Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo đánh giá tại sự kiện, kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại những bất ổn dù đang phục hồi. Khác biệt trong tỷ lệ tiêm chủng vaccine và dư địa chính sách hiện có giữa các nước cũng làm gia tăng sự phân hóa trong quá trình phục hồi toàn cầu sau đại dịch. Nhóm kêu gọi đẩy mạnh hợp tác đa phương nhằm đảm bảo phân phối vaccine công bằng trên phạm vi toàn cầu, qua đó đẩy nhanh nỗ lực chấm dứt đại dịch, và giải quyết những thách thức khác về biến đổi khí hậu, số hóa và tăng trưởng toàn diện để đảm bảo phục hồi bền vững hơn.

Đông Nam Á kêu gọi các nền kinh tế phát triển tránh rút các chính sách hỗ trợ đột ngột
Việc hạn chế di chuyển và đi lại kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến những nước phụ thuộc nhiều vào các ngành dịch vụ đòi hỏi nhiều sự tiếp xúc và ngành du lịch

Các báo cáo tại Hội nghị cho biết, nhờ có các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu, các nước Nhóm Đông Nam Á đang phục hồi từ đại dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi là không chắc chắn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại và bất ổn toàn cầu đang tạo rủi ro cho các nước. Việc hạn chế di chuyển và đi lại kéo dài để kìm hãm dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến những nước phụ thuộc nhiều vào các ngành dịch vụ đòi hỏi nhiều sự tiếp xúc và ngành du lịch, nhất là những nước nghèo và thu nhập thấp. Nhóm cho rằng sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ Quỹ và các đối tác quốc tế khác đóng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý những tổn thất trước mắt do đại dịch và chuẩn bị cho những cơ hội và thách thức trong trung hạn.

Thảo luận về việc giải quyết các rủi ro từ biến động dòng vốn, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi để đảm bảo tăng trưởng xanh, toàn diện và bền vững hơn. Nhóm Đông Nam Á kêu gọi các nền kinh tế phát triển tránh rút các chính sách hỗ trợ một cách đột ngột và không theo trật tự và truyền thông rõ các chiến lược chính sách để ngăn chặn các tác động bất lợi lên các nước khác. Nhóm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai khuôn khổ chính sách tích hợp trong việc ngăn ngừa các thách thức đối với quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh dư địa chính sách bị thu hẹp.

Về vấn đề đảm bảo tăng trưởng xanh, toàn diện và bền vững hơn, Nhóm đánh giá cao hỗ trợ của IMF trong quá trình chuyển đổi đi kèm với quá trình phục hồi kinh tế tại các nước, nhất là trong những lĩnh vực then chốt như biến đổi khí hậu, số hóa, và đảm bảo tính bao trùm. Nhóm kêu gọi IMF cần tính tới khác biệt trong trình độ phát triển, mức độ sẵn sàng và ưu tiên chính sách giữa các nước khi triển khai các chiến lược của Quỹ liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhóm cũng kêu gọi IMF tiếp tục có những phân tích về tác động của các biện pháp giảm thiểu rủi ro liên quan đến khí hậu, tập trung vào những lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ chính của Quỹ để đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực của IMF, đồng thời tăng cường phối hợp với các đối tác quốc tế khác để tránh sự trùng lắp trong quá trình thực hiện các công việc liên quan.

Nhóm Đông Nam Á tại IMF gồm 13 nước, trong đó có 10 nước ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cùng các nước Fiji, Nepal và Tonga. Nhóm Đông Nam Á tại WB gồm 11 nước, trong đó có 8 nước ASEAN là Brunei, Indonesia, Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cùng các nước Fiji, Nepal và Tonga./.