“Gỡ khó” trong thực thi luật đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp phát triển
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 11/08/2016, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, thực tiễn triển khai thi hành Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 thời gian qua cho thấy còn có sự khác nhau, không tương thích.
Đặc biệt, có sự mâu thuẫn giữa các quy định Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với các quy định của pháp luật chuyên ngành khác, dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
TÌnh trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy, cụ thể theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, thì sự chồng chéo, không tương thích nhau giữa các điều luật không chỉ gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực thi và tuân thủ, mà còn làm doanh nghiệp mất thêm chi phí về thời gian, tiền bạc, và hơn ai hết người dân lại chính là người phải gánh chịu những chi phí vô lý này.
Lấy điển hình như trong các thủ tục cấp phép đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ rõ, đã những chồng chéo, bất cập thể hiện rất rõ.
Cụ thể, trong quá trình hình thành dự án, Luật Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư phải nộp “Đề xuất dự án đầu tư trong đó có nội dung về địa điểm đầu tư”. Tức là nhà đầu tư phải có địa điểm đầu tư trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Thế nhưng, Luật Xây dựng tại Điều 46 lại nêu rõ cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho các chủ đầu tư khi có yêu cầu. Còn tại Luật Nhà ở lại nêu rõ, Hồ sơ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư yêu cầu phải có “Quyết định phê duyệt quy hoạch kèm theo bản vẽ quy hoạch chi tiết khu vực có dự án đã được cơ quan cấp phép có thẩm quyền phê duyệt và Nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt có liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án cần chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thêm nữa, tại Luật Đầu tư quy định thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường.Trong khi đó, tại Luật Môi trường lại yêu cầu phải có quyết định này làm căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo
Còn Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ông Phan Đức Hiếu lại chỉ rõ: “Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp không phân biệt loại hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư, nhưng trên thực tế, một số hoạt động kinh doanh như chứng khoán, bảo hiểm, giám định tư pháp, luật sư, công chứng… hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp nhưng lại thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định riêng”.
Vì thế, để cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương nghiên cứu, xây dựng Đề án Luật sửa đổi, bổ sung các luật đầu tư kinh doanh.
Ở góc độ của đơn vị chủ trì Đề án Luật sửa đổi, bổ sung các luật đầu tư kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần tập trung vào một số quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, giữa Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan. Đồng thời cần thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, không phân biệt loại hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư; Quy định rõ việc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước bên thứ ba trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật và lạm quyền khi thiết lập giao dịch...
Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế- Xã hội tỉnh Bắc Ninh, đây là một chủ trương đúng, nhằm hoàn thiện các văn bản pháp luật về đầu tư, kinh doanh, hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.
Bình luận