Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% là hoàn toàn khả thi
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú. Ảnh: VGP

Tăng trưởng tín dụng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn

Trả lời phóng viên về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, số liệu theo báo cáo chung là 6,63% tính đến 26/8. Nhưng, sáng nay (7/9), báo cáo tại cuộc họp Chính phủ, dư nợ tín dụng tăng 7,75%, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước.

"Như vậy, mục tiêu cả năm đặt ra là khoảng 15% có điều chỉnh theo các yêu cầu thực tế tới thời điểm cuối năm và đến thời điểm này đạt được 7,75%", ông Tú nói

Những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn. "Thời điểm này của năm 2023 mới đạt 5,33% và cuối năm vẫn đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%", ông Tú dẫn chứng lại.

Năm nay, với tốc độ cũng như xu hướng chung của nền kinh tế và đặc biệt là so với trước kia, tình hình khởi sắc rất nhiều, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mục được đánh giá là rất tích cực, "chúng tôi tin rằng chúng ta có khả năng đạt được 15%", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh và cho biết: "Mục tiêu tăng trưởng 15% tất nhiên là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, nhưng quan trọng nhất lúc này là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm đã đặt ra những nhiệm vụ rất quyết liệt để tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi ra hàng loạt giải pháp, biện pháp rất tích cực với kinh nghiệm từ những năm trước cũng như biện pháp của riêng năm nay".

Phó Thống đốc cho biết, việc phân bổ và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các tổ chức tín dụng ngay từ cuối năm 2023 đã phân bổ hết chỉ tiêu 15% cho tất cả các ngân hàng để các ngân hàng thương mại chủ động trong cấp tín dụng.

Lãi suất đã giảm khá tích cực

Phó Thống đốc cũng cho biết, đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất. Theo số liệu hiện nay, lãi suất đã giảm khá tích cực. Lãi suất hiện nay cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%, ở mức nhỏ với một số ngân hàng thương mại nhỏ.

"Có thể nói lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều. Mặc dù tiền gửi phải tăng lên để trả lãi suất cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm thì chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp", Phó Thống đốc chia sẻ.

Phó Thống đốc cho hay, tỉ giá rất ổn định. Mức mất giá của đồng tiền đến nay mới chỉ có 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tỉ giá ổn định, hợp lý và thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài", vị lãnh đạo này nói.

Thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản các tổ chức tín dụng đồng thời giảm, tức là khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, kể cả room tín dụng cũng như nguồn lực, nguồn vốn thanh khoản, đều đủ cho nhu cầu vốn tín dụng. Quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay. Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh. Còn nhiều chính sách giải pháp vĩ mô khác đồng hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng.

Các hội nghị kết nối của tất cả 63 tỉnh, thành phố, các chính sách tín dụng ưu đãi, các chính sách tín dụng trong chương trình mục tiêu đều được triển khai rất quyết liệt. Về cơ chế chính sách, sau khi thực hiện Luật Tổ chức tín dụng mới, chúng tôi đã tháo gỡ rất nhiều hay nói đúng hơn là tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay.

Một phần nữa là ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay.

"Đấy là một số biện pháp chúng tôi đã và đang triển khai, cũng như thời gian sắp tới sẽ tiếp tục coi trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, cũng như yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung hơn nữa vào những lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ", ông Tú cung cấp thông tin.

Các gói tin dụng ưu đãi đã giải ngân vượt dự kiến

Những gói tín dụng ưu đãi như gói 140.000 tỷ đồng (vì có 4 ngân hàng thương mại đăng ký thêm) cũng như gói cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân vượt con số dự kiến 30.000 tỷ đông, đạt 36.000 tỷ đồng. "Sáng nay, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo chung, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng số dư của gói này lên dự kiến khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng", Phó Thống đốc cho biết thêm.

"Gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ cũng sẽ tiếp tục tăng ưu đãi, lãi suất giảm bớt, trước đây là 2% thì nay giảm thêm 1% nữa thành 3%, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin./.