Những chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 6/2022
Trong các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6 có chính sách hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo |
* Mức giảm giá cước dịch vụ bưu chính không vượt quá 50% giá cước gần nhất
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị định số 25/2022/NĐ-CP ngày 12/4/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính.
Trong đó, Nghị định bổ sung Điều 15đ về khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính. Cụ thể, việc khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại. Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định.
Nghị định cũng bổ sung Điều 15c công khai giá cước dịch vụ bưu chính. Cụ thể, đối tượng thực hiện gồm: Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; đại lý cung ứng dịch vụ bưu chính có quyền quyết định, điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính.
Nội dung công khai: Giá cước dịch vụ bưu chính bằng đồng Việt Nam, đã gồm các loại thuế, phụ phí của dịch vụ; thông tin liên quan khác (nếu có). Thời điểm công khai kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ.
Hình thức công khai: dưới một hoặc một số hình thức như niêm yết tại điểm phục vụ, thông báo bằng văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc các hình thức khác để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của mọi tổ chức, cá nhân.
Giá cước dịch vụ bưu chính được công khai phải thống nhất với giá cước mà doanh nghiệp, tổ chức đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
Nghị định số 25/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2022.
* Dừng thu phí thủ công trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1/6/2022, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ dừng thu phí thủ công, thay vào đó sẽ chính thức thí điểm 100% thu phí điện tử không dừng (ETC) đối với các phương tiện di chuyển trên tuyến cao tốc này. Do đó, các phương tiện không dán thẻ ETC, hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ để lưu thông mà cố tình đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6 tới đây sẽ bị xử phạt vi phạm giao thông.
Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021, mức phạt đối với người điều khiển ô tô sẽ là từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
* Chính sách mới về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gồm:
- Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê.
- Vật nuôi: Trâu, bò, lợn.
- Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (20% phí bảo hiểm nông nghiệp) khi đáp ứng đầy đủ quy định sau:
+Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
+ Có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
+ Có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định pháp luật về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quyết định cũng quy định cụ thể rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; trâu, bò, lợn; tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra như: Thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất...); dịch bệnh đối với cây lúa (bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn...); dịch bệnh đối với trâu, bò, lợn (bệnh lở mồm long móng, tai xanh, nhiệt thán, xoắn khuẩn).
Quyết định nêu rõ: Không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh đối với cây cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025.
* Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Thông tư, nội dung hỗ trợ gồm: Tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông tư nêu rõ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội; căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP để lựa chọn tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, đảm bảo doanh nghiệp được hưởng mức hỗ trợ có lợi nhất.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đề xuất nhiều nội dung hỗ trợ trong một hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ. Tại cùng một thời điểm với cùng một nội dung hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được gửi đến một cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị hạn chế số lần hỗ trợ hoặc số lượng hợp đồng hỗ trợ đối với các nội dung hỗ trợ quy định tính theo triệu đồng/năm/doanh nghiệp hoặc triệu đồng/năm nhưng phải đảm bảo không vượt quá tỷ lệ, định mức hỗ trợ tối đa quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định nộp cho cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là bản sao hoặc bản chụp từ bản gốc, bản chính và không cần chứng thực. Trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp bản chính hoặc bản gốc để đối chiếu thông tin.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2022.
* Chỉ sử dụng hóa đơn giấy đến hết ngày 30/6
Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì vẫn được tiếp tục sử dụng hóa đơn đó đến hết ngày 30/6/2022. Thay vì sử dụng hóa đơn giấy, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Hiện nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Mặc dù còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng cho thấy nhiều lợi ích như: Giúp người sử dụng hóa đơn, người nhận hóa đơn tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính. Giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng, tránh thất thoát, cháy hỏng hóa đơn. Giúp doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng số hóa, cơ quan Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số...
* Dừng giảm lệ phí làm căn cước công dân gắn chip
Nhằm hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 giảm 50% lệ phí làm căn cước công dân gắn chip. Mức phí ưu đãi này chỉ được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.
Do đó, từ 1/7/2022, người dân đi làm căn cước công dân gắn chip sẽ phải nộp theo mức phí được quy định tại Thông tư số 59/2019/TT-BTC ban hành ngày 30/8/2019.
Cụ thể, khi chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số/12 số sang căn cước công dân 30.000 đồng/thẻ; Đổi CCCD bị hư hỏng không sử dụng được hoặc thay đổi thông tin (họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhân dạng, xác định lại giới tính, quê quán, có sai sót về thông tin trên thẻ, khi công dân có yêu cầu) 50.000 đồng/thẻ; Cấp lại căn cước công dân khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam 70.000 đồng/thẻ.
Ngoài ra, hết tháng 6/2022, cũng là hạn cuối áp dụng chính sách giảm phí sử dụng đường bộ; lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm; lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành…
Bình luận