Thắt chặt kỷ luật tài chính

“Thời gian qua, Nhà nước đã chi khoản tiền lớn cho việc chống dịch. Đây là con số rất lớn mà ngân sách Nhà nước phải căng ra lo chi cho chống dịch. Do đó, đề nghị cần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, đặc biệt là triệt để tiết kiệm các khoản chi, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng...”, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An (Đồng Nai), đề xuất tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương 2022 và Kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2022-2024, theo Văn phòng Quốc hội.

Ngân sách phải… “thắt lưng buộc bụng”
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Ảnh: QH

Để có thêm nguồn thu cho ngân sách, theo ông An, nên tính toán tăng sản lượng khai thác dầu thô do giá dầu thế giới đang tăng. Cũng cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, người dân vào hoạt động kinh tế, triển khai ngay các hoạt động phục hồi tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giữ đơn hàng, không bị đứt gãy, thiếu hụt lao động, chuyên gia. Đồng thời cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn, tránh tình trạng người dân rời thành phố về quê, “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đề xuất, Chính phủ có thể phải cân nhắc đến bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường, để giải quyết các tình huống không bình thường…

Các ĐBQH đề nghị khi thực hiện cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát, cắt giảm những dự án đầu tư công chưa thực sự cần thiết; cân đối ngân sách ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19…

Để tiết kiệm chi NSNN, theo ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh), cần rà soát, đẩy mạnh hơn nữa việc tinh gọn bộ máy hành chính để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021 theo mục tiêu đề án tái cơ cấu kinh tế. Đây là nhiệm vụ then chốt giúp các doanh nghiệp rút gọn được khâu trung gian, đầu mối, tiết kiệm được chi phí nguồn lực. Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy không nên máy móc cơ học và nóng vội…

Tăng chi chi cho an sinh xã hội

Cùng với tăng cường kiểm soát chặt chi ngân sách, nhưng những khoản đáng chi thì cần gia tăng. Một trong những khoản cần tăng chi, theo các ĐBQH đó là chi cho an sinh xã hội, đặc biệt là những nhóm người yếu thế do chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

Ngân sách phải… “thắt lưng buộc bụng”
Theo ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam), Chính phủ cần mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền cho an sinh xã hội. Ảnh: QH

“Chính phủ cần mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền cho an sinh xã hội, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước…”, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh theo Báo cáo của Chính phủ, đến quý III/2021, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020. Điều này càng khiến cho thu nhập, đời sống của người lao động, nhất là công nhân lao động khu vực phi chính thức, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn giãn cách xã hội.../.