5 nguy cơ phi truyền thống đối với thế giới

Tại hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chỉ rõ 5 nguy cơ và mối đe dọa phi truyền thống đối với thế giới hiện nay trong bối cảnh hiện nay.

Doanh nghiệp Việt tìm chiến lược thích ứng với bối cảnh mới
Hội thảo "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam"

Cụ thể, theo chia sẻ của nguyên Phó Thủ tướng, đó là quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều ở mọi quốc gia, lĩnh vực và sẽ tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của đại dịch và cả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra; quy mô, vào quy mô và mức độ tác hại của chúng gây ra; tiềm lực và khả năng điều hành của mỗi quốc gia; sự đồng thuận và cả văn hóa ứng xử của mỗi dân tộc cũng như diễn biến của quan hệ quốc tế nói chung và trong công cuộc đối phó với những mối đe dọa chung nói riêng.

Bên cạnh đó, có nguy cơ bùng phát khủng hoảng kinh tế - tài chính trên phạm vi toàn cầu với dự báo thế giới buộc phải tung ra một lượng tiền khổng lồ để ứng phó với chúng kèm theo các gói cứu trợ kinh tế - xã hội lên tới 100.400 tỷ USD. Theo phân tích của ông Vũ Khoan, kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hai xu hướng trái chiều nhau: trong khi một số sản phẩm, nổi lên là nhiên liệu, năng lượng gia tăng tạo nên nguy cơ lạm phát lớn lại xuất hiện những biểu hiện đình trệ do “cầu” giảm vì thu nhập của của phần lớn các tầng lớp dân cư thuyên giảm đáng kể.

Củng với những khó khăn về kinh tế, thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất ổn về xã hội không kém phần nghiêm trọng như công ăn việc làm, nạn đói nghèo, di dân, thất học, sức khỏe tinh thần… Trong khi đó, đây đang là giai đoạn cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên toàn cầu, do đó các mối đe dọa phi truyền thống nói trên càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cả lao động cũng như lối sinh sống, làm ăn, học hành theo hướng kinh tế số và kinh tế xanh gia tăng mạnh mẽ… “Chúng ta đang chứng kiến quá trình hình thành một nền kinh tế mới, một lối sống, một phương thức làm ăn, lẫn quản lý xã hội và cả phương thức chiến tranh mới”, ông nhấn mạnh.

Và cuối cùng, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đại họa đã làm sống lại chủ nghĩa đa phương mà những sự kiện lớn vừa diễn ra như G-20, COP – 26, APEC… là những biểu hiện. Các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ từng bước được nối lại với những sự điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và sự tập hợp lực lượng mới. Trong bối cảnh này, ông cho rằng nước ta cũng đang dần chuyển sang trạng thái mới theo tinh thần vừa tiếp tục đối phó với dịch bệnh vừa khôi phục hoạt động bình thường an toàn linh hoạt. Theo đó chương trình tổng thể đang được Chính phủ xây dựng cần rất linh hoạt với các kịch bản khác nhau. “Việc xử lý những vấn đề ngắn hạn trong vài ba năm sắp tới cần được gắn bó chặt chẽ với chủ trương rất cơ bản và lâu dài về tái cấu trúc nền kinh tế nước ta. Đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu càng thúc đẩy mạnh mẽ thêm kinh tế số, kinh tế xanh cũng như các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người. Chúng ta rất cần bắt nhịp và tận dụng những xu hướng này”, ông khuyến nghị.

Cũng theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nhìn trong trung và dài hạn nét nổi bật trong quan hệ quốc tế hiện nay là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trước mắt và trong những thập kỷ tới cuộc cạnh tranh này vẫn sẽ tiếp diễn như dòng chảy chủ yếu. Cục diện trên đặt ra rất nhiều khó khăn đối với mọi nước trên thế giới, trong đó có ASEAN và nước ta. Trong bối cảnh đó, nước ta vừa đứng trước nhiều cơ hội đáng kể, vừa phải ứng phó với những thách thức không nhỏ.

Doanh nghiệp cần thích ứng trong bối cảnh mới

Đề cập tới tác động của Covid-19 đến các ngành kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có 8 xu hướng thay đổi kinh tế quốc tế trong và sau đại dịch gồm: Toàn cầu hóa, liên kết kinh tế thay đổi; Phục hồi phát triển kinh tế xanh; tốc độ phục hồi không đồng đều, biến đổi khí hậu nhanh hơn, được quan tâm hơn; cạnh tranh chiến lược, vai trò của Chính phủ gia tăng qua các gói hỗ trợ, định hướng, hợp tác quốc tế; Xúc tác chuyển đổi số; thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ.

Theo ông Lực, dịch Covid-19 đã khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách thức làm việc và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, những doanh nghiệp nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế. Phân tích kỹ về cơ hội đối với các ngành lĩnh vực có lợi thế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, có ngành làm ăn rất tốt như kinh doanh trực tuyến, y tế hay bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán nhưng cũng có ngành khó khăn như du lịch, bán lẻ, dệt may. Bên cạnh đó, công nghiệp, xây dựng, sản xuất phục hồi nhanh hơn lĩnh vực dịch vụ;

Các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm – dịch vụ mới trên nền tảng số xuất hiện nhiều hơn; Gia tăng đầu tư cho các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo. Việc đẩy mạnh đầu tư công là cơ hội cho các ngành xây dựng, bất động sản. Dịch bệnh cũng gây ra nhiều rủi ro, thách thức như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, liên kết chính trị thay đổi; Rủi ro an ninh mạng; thiếu hụt lao động ngắn hạn, do đó tác động đến các ngành nghề là khác nhau.

Cũng theo ông Lực, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong dòng tiền, chi phí tăng trong khi giá đầu ra khó tăng; mất đơn hàng trông bối cảnh hậu dịch. Do đó, ông khuyến nghị doanh nghiệp xem xét cân nhắc áp dung mô hình 5R gồm: Thích ứng linh hoạt, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo và tăng sức đề kháng(5R: Respond-Recover-Restructure-Reinvent-Resilience) để có thể sớm phục hồi sau đại dịch.

Thay đổi chiến lược để tận dụng cơ hội từ tăng trưởng xanh

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, nhìn ở bình diện vĩ mô, chúng ta cần thay đổi chiến lược để nắm bắt các xu hướng trên thế giới, qua đó không đánh mất những cơ hội lớn. Bên cạnh đó, quá trình ra quyết định nói chung cần phải có sự thay đổi, trong đó cần thay đổi cơ cấu quản trị quốc gia. Ông cũng nhấn mạnh lại tăng trưởng xanh luôn là xu thế tất yếu và Việt Nam cần sớm có chiến lược chuyển đổi theo hướng này, không chỉ ở các ngành năng lượng mà ngay ở các ngành sản xuất.

“Tăng trưởng xanh trước mắt tập trung vào 2 lĩnh vực như phát triển nông nghiệp, chuyển đổi nền công nghiệp xanh. Chúng ta cần làm sao kéo sát hơn vào thực tế, có ích nhiều hơn. Để nắm bắt được những cơ hội, chúng ta cần sớm chuyển đổi sang nền nông nghiệp giá trị gia tăng. Trong khi đó, năng lượng xanh đang là xu hướng toàn cầu thay đổi. Vì vậy, Việt Nam cần khẩn trương có sự thay đổi về chính sách, cơ sở hạ tầng để thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực này. Việc bám vào thực tiễn sẽ giúp định hướng và tạo áp lực nhiều hơn cho Chính phủ”, Ts Nguyễn Đình Cung gợi mở./.