Các kết quả nổi bật của ngành Công Thương năm 2024

Năm 2023, Bộ Công Thương đã sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Điện lực. Sau một năm chuẩn bị thần tốc nhưng kỹ lưỡng, công phu, khoa học, ngày 30/11/2024, Quốc hội khoá XV chỉ trong một Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi với tỷ lệ tán thành cao (91,65%). Đây là bước đột phá trong tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông các vướng mắc, thu hút đầu tư, phát triển ngành điện đáp ứng đòi hỏi tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xây dựng và trình Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Nghị định số 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định số 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu…

Đồng thời, đã tập trung, nỗ lực tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và cơ chế tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, tạo thuận lợi cho sự phát triển bứt phá và bền vững ngành năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Đặc biệt, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường nguồn điện những năm tới; khắc phục lãng phí nguồn lực xã hội đã đầu tư lên đến 13 tỷ USD và giải quyết được nhiều vướng mắc tưởng chừng bế tắc.

Nửa đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã nhanh chóng xây dựng, tham vấn ý kiến, trình Chính phủ ban hành và ban hành Kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. Trong đó, nêu rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể; đề xuất cơ chế, chính sách; các giải pháp thực hiện quy hoạch… Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai một cách thuận lợi, hiện thực hóa các chiến lược.

Bên cạnh đó, ngành Dầu khí hướng tới vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng doanh thu 2024; phát triển chuỗi dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi cùng dấu ấn nhiều công trình năng lượng trọng điểm. Đặc biệt, Petrovietnam đã triển khai các dự án trọng điểm quy mô siêu lớn, phức tạp, công nghệ cao như chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn và dự án Lạc Đà Vàng đã minh chứng cho quyết tâm, nỗ lực của Tập đoàn và các đơn vị, nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức để không ngừng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Những điểm nhấn ngành Công Thương năm 2024 và giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025
Tổng kim ngạch xuất khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%

Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu hàng năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%; trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.

Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).

Cùng với đó, công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.

Về các hiệp định thương mại tự do (FTA), ngày 28/10/2024, sau hơn 1 năm đàm phán, Việt Nam và UAE đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA). Đây là FTA đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-rập, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với UAE. Hiệp định có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo tiếng vang, tạo ra cuộc đua marathon mới trong ký kết các FTA với các nước Trung Đông – châu Phi thời gian tới; trước mắt là các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Quatar...

Đặc biệt, thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới

Bên cạnh đó, thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô

Những giải pháp trọng tâm trong năm 2025

Năm 2025, ngành Công Thương đặt mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phấn đấu tăng từ 9 - 10% so với năm 2024; xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng 12% so với năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kilowatt, tăng 12% so với năm 2024…

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị ngành Công Thương cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo dư địa, động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Hai là, quyết liệt đổi mới công tác quản lý Ngành, theo đuổi hệ mục tiêu thay vì hệ giải pháp như hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng tham mưu cơ chế, chính sách, xác định đây là nhiệm vụ đột phá của đột phá, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…). Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác có hiệu quả các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu; đồng thời, chú trọng thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, triển khai và khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Năm là, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân, còn nhiều tiềm năng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nội địa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế và lợi ích quốc gia dân tộc./.