Đây là những phát hiện chính tại Sách Trắng cho DNNVV do phụ nữ làm chủ được đề cập tại Hội thảo tham vấn, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án hỗ trợ kỹ thuật - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa tổ chức.

Gỡ khó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát triển

Hội thảo tham vấn về Sách Trắng cho DNNVV do phụ nữ làm chủ

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đã xác định nhiều nội dung, trong đó có chủ trương xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân…

Trong lĩnh vực kinh tế, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và phát huy sức sáng tạo, thế mạnh, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng gần 880 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 20-24% tổng số doanh nghiệp cả nước, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã góp phần tạo ra giá trị của cải vật chất, nguồn thu nhập quan trọng cho kinh tế đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Gỡ khó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát triển
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nữ được ban hành như: Luật Hỗ trợ DNNVV, Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và nhiều chính sách của các bộ, ngành đã lồng ghép yếu tố giới. Điều này phần nào chia sẻ các khó khăn, giúp cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, hiện chưa có bộ số liệu, cơ sở dữ liệu chính thống có quy mô quốc gia để có thể đánh giá, phân tích bức tranh toàn cảnh một cách toàn diện về khu vực doanh nghiệp do nữ làm chủ. Do đó, để có nền tảng cơ sở dữ liệu, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với ADB xây dựng Sách Trắng DNNVV do phụ nữ làm chủ, trong đó đưa ra các tiêu chí về DNNVV do nữ làm chủ trong tổng điều tra kinh tế, từ đó xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiên về DNNVV do nữ làm chủ. Đây là những kết quả có ý nghĩa phục vụ cho các nhà hoạch định chính sách, tổ chức hỗ trợ phát triển có liên quan trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua hỗ trợ phát triển DNNVV do nữ làm chủ.

Trình bày tổng quan về bức tranh các DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, cũng như các phát hiện chính tại Sách Trắng về vấn đề này, Tiến sĩ Adam McCarty, Chuyên gia Quốc tế của ADB về chính sách giới cho biết, khoảng 20-25% số doanh nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2018-2021 là do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ này ngang bằng với một số nền kinh tế như: Singapore 24%, Thái Lan 23%, Indonesia 21%, Hồng Kông 20%, Pháp 24%.

Theo TS. Adam, Việt Nam có khung pháp lý toàn diện tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế rộng lớn hơn. Trong đó, phụ nữ Việt Nam gần như bình đẳng với nam giới về trình độ học vấn và tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số phụ nữ vẫn gặp khó khăn về tiếp cận tài chính, bảo lãnh tín dụng. Các DNNVV do phụ nữ làm chủ có khả năng vay ngân hàng thấp hơn đến 10 điểm phần trăm so với những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tương tự do nam giới điều hành. Sách Trắng cũng chỉ ra rằng, phụ nữ sở hữu và điều hành DNNVV có quy mô nhỏ hơn so với nam giới và có xu hướng hoạt động nhiều hơn trong các lĩnh vực sử dụng vốn ít hơn.

Chính vì phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản nên chỉ 20% DNNVV do phụ nữ làm chủ. Theo đó, số liệu thống kê cho thấy, trong số 536.000 DNNVV tính đến cuối năm 2020, phụ nữ sở hữu hơn 106.000 doanh nghiệp, tương đương chỉ chiếm hơn 20% số DNNVV tại Việt Nam. Đáng chú ý, các khảo sát và nghiên cứu của Sách Trắng cũng cho thấy sự mất cân đối về sở hữu chủ yếu là do những thiên kiến và định kiến không chính thức (của cả nam giới và phụ nữ) đã củng cố quan niệm xã hội rằng phụ nữ không nên làm lãnh đạo doanh nghiệp.

Lý giải cụ thể hơn, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó phần lớn là do các nữ doanh nhân ở Việt Nam vẫn chịu áp lực từ chuẩn mực và kỳ vọng xã hội, bao gồm các giá trị truyền thống và gia trưởng làm gia tăng sự phụ thuộc của phụ nữ. Bên cạnh đó, một phần do phụ nữ tự lựa chọn, hoặc gia đình, bạn bè và đồng nghiệp có thể đã ngăn cản họ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Cũng theo TS. Adam, Sách Trắng cho thấy luật Hỗ trợ DNNVV có nhiều mục tiêu tốt, nhưng thiếu lăng kính giới tính và còn tồn tại một số vấn đề trong quá trình thực hiện về tiếp cận tín dụng và các chương trình bảo lãnh tín dụng. Do vậy, để cải thiện tình trạng này, cần tiếp tục đưa vấn đề giới lồng ghép vào các văn bản pháp luật và đo lường, phân tích dữ liệu phân theo giới tốt hơn; đồng thời tăng cường nhận thức về thành công của phụ nữ trong kinh doanh; hỗ trợ trực tiếp giúp doanh nhân nữ phát triển kinh doanh, bao gồm chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp chính thức, mở rộng thị trường và chuỗi giá trị; tăng cường năng lực và kiến thức kinh doanh của phụ nữ; cải thiện tiếp cận thông tin pháp luật và dịch vụ tư vấn, cũng như nhận thức về các phương án hỗ trợ kinh doanh, tiếp cận tài chính của DNNVV do phụ nữ làm chủ...

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực và kiến thức kinh doanh của phụ nữ. Đào tạo và cải thiện tiếp cận thông tin pháp luật và dịch vụ tư vấn cũng như nhận thức về các phương án hỗ trợ kinh doanh. Cải thiện tiếp cận tài chính của DNNVV do phụ nữ làm chủ bằng cách làm việc với các ngân hàng về các sản phẩm tài chính mới và phổ biến kế hoạch hành động, để giúp DNNVV do phụ nữ làm chủ hiểu rõ hơn yêu cầu của ngân hàng.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành liên quan đã tập trung thảo luận, tham vấn về các chính sách và khuôn khổ pháp lý hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ; các kinh nghiệm và thông lệ quốc tế, trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần nâng cao chất lượng chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nữ, cũng như tạo thuận lợi cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, đóng góp tích cực vào nền kinh tế./.