ (chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 5 năm trở lại đây). Đáng chú ý, sau gần hai năm, khu vực Công nghiệp và Xây dựng đã khôi phục vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế bên cạnh khu vực Dịch vụ, khi ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực là 7,51% trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (mức tăng cùng kỳ năm 2023 là 1,13%). Kể từ tháng 3 năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) duy trì tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số Nhà ưuản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam hiện thoát vùng suy giảm và duy trì trên ngưỡng 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp, với mức 54,7 điểm (mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5/2022) duy trì trong tháng 6-7 năm nay, báo hiệu sự củng cố đáng kể các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Song song với đó, so với mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái, hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm 2024 sôi động trở lại với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng hai chữ số, đạt 439,88 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 226,98 tỷ USD tăng 15,7%, nhập khẩu đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5%.
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê, S&P Global |
Quý II/2024 cũng chứng kiến sự đảo chiều tích cực trong hoạt động đăng ký kinh doanh so với quý I/2024 khi số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập vượt số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đánh dấu sự cải thiện và niềm tin trở lại trong cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, đa số doanh nghiệp ghi nhận tình hình kinh doanh nửa đầu năm khởi sắc hơn cùng kỳ năm trước (73,4% số doanh nghiệp gia tăng về doanh thu và 60,3% số doanh nghiệp giữ nhịp tăng trưởng lợi nhuận). Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp giảm sút về doanh thu và lợi nhuận đã thu hẹp đáng kể so với kết quả khảo sát cùng kỳ năm 2023.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp PROFIT500 |
Niềm tin được củng cố
Sự cải thiện rõ rệt trong tâm lý doanh nghiệp, với kỳ vọng tăng trưởng dần chuyển từ các kịch bản khiêm tốn sang những kịch bản tích cực hơn đã được phản ánh trong kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 1 và tháng 7-8 năm nay. Bức tranh triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sáng sủa hơn, với kịch bản tăng trưởng từ 6,0% - 6,5% được nhiều doanh nghiệp đánh giá mang tính khả thi nhất. Tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng từ 6,0% - 6,5% và trên 6,5% tăng mạnh, lần lượt cao hơn 17,6% và 14,3% so với kết quả khảo sát đầu năm. Nhận định về triển vọng lợi nhuận của bản thân, 58,3% số doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn so với nửa đầu năm đã qua. Tiền đề vĩ mô tương đối khả quan trong những tháng gần đây đã hỗ trợ cho những đánh giá tích cực của doanh nghiệp, củng cố niềm tin cho sự ấm dần lên của các thị trường và sự tăng tốc mạnh hơn của nền kinh tế.
Nhìn chung, xu hướng lạc quan hơn được ghi nhận song vẫn có sự phân hóa trong dự báo của doanh nghiệp, do sự phục hồi chưa đồng đều ở các lĩnh vực. Thực tế, trong tháng 7, vẫn có 6.837 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,2% so với tháng trước, cho thấy áp lực đối với doanh nghiệp vẫn lớn. Cộng đồng doanh nghiệp cũng nhận định còn nhiều rủi ro và thách thức tồn tại có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, do đó, cần những bước đi chiến lược, triển khai các giải pháp phù hợp để kích thích và tận dụng cơ hội, vững vàng vượt khó khăn.
Nguồn: Khảo sát cộng đồng doanh nghiệp |
Triển vọng của ba trụ cột Xuất khẩu – Tiêu dùng – Đầu tư
Về xuất khẩu
Với hiệu ứng mức nền thấp của cùng kỳ năm trước, hoạt động thương mại của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự hồi phục tích cực, với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực ghi nhận sự khởi sắc trở lại. Xu hướng tăng trưởng được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong nửa sau năm nay trên cơ sở kỳ vọng vào sự phục hồi của chu kỳ hàng điện tử và sự cải thiện của nhu cầu thế giới nói chung. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan (đơn vị đứng đầu trong khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số cải cách hành chính) cũng không ngừng đưa ra các cải cách trong chính sách thương mại và hải quan, có khả năng nâng hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu, đồng thời đơn giản hóa quy trình hành chính và giảm chi phí cũng như thời gian cho doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, lĩnh vực xuất khẩu vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong năm 2024 như rủi ro chi phí vận chuyển gia tăng do xung đột địa chính trị, sự hồi phục không đồng đều của các nền kinh tế lớn, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu đối thủ… Đặc biệt, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường khiến các doanh nghiệp xuất khẩu vào quốc gia này có thể tiếp tục gặp các biện pháp phân biệt trong các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Điều này có thể dẫn đến việc chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam không được tính toán chính xác, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%). Cầu tiêu dùng trong nước hiện vẫn còn tương đối thấp khi người tiêu dùng cảnh giác trong việc chi tiêu do lo ngại áp lực lạm phát gia tăng và những bất định diễn ra trong những năm qua. Mặc dù vậy, trong thời gian tới, tiêu dùng nội địa nhìn chung có khả năng tiếp tục cải thiện nhẹ nhờ chính sách cải cách tiền lương, tác động trễ của chính sách tiền tệ và bối cảnh niềm tin thị trường dần phục hồi.
Về đầu tư
Mặc dù đầu tư công luôn được xem là trụ cột quan trọng cho nền kinh tế và giải ngân đầu tư công nhận nhiều kỳ vọng sẽ tăng tốc, tuy nhiên, thực tế tình hình giải ngân đầu tư công 7 tháng qua vẫn chưa có nhiều dấu hiệu bứt phá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 40,6% kế hoạch năm. Việc giải ngân vẫn gặp một số vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách, biến động giá nguyên vật liệu. Trong giai đoạn nửa cuối năm, hoạt động giải ngân đầu tư công được kỳ vọng bứt phá theo yếu tố chu kỳ. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm cũng có khả năng chứng kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định sau khi ghi nhận kết quả nổi trội trong 7 tháng vừa qua.
Rủi ro từ góc nhìn doanh nghiệp
Nhìn nhận về những khó khăn phía trước, các doanh nghiệp bày tỏ sự lo ngại về các thách thức dai dẳng liên quan đến bất ổn địa chính trị kéo dài, khó đoán định, sự thay đổi của các chính sách thương mại tại một số nền kinh tế sau bầu cử, cạnh tranh giữa các cường quốc về thương mại và công nghệ… Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nền kinh tế toàn cầu đang ổn định lại sau thời gian chứng kiến các cú sốc tiêu cực diễn ra đồng thời. Dù có sự cải thiện trong triển vọng ngắn hạn, triển vọng toàn cầu vẫn khiêm tốn so với quá khứ và không đồng đều do độ trễ tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, củng cố cân đối ngân sách, tăng trưởng tiêu dùng chưa có bước đột phá và tình trạng phân mảnh thương mại tiếp tục diễn ra.
Bên cạnh đó, sức ép từ tỷ giá và lạm phát là một yếu tố mà 46,7% doanh nghiệp lo ngại có thể là thách thức làm tình trạng tài chính bản thân trở nên căng thẳng. Tỷ giá USD/VND đã nhích tăng từ đầu năm, tăng vọt vào thời điểm tháng 4 và duy trì mức cao trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỷ giá được nhận định có thể sẽ hạ nhiệt và dao động với biên độ hẹp hơn khi thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất được dự báo đang đến gần, Ngân hàng Nhà nước có các động thái điều hành linh hoạt, thặng dư thương mại và thị trường vàng ổn định hơn, dòng vốn FDI dồi dào cũng như triển vọng du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Tương tự, câu chuyện lạm phát được quan tâm khi bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023 và CPI bình quân chung tăng 4,12%. Tuy nhiên, dù áp lực lạm phát năm 2024 dự báo sẽ ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 khi giá nguyên vật liệu, chi phí logistics còn ở mức cao, cùng với việc giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như điện, học phí được điều chỉnh, tăng lương tối thiểu vùng,… song nhiều khả năng vẫn trong tầm kiểm soát dựa trên xu hướng hạ nhiệt của lạm phát và giá cả toàn cầu, giá dầu tương đối ổn định ngang mức năm 2023, sức ép từ tỷ giá giảm dần và các chính sách điều hành ngày càng được phối hợp hiệu quả hơn.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp PROFIT500 |
Nền móng thuận lợi được xây dựng từ tầm nhìn và chính sách
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp Profit 500 của VNR, những thuận lợi mà doanh nghiệp nhìn nhận phần lớn xuất phát từ những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giải quyết gốc rễ các vấn đề kinh tế. Sự ổn định và dần phục hồi của kinh tế vĩ mô nhờ các biện pháp điều hành kinh tế, các chính sách tài khóa và tiền tệ, các gói kích thích, hỗ trợ linh hoạt của Chính phủ thể hiện cam kết trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định, được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, việc cải thiện môi trường pháp lý với nhiều bộ luật mới được thông qua đã vươn lên vị trí thứ ba trong số các thuận lợi được doanh nghiệp điểm tên, với tỷ lệ 56,3% doanh nghiệp bình chọn. Từng bước hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và nhất quán là tiền đề quan trọng cho sự phát triển cân bằng và bền vững của từng doanh nghiệp, từng ngành và của toàn nền kinh tế.
Trong những tháng cuối năm 2024, tác động từ chính sách tăng lương cơ sở, chính sách giảm thuế VAT xuống 8%; các chính sách giảm các khoản thuế phí để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ lan tỏa và được cảm nhận rõ nét hơn. Trong khi đó, ba luật liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm hơn dự kiến, cùng với Luật các Tổ chức tín dụng được kỳ vọng giúp phục hồi sức cầu nền kinh tế cũng như phục hồi thị trường bất động sản, thúc đẩy hiệu ứng tâm lý tích cực đến thị trường chung.
Tín dụng đã tăng tốc trong cuối quý II và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% trong năm 2024 sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp có điều kiện để mở rộng quy mô hoạt động. Trong bối cảnh cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đã nhích tăng trở lại, lãi suất cho vay bình quân được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước trong nửa cuối năm 2024, góp phần tạo thuận lợi cho tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng. Lãi suất cho vay dự kiến sẽ không tăng quá nhanh giúp giảm chi phí tài chính để các doanh nghiệp có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với điều kiện vay vốn.
Hơn nữa, tầm nhìn và chính sách ngoại giao linh hoạt của Việt Nam đã tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, mang lại những lợi thế đáng kể cho các doanh nghiệp khi bước chân vào các chuỗi giá trị toàn cầu và thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ. Lượng vốn FDI thực hiện trong 7 tháng đầu năm chứng kiến những kết quả nổi trội, khi đã có hơn 12,55 tỷ USD được giải ngân, là mức cao nhất trong 7 tháng của giai đoạn 2020-2024, mang đến không chỉ các lợi ích kinh tế trực tiếp như dòng vốn lớn giúp doanh nghiệp Việt mở rộng quy mô sản xuất mà còn lan tỏa nhiều ảnh hưởng tích cực khác đến các hoạt động logistics, bất động sản khu công nghiệp, thương mại… thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ và tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, khuyến khích các doanh nghiệp nội địa cải thiện chất lượng, tối ưu chi phí, và nâng cao giá trị thương hiệu.
Chìa khóa chiến lược: Tối ưu chi phí – Đổi mới – Kết nối – Nhân sự
Sự cạnh tranh gia tăng trong môi trường kinh doanh đặt ra cho các doanh nghiệp bài toán xoay trục chiến lược như thế nào để giải quyết các áp lực lớn và giữ vững vị thế cũng như sức bật lợi nhuận. Theo kết quả khảo sát của VNR, chìa khóa chiến lược trong nửa cuối năm 2024 sẽ xoay quanh các khía cạnh: Tối ưu chi phí – Đổi mới – Kết nối – Nhân sự.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp PROFIT500 |
Với tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn cao nhất (62,5%), chiến lược tối ưu hóa chi phí hoạt động là ưu tiên trọng tâm được các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng lợi nhuận, qua nhiều hoạt động đã và đang được triển khai như tái cấu trúc doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Trên cơ sở cấu trúc chi phí tối ưu hơn, doanh nghiệp kỳ vọng có thể tái đầu tư vào công nghệ, đổi mới sản phẩm và mở rộng thị trường một cách bền vững hơn.
Trong khi đó, đổi mới, thích ứng với thị trường tiếp tục là kim chỉ nam đối với các doanh nghiệp trong việc xoay sở để tăng lợi nhuận bền vững. Khả năng phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và tạo ra các nguồn thu nhập mới, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, khâu kết nối, tăng cường hợp tác, liên kết với các đối tác cũng được nhiều doanh nghiệp chú trọng nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường, chia sẻ nguồn lực và giảm thiểu rủi ro, bổ sung thế mạnh của nhau để cùng mạnh mẽ hơn, trong khi phát triển nhân sự - tài sản chiến lược của doanh nghiệp tiếp tục năm thứ tư liên tiếp nằm trong top 5 trọng tâm chiến lược nửa cuối năm.
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang vận động theo chiều hướng tích cực với xu thế chuyển giao sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng ngày càng rõ nét. Dù các biến số rủi ro vẫn tồn tại, lộ trình phục hồi của doanh nghiệp được dự báo khả quan hơn với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và hành lang pháp lý nhiều lĩnh vực đang ngày càng hoàn thiện. Bứt phá tăng trưởng trở lại hay tụt hậu, tương lai của các doanh nghiệp phụ thuộc vào cách mỗi doanh nghiệp phản ứng với các điều kiện thị trường thay đổi trong thời kỳ chuyển giao này. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và khai thác tối đa tiềm năng từ các nguồn lực nội tại lẫn các liên kết bên ngoài, phát triển hài hòa các chiến lược đảm bảo sự bền bỉ trong hoạt động và ổn định nhịp tăng trưởng lợi nhuận đang là nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp. Đây là thời điểm để doanh nghiệp tái thiết, tăng tốc và khẳng định vững vàng vị thế trên thị trường./.
Bình luận