“Hiến kế” gỡ khó để đẩy mạnh xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu giảm ở nhiều mặt hàng chủ lực
Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù toàn hệ thống đã nỗ lực rất cao, nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%. Nhiều địa phương, trong đó có những địa phương được xem là đầu tàu, là động lực thúc đẩy kinh tế trong nước ghi nhận mức tăng trưởng cũng rất thấp.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Trong đó, nhiều địa phương ghi nhận tốc độ tăng GRDP cao hơn tốc độ tăng GDP. Chẳng hạn, Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%…
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tăng trưởng GRDP của một số địa phương giảm. Trong đó, giảm lớn nhất là Bắc Ninh (-11,85%); tiếp đó là Quảng Nam (-10.88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-4,75%), Vĩnh Phúc (-2,47%), Quảng Ngãi (-1,07%).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước và các địa phương thấp hơn so với kế hoạch và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, là sự báo động đối với việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho năm nay và cho cả giai đoạn 5 năm, 10 năm tiếp theo.
Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt trên 79 tỷ USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước. |
Ở lĩnh vực xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, trong quý I/2023, một số ngành hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm như ngành hàng điện tử, máy tính: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xơ sợi dệt đạt 941 triệu USD, giảm 35%...
Nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng là khác nhau. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản... bị sụt giảm nhiều nhất; trong khi đó các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như: cao su, gạo, rau quả, hạt điều... ít chịu tác động hơn.
Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm để chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển cũng tăng cao.
Nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động như gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp… nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, công điện và chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu...
Mới đây nhất, Thủ tướng đã ký ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu; Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
Gần đây nhất, để góp phần đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu đặt ra, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, vào ngày 25/4/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và vận dụng các chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách hiện có của Đảng, Nhà nước. Tập trung nghiên cứu và tăng cường nắm bắt cơ chế, chính sách của các nước nhập khẩu (nhất là những cơ chế, chính sách mới) để có những phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, người sản xuất, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cần mạnh mẽ tái cơ cấu doanh nghiệp trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng các thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.
Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ cần khẩn trương làm việc với các ngành, địa phương có trọng điểm về công nghiệp (hoặc có liên quan) để tháo gỡ thực chất khó khăn cho doanh nghiệp; làm tốt chức năng tư vấn, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để tăng cường nội địa hóa sản phẩm, tiếp thu công nghệ và quản trị, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, cần tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng nội địa…
Đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của chính các doanh nghiệp
Bước sang quý II/2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra nói chung và đạt được mục tiêu xuất khẩu nói riêng.
Một số chuyên gia cho rằng, Nhà nước phải đưa ra những gói hỗ trợ như hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu để giúp họ giảm chi phí đầu vào, cùng với hỗ trợ về thuế sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những quốc gia mà Việt Nam đã ký những hiiệp định thương mại song phương. Đồng thời, có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động.
Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cần hướng đến các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, Mỹ Latinh; triển khai đàm phán FTA với Mercosur. Đây là hướng để khai mở thị trường Mỹ Latinh.
Trả lời báo giới, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam nêu quan điểm, phải giảm chi phí kinh doanh, chi phí vận tải, chi phí logistics. Những chi phí này cấu thành rất lớn trong chi phí xuất khẩu. Doanh nghiệp bán 1 sản phẩm giá 100 đồng nhưng nhiều khi chi phí vận tải logistics đã chiếm 30% - 40% ở trong đó.
Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay rất khó khăn, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để tận dụng, đặc biệt là doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với tình hình mới.
Theo đó, doanh nghiệp cần định vị lại các giá trị cốt lõi như năng lực cạnh tranh, năng lực công nghệ, cung cách quản trị của đơn vị mình để vượt qua thách thức. Thích ứng với tình hình mới, doanh nghiệp phải gắn liền với tư duy mới, trong đó phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn./.
Bình luận