Dược Cửu Long đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 160 tỷ đồng trong năm 2023
Nhiều dấu mốc mới trong năm 2022
Theo báo cáo tại ĐHĐCĐ, năm 2022 là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp sau tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina. Nền kinh tế trong nước phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao. Lạm phát đã tăng lên ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
ĐHĐCĐ 2023 của DCL diễn ra theo hình thức trực tuyến, truyền hình trực tiếp tại Vĩnh Long và các điểm cầu khác |
Trong bối cảnh đó, nhờ sự kiên trì, nỗ lực, sáng tạo của Ban Lãnh đạo cùng toàn bộ cán bộ công nhân viên, Công ty đã phát huy tối đa lợi thế ở các mảng kinh doanh, khi vượt ngưỡng doanh thu 1.016 tỷ đồng, đây là mức doanh thu cao nhất của Công ty trong suốt 46 năm hoạt động. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt 141,5 tỷ đồng. Với kết quả này, DCL vượt tương ứng 20% và 6% kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận năm 2022; tăng trưởng 44,3% doanh thu, 28,3% lợi nhuận so với năm trước.
Tăng trưởng nổi bật của ngành hàng Capsule vượt 46% so với năm 2021. Điều này đến từ việc nắm bắt kịp thời nhu cầu khách hàng và cùng với xu hướng tăng trưởng của ngành dược, thay thế sản phẩm nang nhập khẩu trong giai đoạn dịch bệnh.
Đối với kênh OTC, ngoài phát triển thị trường bán lẻ, DCL đã đưa sản phẩm của Công ty vào hệ thống chuỗi nhà thuốc như Pharmacity, Long Châu… Với kênh ETC, DCL trực tiếp tham gia thầu và trúng thầu với quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các sở y tế, cung cấp sản phẩm của Công ty đến hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế trên cả nước.
Các dự án bứt phá trong năm 2023
Trả lời cổ đông tại đại hội về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Hội đồng quản trị của DCL bày tỏ tin tưởng, mặc dù dự báo còn nhiều khó khăn khi kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định, dịch bệnh có thể quay trở lại, Công ty vẫn tăng trưởng theo sát mức tăng trưởng của ngành, bám sát kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 1.150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 160 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,2% và tăng 13,1% so với năm 2022.
Để đạt được mục tiêu này, DCL sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh với nền tảng là tối ưu năng lực sản xuất, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm thử tương đương sinh học, tập trung xây dựng và đẩy mạnh kinh doanh nhóm hàng chiến lược, các sản phẩm có doanh thu lớn, lợi thế cạnh tranh cao, hoàn thiện hệ thống bán hàng, xây dựng hình ảnh công ty, thương hiệu sản phẩm.
DCL đang triển khai thực hiện đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất Dược phẩm theo tiêu chuẩn EU – GMP” sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 30/06/2022 với tổng mức đầu tư 1.035 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 50.000 m2. Công suất sản xuất dược phẩm của Nhà máy dự kiến đạt 1,6 tỷ sản phẩm/năm; dự kiến khởi công trong quý III/2023.
Đối với khối ngành sản xuất dụng cụ y tế, ngoài nhà máy đang có, Công ty đã và đang đầu tư thêm 1 nhà máy sản xuất thiết bị y tế, công suất thiết kế 300 triệu sản phẩm/năm, tạo ra thêm dòng sản phẩm trang thiết bị y tế mới đáp ứng nhu cầu phục vụ chữa bệnh trong nước và xuất khẩu, góp phần cung cấp các sản phẩm thiết bị y tế đa dạng với tiêu chuẩn chất lượng cao phục vụ thị trường.
Trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng viên nang rỗng (capsule), với khả năng thị trường còn mở rộng và khá lệ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu, DCL đang thực hiện đầu tư “Mở rộng Nhà máy Capsule giai đoạn 5” với tổng vốn đầu tư 232,5 tỷ đồng, công suất 2,8 tỷ nang/năm nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý III/2023.
Hai dự án đầu tư mở rộng capsule và xây mới Nhà máy sản xuất thiết bị y tế sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, dự kiến vào năm tiếp theo doanh thu hợp nhất của DCL đạt 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, DCL còn tiến hành dự án “Kho dược phẩm và Tòa nhà R&D đạt tiêu chuẩn GSP, GLP” với tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng, trong đó Kho dược phẩm với mục đích tăng hạ tầng khu vực sản xuất để phục vụ tăng doanh thu mảng dược phẩm gấp đôi trong 5 năm tới. Tòa nhà R&D với mục đích đầu tư tăng cường mở rộng cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới./.
Bình luận