Luật Đất đai có những điểm mới nổi bật liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, người sử dụng đất, phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất và các hành vi bị nghiêm cấm; Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Tài chính về đất đai, giá đất; Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Chế độ sử dụng các loại đất; Thủ tục hành chính về đất đai; Giám sát; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai… Đó là những nội dung đáng chú ý được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết khi giới thiệu về những điểm mới của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 tại buổi Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, diễn ra hôm nay (ngày 19/2), do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức.

Luật Đất đai mới quy định cụ thể về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất

Theo ông Ngân Luật Đất đai số 31/2024/QH15 gồm 16 Chương, 260 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 Điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 Điều; luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai, Luật Đất đai bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai.

Đối với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Luật Đất đai đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.

Cũng theo ông Ngân, Luật Đất đai cũng hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất; bổ sung các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch. Đặc biệt, Luật Đất đai cũng quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng; quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất, trình tự, thủ tục thu hồi đất… bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Luật Đất đai mới quy định cụ thể về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất
Luật Đất đai mới quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất; trình tự, thủ tục thu hồi đất… bảo đảm dân chủ, khách quan

Liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai đã cụ thể hóa nguyên tắc “Có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư.

Đối với các quy định về tài chính đất đai, giá đất, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Luật cũng phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định cụ thể 4 phương pháp định giá đất; giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Cũng theo ông Ngân, để đảm bảo các quy định của Luật được triển khai hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành luật, trong đó xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành và nâng cao nhận thức về Luật Đất đai, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc thi hành luật. Xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật…

Với nhiều nội dung mới theo hướng bám sát thực tiễn cuộc sống hơn, khi Luật Đất đai năm 2024 được đưa vào áp dụng, sẽ không chỉ tháo gỡ các “điểm nghẽn” tồn tại lâu này, mà còn mở ra hướng đi mới trong quản lý, khai thác ngày càng hiệu quả, minh bạch hơn loại tài nguyên đặc biệt này vào phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới./.