Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 4,9%, làm giảm 0,8 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,4%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2023 giảm 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,2% so với cùng thời điểm năm trước.

IIP tháng 1/2023 giảm 14,6%
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2023 giảm 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,2% so với cùng thời điểm năm trước

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp nước ta có thể chịu ảnh hưởng của các yếu tố từ bên ngoài như: Sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; chiến sự giữa Nga - Ukraine, cũng như xu hướng thắt chặt tài khóa, tiền tệ gia tăng trước bối cảnh lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nước; giá nhiều mặt hàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng gây nhiều áp lực lên giá đầu vào sản xuất tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do cầu của thị trường nước ngoài có xu hướng giảm; nhà nhập khẩu chậm thanh toán; lượng tồn kho tăng cao; dòng tiền của doanh nghiệp cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh gây trở ngại cho việc duy trì sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối năm, cũng như mua nguyên liệu chuẩn bị cho sản xuất năm 2023, nhưng gặp khó khăn khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng với chi phí lãi vay cao. Nếu những yếu tố trên chưa được cải thiện tích cực ngay, thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, khả năng sản xuất công nghiệp quý I/2023 tiếp tục rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn quý IV/2022.

Vì vậy, theo Tổng cục Thống kê, để ngành công nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025,Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước.

Tháo gỡ khó khăn về dòng tiền và giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh chóng với lãi suất ưu đãi hơn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng mới, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai.; thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; chú trọng hơn đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường; tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiến tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới./.