Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ tạo bước chuyển lớn trong lĩnh vực thầu
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo

Luật Đấu thầu năm 2023 góp sức xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long khẳng định, việc sửa đổi Luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường…

Hôm nay (17/7), được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, thay mặt Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã chủ trì buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, bao gồm: Luật Giá; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ngành đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của các Luật được công bố. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương làm rõ một số nội dung của Luật Đấu thầu.

Theo đó, với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với quy định hiện hành, Thứ trưởng cho biết, Luật Đấu thầu năm 2023 tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ tạo bước chuyển lớn trong lĩnh vực thầu

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Luật Đấu thầu năm 2023 tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu...

"Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, sẽ tạo bước chuyển lớn trong lĩnh vực thầu, thúc đẩy hiệu quả thực chất đồng vốn nhà nước, đồng thời góp sức xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Luật Hợp tác xã năm 2023 loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường

Về Luật Hợp tác xã, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; bảo đảm và phát huy đặc trực, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã; thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ tạo bước chuyển lớn trong lĩnh vực thầu
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Luật Hợp tác xã năm 2023 bảo đảm và phát huy đặc trực, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã; thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, phát triển thành viên...
Giới thiệu Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Luật sẽ tạo thuận lợi cho chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng 4.0 và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia; khẳng định giá trị pháp lý về giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực.

Có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024, Luật Hợp tác xã 2023 có 12 chương, 115 điều với nhiều điểm mới, gồm 5 nhóm chính: Nhóm 1: Quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; Nhóm 2: Quy định mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; Nhóm 3: Quy định nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; Nhóm 4: Quy định tổ hợp tác và tổ chức đại diện; Nhóm 5: Quy định nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể.

Tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, nhiều luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua có dấu ấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo, như: Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh đt.656 tỉnh Khánh Hòa – Kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận…/.