Hạn chế việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước vào cuối năm
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với phương án bổ sung dự toán cho các bộ, ngành, địa phương như đề xuất của Chính phủ
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, ngày 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ của nước ngoài) năm 2024. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung dự phiên họp.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, trong năm 2024, do thực tế phát sinh, một số bộ, cơ quan trung ương, các hội, địa phương có nhu cầu bổ sung dự toán chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài) để thực hiện chi và hoạch toán, quyết toán đối với các hoạt động của một số dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng trình bày tờ trình tại phiên họp |
“Trong thực tế thực hiện đã phát sinh dự án mới, bên cạnh đó, có một số dự án đã được phê duyệt trước. Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng, lập, tổng hợp nhu cầu dự toán năm 2024, một số cơ quan chưa có đủ hồ sơ pháp lý của các khoản viện trợ liên quan (như quyết định phê duyệt tiếp nhận viện trợ, văn kiện dự án, văn bản cam kết viện trợ/thỏa thuận viện trợ). Do đó không có cơ sở để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.”, ông Hưng cho biết.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, việc điều chỉnh dự toán do phát sinh các dự án mới và một số dự án đã được phê duyệt từ trước nhưng thời điểm xây dựng, lập, tổng hợp nhu cầu dự toán năm 2024 chưa đủ hồ sơ pháp lý để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Vì vậy, đây là các khoản thu, chi viện trợ không hoàn lại chưa được dự toán cần được bổ sung vào dự toán để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước.
“Căn cứ vào nhu cầu thực tế phát sinh, để bảo đảm hiệu quả, tiến độ triển khai dự án, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với phương án bổ sung dự toán cho các bộ, ngành, địa phương như đề xuất của Chính phủ.”, ông Mạnh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày ý kiến thẩm tra |
Về thẩm quyền, đa số ý kiến cho rằng, theo quy định tại Điều 19 Luật Ngân sách nhà nước, Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương. Do đó, Chính phủ cần trình Quốc hội quyết định bổ sung dự toán thu, chi đối với khoản viện trợ nêu trên. Có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng dự toán cho một số bộ, cơ quan trung ương, các hội, địa phương đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng dự toán của Đại học Quốc gia Hà Nội không làm thay đổi tổng thể cân đối ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định. Do đó, nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Về điều chỉnh dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2024 giữa các lĩnh vực chi của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh dự toán giữa các lĩnh vực chi của Bộ này do có sự nhầm lẫn trong quá trình tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền giao dự toán chi thường xuyên. Để bảo đảm việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với phương án Chính phủ trình về điều chỉnh dự toán giữa các lĩnh vực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Song đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng dự toán, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm tính chính xác về số liệu, nội dung, lĩnh vực chi.
Đề nghị các bộ, cơ quan rút kinh nghiệm xây dựng dự toán, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bổ sung dự toán thu ngân sách Trung ương năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gồm: Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam chi sự nghiệp quản lý hành chính; Bộ Giao thông Vận tải chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề; UBND tỉnh Quảng Bình chi sự nghiệp kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép điều chỉnh dự toán chi thường xuyên chi thường xuyên nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài năm 2024 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cụ thể là giảm chi sự nghiệp kinh tế; tăng chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp bảo đảm xã hội, sự nghiệp khoa học công nghệ.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan rút kinh nghiệm xây dựng dự toán, bảo đảm sự cần thiết, tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của đơn vị, hạn chế việc điều chỉnh dự toán vào cuối năm.”, ông Hải lưu ý./.
Bình luận