Tóm tắt

Trong vụ việc Philippines điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) lên một số mặt hàng xi măng của Việt Nam được khởi xướng vào tháng 4/2021, thì đến tháng 12/2022, cơ quan điều tra của nước này đã kết luận rằng, các doanh nghiệp (DN) xi măng Việt Nam có hành vi bán phá giá và đề nghị mức thuế CBPG cho từng DN. Đáng lưu ý, ở thời điểm đề nghị mức thuế CBPG, các mặt hàng xi măng này vừa được Philippines chấm dứt áp thuế tự vệ. Bài viết này sẽ phân tích tình hình xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Philippines, phương pháp tính toán biên độ CBPG của Philippines và đánh giá khả năng giảm thuế của các DN Việt Nam trong giai đoạn rà soát.

Từ khóa: Philippines, xi măng, thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá

Summary

In the case of the Philippines investigating the application of anti-dumping measures (AD) on a certain cement exports from Vietnam on 4/2021, and 12/2022, the Investigating Authority concluded that Vietnamese cement enterprises engaged in dumping actions and proposed anti-dumping duties for each Vietnamese enterprise. Notably, at the time of proposing anti-dumping duties, Philippines had just stop imposing safeguard duties on these certain cements. The following article will analyze the situation of Vietnam's cement exports to the Philippines, the calculation method of the anti-dumping margin of the Philippines and evaluate possibility for Vietnamese enterprises to have a tax reduction in the upcoming reviews.

Keywords: Philippines, cement, safeguard duties, anti-dumping duties

GIỚI THIỆU

Nhằm bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt những ngành đang bị nước ngoài cạnh tranh gay gắt, các biện pháp bảo hộ, trong đó có các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đang được Chính phủ các nước sử dụng ngày càng nhiều. Philippines không phải ngoại lệ khi đây là một trong những nước thường xuyên khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa của Việt Nam nhất. Tính đến năm 2022, nước này đã điều tra khoảng 10 vụ, trong đó, mới nhất là ngành sản xuất xi măng khi Ủy ban Thuế quan Philippines (TC) đã kết luận rằng các DN sản xuất/xuất khẩu xi măng của Việt Nam có hành vi bán phá giá và đề nghị mức thuế CBPG cụ thể cho từng DN liên quan. Trong khi trước đó, năm 2019, nước này đã áp dụng thuế tự vệ đối với cùng loại mặt hàng xi măng nhập khẩu từ Việt Nam khi cho rằng, lượng nhập khẩu xi măng từ Việt Nam quá lớn, khiến ngành xi măng của nước này chịu thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, nghiên cứu này sẽ phân tích tình hình xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Philippines, nghiên cứu phương pháp tính toán biên độ bán phá giá của Philippines và đánh giá khả năng thay đổi mức thuế cho các DN Việt Nam trong giai đoạn rà soát.

KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU XI MĂNG CỦA VIỆT NAM SANG PHILIPPINES

Các DN sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu 02 loại mặt hàng xi măng sang Philippines gồm; xi măng Type 1 và Type 1P. Cụ thể:

Đối với xi măng Type 1

Bảng 1: Số liệu nhập khẩu xi măng Type 1 của Philippines

Đơn vị: nghìn USD

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Philippines nhập khẩu từ Việt Nam

116.577

175.171

176.331

225.389

297.913

Tổng lượng nhập khẩu xi măng Type 1 của Philippines

228.117

269.091

291.946

270.296

334.453

% nhập khẩu xi măng Type 1 của Việt Nam so với thế giới

51,1%

65,1%

60,4%

83,38%

89,07%

Nguồn: ITC

Bảng 1 cho thấy, lượng xi măng Type 1 của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 116,5 triệu USD, nhưng đã tăng khoảng 50,2% trong năm tiếp theo, đạt mức 175,1 triệu USD và giữ nguyên trong năm tiếp theo mặc cho tổng lượng nhập khẩu xi măng Type 1 của Philippines đã tăng khoảng 8% trong cùng thời kỳ.

Hình 1 cho thấy, giá trị xuất khẩu xi măng trong năm 2019 gần như không có sự thay đổi so với năm 2018 có thể do ảnh hưởng của mức thuế tự vệ (250 peso/MT) mà Chính phủ Philippines áp dụng đối với mặt hàng xi măng nhập khẩu. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2021, Philippines ban hành quyết định áp thuế tự vệ đối với xi măng nhập khẩu với mức thuế lần lượt qua các năm là 250 peso/MT, 245 peso/MT, và 200 peso/MT.

Tuy nhiên, trong năm 2020, xuất khẩu xi măng Type 1 sang Philippines đã lấy lại đà tăng trưởng khi chứng kiến mức tăng đáng kể, đạt mốc 225,3 triệu USD (tăng khoảng 28%) trong khi tổng lượng nhập khẩu của Philippines lại giảm. Năm 2021 tiếp tục chứng kiến sự phát triển của ngành sản xuất/xuất khẩu xi măng của Việt Nam khi giá trị xuất khẩu xi măng Type 1 khi đạt ngưỡng 297,9 triệu USD (tăng 32% so với năm trước). Tuy mức thuế tự vệ ở mức cao nhưng không gây ảnh hưởng nhiều tới việc xuất khẩu xi măng Type 1 của Việt Nam khi tỷ lệ xi măng nhập khẩu của Philippines từ Việt Nam đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với tổng lượng nhập khẩu xi măng – từ 51,1% năm 2017 tới gần 90% năm 2021.

Phương pháp tính biên độ phá giá của Philippines cho xi măng của Việt Nam và đánh giá khả năng giảm thuế của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn rà soát

Đối với xi măng Type 1P

Bảng 2: Số liệu nhập khẩu xi măng Type 1P của Philippines

Đơn vị tính: nghìn USD

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Philippines nhập khẩu Type 1P từ Việt Nam

39.867

20.227

41.631

43.459

65.381

Tổng lượng nhập khẩu xi măng Type 1P của Philippines

41.463

21.549

42.376

43.777

66.318

% nhập khẩu xi măng Type 1P của Việt Nam so với thế giới

96,1%

93,86%

98,2%

99,27%

98,58%

Nguồn: ITC

Bảng 2 cho thấy, Philippines gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Việt Nam về việc nhập khẩu xi măng Type 1P, thể hiện qua tỷ lệ nhập khẩu xi măng Type 1P từ Việt Nam ở mức gần như tuyệt đối, chiếm khoảng hơn 96% so với tổng lượng nhập khẩu xi măng Type 1P của Philippines.

Phương pháp tính biên độ phá giá của Philippines cho xi măng của Việt Nam và đánh giá khả năng giảm thuế của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn rà soát

Hình 2 cho thấy, nhìn chung, Philippines cũng không nhập khẩu nhiều xi măng Type 1P. Trong năm 2017, giá trị nhập khẩu xi măng Type 1P chỉ ở mức 39 triệu USD, nhưng lại giảm gần một nửa trong năm tiếp theo khi chỉ đạt 20,2 triệu USD. Đến năm 2019, giá trị xuất khẩu xi măng Type 1P phục hồi khi, tăng lên khoảng 40 triệu USD và dao động quanh ngưỡng đó năm tiếp theo. Tuy nhiên, đến năm 2021, giá trị xuất khẩu xi măng Type 1P của Việt Nam sang Philippines chứng kiến sự nhảy vọt lên mức 65,3 triệu USD - tăng khoảng 50%.

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH BIÊN ĐỘ PHÁ GIÁ CỦA ỦY BAN THUẾ QUAN PHILIPPINES (TC)

Trong vụ việc điều tra chính thức, TC sẽ xác định như mục sau:

(1) Nếu hàng hóa bị điều tra đang được nhập khẩu vào, hoặc bán tại Philippines với mức giá thấp hơn giá trị thông thường; và sự khác biệt, nếu có, giữa giá xuất khẩu và giá trị thông thường của hàng hóa đó.

(2) Sự hiện diện và mức độ của thiệt hại vật chất hoặc mối đe dọa của nó đối với ngành sản xuất trong nước, hoặc sự chậm phát triển đáng kể của việc thành lập ngành sản xuất trong nước;

(3) Sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả giữa sản phẩm, hàng hóa hoặc vật phẩm bị cáo buộc bán phá giá và gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, hoặc cản trở sự phát triển của ngành sản xuất trong nước;

(4) Thuế CBPG được áp dụng;

(5) Thời hạn áp dụng thuế CBPG.”

Thêm vào đó, Điều 11(a) và (b) của IRR của Đạo luật CBPG năm 1999 đưa ra điều kiện để so sánh giá trị thông thường và giá xuất khẩu như sau:

(a) Bộ trưởng Bộ Công Thương và TC sẽ xác định sự tồn tại của hành vi bán phá giá bằng cách so sánh giá xuất khẩu và giá trị thông thường của sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá, bao gồm tất cả các giao dịch đối với sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá trong thời kỳ điều tra (POI).

(b) Việc so sánh phải được thực hiện ở cùng một cấp độ thương mại, thường là ở giá xuất xưởng, và đối với việc bán hàng được thực hiện cùng thời điểm hoặc càng gần ngày xuất khẩu càng tốt.

Trong cuộc điều tra chính thức, TC đã xác định được 29 nhà sản xuất/xuất khẩu xi măng Type 1 và/hoặc Loại 1P của Việt Nam sang Philippines trong POI. Trong số 29 nhà xuất khẩu, 14 nhà xuất khẩu đã cung cấp thông tin thông qua Bản trả lời câu hỏi gửi cho Ủy ban để quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, chỉ có 10 nhà xuất khẩu tham gia đầy đủ vào cuộc điều tra.

Nhà xuất khẩu tham gia

Các nhà xuất khẩu tham gia đầy đủ được tính toán biên độ phá giá riêng dựa trên các dữ liệu mà họ g và đã xác nhận cũng như xác minh trong quá trình xác minh dữ liệu do TC tiến hành. Tổng lượng xuất khẩu xi măng của các nhà xuất khẩu này sang Philippines đạt tổng cộng 5,5 triệu tấn hay 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Philippines đối với mặt hàng chủ đề từ Việt Nam trong thời kỳ điều tra.

Giá xuất khẩu

Mỗi nhà xuất khẩu sẽ cung cấp cho TC cơ sở dữ liệu về tất cả các giao dịch xuất khẩu của họ được thực hiện sang Philippines trong thời kỳ điều tra (Bảng 3). Các nhà xuất khẩu cũng cung cấp cho TC dữ liệu chi tiết và tài liệu hỗ trợ về việc điều chỉnh chi phí của họ để so sánh giữa giá xuất khẩu của họ và giá trị thông thường.

Bảng 3: Sản lượng xuất khẩu sang Philippines của các công ty từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020

Đơn vị: tấn

STT

Tên

Loại xi măng

Sản lượng xuất khẩu

% trong tổng lượng nhập khẩu vào Philippines

Nhà sản xuất-xuất khẩu

1

Công ty Cổ phần xi măng Cẩm Phả

1

90.300

1,30

2

Tập đoàn xi măng Chinfon

1

7.000

0,10

1P

20.500

0,29

3

Công ty cổ phần xi măng Hạ Long

1

185.900

2,67

1P

50.100

0,72

4

Công ty TNHH Xi măng Vicem Hải Phòng

1

308.396

4,43

5

Công ty TNHH Một thành viên xi măng Vicem Tam Điệp

1

153.730

2,21

1P

4.800

0,07

6

Công ty Cổ phần Vissai Ninh Bình

1

990.651

14,23

1P

703.981

10,11

Công ty thương mại-xuất khẩu

7

Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Nam Anh

1

276.983

3,98

1P

127.598

1,83

8

Công ty Cổ phần thương mại NCL

1

753.376

10,82

1P

138.398

1,99

9

Công ty TNHH Omanco

1

346.347

4,98

1P

389.166

5,59

10

Công ty dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu Việt Nam

1

889.177

12,77

1P

101.894

1,46

Tổng

5.538.296

79,57

Nguồn: Bộ Công Thương Philippines (DTI)

Sau khi xác định được độ tin cậy của giá do các nhà xuất khẩu cụ thể tính cho các nhà nhập khẩu, giá xuất khẩu được tính trực tiếp trên cơ sở tổng giá thực tế do các nhà xuất khẩu riêng lẻ báo cáo. Các mức giá này, tất cả được tính theo giá FOB, đã được giảm trừ các khoản phí sau xuất khẩu phát sinh sau khi xuất xưởng (gồm cước vận tải nội địa, phí xếp dỡ, đóng gói, chiết khấu và giảm giá, phí ngân hàng, phí giám định/giám định, chi phí tín dụng và các khoản phí địa phương khác liên quan trực tiếp đến nhau doanh số xuất khẩu) cộng với lợi nhuận của thương nhân ở mức giá xuất xưởng của nhà sản xuất.

Giá trị thông thường

Mỗi nhà sản xuất-xuất khẩu đã nộp cơ sở dữ liệu về doanh số bán xi măng Loại 1 và Loại 1P tại thị trường nội địa của họ “giống như sản phẩm của xi măng Loại 1 và Loại 1P được xuất khẩu sang thị trường Philippines trong POI (Bảng 4). Các nhà xuất khẩu cũng cung cấp cho Ủy ban chi tiết về các điều chỉnh chi phí khác ảnh hưởng đến khả năng so sánh giá giữa xuất khẩu và giá bán nội địa. Trên cơ sở đó, TC xác định xem liệu việc bán sản phẩm đối tượng trong nước cho các bên không liên quan có đủ cơ sở để tính giá trị thông thường hay không; và kiểm tra quy trình thương mại thông thường (OCOT) để xác định xem liệu việc bán hàng được thực hiện ở mức giá thấp hơn giá vốn hay không. Thử nghiệm OCOT được thực hiện bằng cách so sánh giá bán ròng trên mỗi đơn vị (tức là tổng giá bán trong nước trừ đi tất cả các chi phí bán hàng) với chi phí để sản xuất và bán trên mỗi đơn vị (tức là tổng chi phí sản xuất cộng với bán hàng, chi phí quản lý và chung chi phí và chi phí tài chính). Doanh số bán hàng dưới chi phí với số lượng đáng kể đã bị loại trừ trong khi tính toán giá trị thông thường. Doanh thu từ việc bán hàng trong nước của hàng hóa bị điều tra (không bao gồm doanh thu có được từ việc bán dưới giá thành) ở dưới ngưỡng 5% sẽ không trở thành cơ sở khi tính toán giá trị thông thường.

Bảng 4: Cơ sở để tính giá trị thông thường cho các nhà sản xuất-xuất khẩu có tham gia

Tên công ty

Loại xi măng

Sản phẩm tương tự bán tại thị trường nội địa

Lượng bán hàng nội địa

Lượng bán nội địa dưới chi phí

Lượng bán trên chi phí (tấn)

Tỷ lệ với lượng xuất khẩu (%)

Căn cứ xác định giá trị thông thường

Lượng

(tấn)

% thị phần với tổng lượng nội địa

Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả

1

PC40;

PC50

0

Xây dựng giá trị thông thường

Tập đoàn xi măng Chinfon

1

Không có dữ liệu

Thông tin sẵn có tốt nhất (BIA)

1P

PCB40

1.557.332

1.452.619

93

104.713

511

Giá bán nội địa

Công ty xi măng Hạ Long

1

Xi măng C150 Loại 1; PC40

49.054

45.888

94

3.166

2

Xây dựng giá trị thông thường

1P

Xi măng C595 Loại 1P; PCB40

255.053

97.501

38

157.552

314

Giá bán nội địa

Công ty cổ phần xi măng Vicem Hải Phòng

1

PC40

39.233

36.903

94

2.330

0,76

Xây dựng giá trị thông thường

Công ty TNHH một thành viên Vicem Tam Điệp

1

ASTM C150 loại 1; PC40

10.707

4.492

42

6.215

4

Xây dựng giá trị thông thường

1P

PCB40

84.593

46.945

56

37.647

784

Giá bán nội địa

Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình

1

Không có số liệu

Thông tin sẵn có tốt nhất

1P

PCB 40

3.141.176

295.591

9

2.845.585

446

Giá bán nội địa

Nguồn: Bộ Công Thương Philippines (DTI)

Bảng 4 cho thấy, TC đã thông qua giá bán trong nước của xi măng loại 1P tại Việt Nam do Xi măng Chinfon, Xi măng Hạ Long, Vicem Tam Điệp và Vissai Ninh Bình làm cơ sở khi tính giá trị bình thường. Các mức giá này đã được điều chỉnh bằng cách trừ đi bất kỳ chi phí nào liên quan trực tiếp đến việc bán sản phẩm chủ đề, chẳng hạn như vận chuyển nội địa, kho bãi, chiết khấu và giảm giá, tiền thưởng, bảo hiểm, phí đánh giá, chi phí bốc xếp, đóng gói và điều chỉnh chi phí cho sự khác biệt trong đóng gói, để làm cho giá trị thông thường có thể so sánh với giá xuất khẩu ở cấp độ xuất xưởng.

Đối với xuất khẩu xi măng không có doanh số bán trong nước và với khối lượng tiêu thụ nội địa thấp so với doanh số xuất khẩu sang Philippines, giá trị thông thường được xác định trên cơ sở giá trị bình thường được xây dựng theo Mục 11 (c) của IRRs của RA 8752.

Trong việc tính toán giá trị bình thường được xây dựng, quy tắc cơ bản quy định tại Điều 2.2.1.1 và 2.2.2 của Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã được áp dụng.

Tuy nhiên, có một vấn đề khi TC sử dụng phương pháp thông tin hiện hữu tốt nhất để xác định giá trị thông thường của các mặt hàng xi măng mà theo TC là không có dữ liệu. Cụ thể, TC xây dựng giá trị thông thường của xi măng Type 1 của Công ty xi măng Hạ Long và dùng nó làm cơ sở để so sánh với giá xuất khẩu của cùng một loại sản phẩm của xi măng Chinfon và xi măng Vissai Ninh Bình.

Đối với trường hợp của Vissai Ninh Bình, Công ty này vốn sản xuất các mặt hàng xi măng Type 1, Type 1P, PCB30, PCB40 và xi măng xỉ. Trong đó, Công ty chủ yếu xuất khẩu xi măng Type 1 và Type 1P sang Philippines; xi măng xỉ sang Hoa Kỳ và bán PCB30, PCB40 tại thị trường nội địa.

Trong Bản trả lời câu hỏi ban đầu của Bộ Công Thương Philippines (DTI), Công ty đã cung cấp đầy đủ thông tin và DTI đã tính toán ra biên độ bán phá giá cho xi măng Type 1, tuy nhiên không tính biên độ bán phá giá cho xi măng Type 1P. Công ty đã bày tỏ quan ngại về việc DTI xác định sai giá xuất khẩu, phản đối với DTI không xác định biên độ bán phá giá cho xi măng Type 1P.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ DTI, TC đã tính toán lại biên độ bán phá giá cho cả xi măng Type 1 và Type 1P của Công ty (Type 1P có biên độ bán phá giá âm), trong đó sử dụng giá trị thông thường xây dựng cho xi măng Type 1 của Công ty Xi măng Hạ Long thay cho Công ty Vissai Ninh Bình dẫn tới việc biên độ bán phá giá cho xi măng Type 1 tăng cao so với kết luận của DTI. Sau khi TC ban hành kết luận cuối cùng, Công ty đã có bản bình luận đối với báo cáo, theo đó đề xuất sử dụng chi phí của PCB40 (trong đó có điều chỉnh một số chi phí phụ gia để tiệm cận với chi phí của xi măng Type 1) để xác định giá trị thông thường của xi măng Type 1.

Tiếp đó, ngày 24/5/2022, Công ty có Thư đề nghị TC làm rõ kết luận “không có dữ liệu” (no data) đối với giá trị thông thường cho xi măng Type 1 và lý do áp dụng “thông tin sẵn có” (BIA – best information avaiable) khi sử dụng giá trị thay thế. Ngày 03 tháng 6 năm 2022, TC đã gửi Thư trả lời, trong đó giải thích PC xi măng PC30, PC40 và PC50 tương tự với xi măng Type 1 của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines (theo tiêu chuẩn Việt Nam 2682:2009). Do đó, TC không chấp nhận đề xuất của Công ty Vissai Ninh Bình.

Nhà xuất khẩu khác

Các nhà xuất khẩu khác là những nhà xuất khẩu đã hoàn thành Bản câu hỏi DTI-BIS nhưng không gửi thêm thông tin (gồm công ty xi măng Long Sơn, xi măng Thăng Long, và công ty thương mại Việt HP) cũng như xác nhận hành vi của DVV28 theo yêu cầu của Ủy ban. Do đó, biên độ phá giá được xác định trên cơ sở thông tin sẵn có tốt nhất cho TC tại thời điểm điều tra theo Mục 10 (h) của IRRs RA 8752.

Giá xuất khẩu

Giá xuất khẩu được tính dựa trên tổng giá thực tế do các nhà xuất khẩu riêng lẻ báo cáo. Các mức giá này, tất cả tính theo giá FOB, đã được giảm trừ các khoản phí sau xuất khẩu phát sinh sau khi xuất xưởng để đến với giá xuất xưởng của nhà sản xuất.

Giá trị thông thường

TC sử dụng thông tin sẵn để xây dựng giá trị thông thường. Ví dụ, trong trường hợp của xi măng The Vissai Ninh Bình, do Công ty này không bán xi măng loại 1 ở thị trường nội địa, nên TC đã lựa chọn số liệu xi măng loại 1 của Công ty Xi măng Hạ Long để xây dựng giá trị thông thường cho Vissai Ninh Bình. Điều này tuân thủ Điều 2.2 của Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Biên độ phá giá

Biên độ phá giá sẽ được xác định theo công thức “Biên độ phá giá = (Giá thông thường – Giá xuất khẩu)/Giá xuất khẩu”.

KHẢ NĂNG THAY ĐỔI MỨC THUẾ CHO CÁC DN XI MĂNG VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ RÀ SOÁT

Việc thay đổi mức thuế cho các DN Việt Nam trong thời kỳ rà soát sẽ ở mức khó do việc thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhận định này đưa ra dựa vào một số lý do sau:

Đầu tiên, Philippines dường như không muốn nới lỏng các biện pháp PVTM đối với xi măng Việt Nam. Trước đây, nước này đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng xi măng Việt Nam, kể từ ngày 22/10/2019, với mức thuế giảm dần trong lộ trình 3 năm như sau: 250 peso/MT trong năm đầu tiên; 225 peso/MT cho năm tiếp theo; và 200 peso/MT cho năm cuối cùng.

Tuy nhiên, khi biện pháp tự vệ đến năm thứ 2, thay vì giảm mức thuế xuống 225 peso/MT như đúng lộ trình, Philippines lại chỉ giảm mức thuế xuống 245 peso/MT. Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines thời điểm đó cho biết Hiệp hội Các nhà sản xuất xi măng Philippines (CeMAP) yêu cầu DTI hoãn việc giảm thuế tự vệ theo lộ trình, tiếp tục duy trì mức thuế 250 peso/MT (10 peso/túi 40kg) thay vì giảm xuống còn 225 peso/MT (9 peso/túi 40 kg).

Hiệp hội Các nhà sản xuất xi măng Philippines lập luận rằng, nhập khẩu xi măng gia tăng trở lại, cụ thể trong nửa đầu năm 2020, theo dữ liệu Cục Hải quan Philippines, lượng nhập khẩu xi măng vào Philippines tăng 14% trong khi đó ngành sản xuất xi măng nội địa tăng trưởng âm (do tác động của Covid-19) và việc điều chỉnh giảm thuế sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho ngành sản xuất nội địa.

Cuối cùng, vào ngày 26/10/2020, DTI đưa ra quyết định áp thuế tự vệ chính thức đối với xi măng nhập từ Việt Nam trong năm thứ hai là 245 peso/MT hay 9,8 peso/ túi 40 kg. Mức thuế chính thức cho năm hai dù thấp hơn so với đề nghị của Hiệp hội Các nhà sản xuất xi măng Philippines, nhưng ở mức không đáng kể. Việc gần như duy trì mức thuế cao đã gây khó dễ cho các DN Việt Nam.

Tuy nhiên, phía Việt Nam trong năm 2020 đã có những thay đổi nhằm thích ứng với mức thuế tự vệ và gần như hồi phục về mặt giá trị xuất khẩu so với thời điểm trước khi áp dụng thuế tự vệ 10 peso/bao 40kg. Nhưng dù vậy, quyết định áp dụng mức thuế 9,8 peso/bao 40kg đã gây ra bức xúc cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam và các nhà nhập khẩu xi măng của Philippines.

Thứ hai, dù đang áp thuế tự vệ, nhưng Philippines tiếp tục khởi xướng và áp thuế CBPG đối với cùng một mặt hàng xi măng Việt Nam đang bị áp thuế tự vệ. Trên thực tế, không có nhiều nước áp dụng cả thuế tự vệ và thuế CBPG đối với cùng một sản phẩm từ cùng một quốc gia cùng một lúc.

Tuy nhiên, số ít quốc gia này khi áp dụng 2 loại thuế sẽ có sự điều chỉnh để tránh việc đánh thuế chồng thuế. Trong số các quốc gia là thành viên của WTO có thể kể đến Mỹ, khối EU, khối liên hiệp Vương quốc Anh và Việt Nam đã đưa ra cách giải quyết để tránh việc một sản phẩm lại bị đánh chồng thuế. Quy định này nhằm giúp EU tránh tình trạng việc tiếp cận thị trường EU trở nên khó khăn một cách không mong muốn do tác động tổng hợp của các biện pháp CBPG hoặc chống trợ cấp với các biện pháp tự vệ thuế quan đối với cùng một mặt hàng nhập khẩu lớn hơn mong muốn của chính sách PVTM của EU.

Một ví dụ khác là khối liên hiệp Vương quốc Anh khi việc tránh các tác động gộp của các biện pháp CBPG và tự vệ cũng được ghi trong Quy định về Sửa đổi Biện pháp Thương mại (Bán phá giá và Trợ cấp) (EU Exit) năm 2019 của Vương quốc Anh tại Quy định 94D, theo đó, “Bộ trưởng Ngoại giao phải thông báo công khai đình chỉ áp dụng (a) toàn bộ biện pháp PVTM nếu biện pháp PVTM bằng hoặc nhỏ hơn biện pháp tự vệ; (b) phần biện pháp PVTM bằng với biện pháp tự vệ nếu biện pháp PVTM lớn hơn biện pháp tự vệ”. Tương tự, đến cả Việt Nam cũng chỉ áp dụng một trong hai biện pháp, và chọn biện pháp nào có thuế cao hơn, lên các sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn phủ nhập khẩu từ Trung Quốc.

KẾT LUẬN

Trong 10 năm trở lại đây, tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Philippines đã đạt được những bước tiến lớn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2013-2017, kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Philippines đã có mức tăng 70% trong năm 2014; 4.390% trong năm 2015; 549% năm 2016 và 72% năm 2017. Tổng sản lượng xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, điều này dẫn tới hệ quả là mặt hàng xi măng của Việt Nam đang gây sự chú ý đối với cơ quan điều tra Philippines khiến nước này đang hạn chế lượng nhập khẩu xi măng từ Việt Nam bằng các biện pháp PVTM. Hiện tại, các mặt hàng xi măng từ Việt Nam đang bị đánh thuế chồng thuế khi phải chịu đồng thời cả mức thuế tự vệ và thuế CBPG. Phía Philippines chưa đưa ra bất cứ động thái gì về việc sẽ dỡ bỏ một trong hai loại thuế này trong bối cảnh ngành sản xuất nội địa đang cáo buộc các sản phẩm xi măng nhập khẩu đang khiến họ bị chịu thiệt hại nặng nề.

Chính vì vậy, để hạn chế rủi ro bị các nước điều tra áp dụng các biện pháp PVTM đối với mặt hàng xi măng của Việt Nam trong tương lai, các DN xi măng của Việt Nam nói chung cần tránh tăng trưởng nóng trong một vài thị trường nhất định (hiện tại, 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm Trung Quốc, Pakistan, và Philippines). Thay vào đó, các DN nên cùng Hiệp hội xi măng nghiên cứu thâm nhập vào các thị trường mới để có thể duy trì mức tăng trưởng bền vững cho toàn ngành./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) (2021-2023), Tổng hợp các báo cáo vụ việc Philippines điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) lên một số mặt hàng xi măng của Việt Nam.

2. Department of Trade and Industry (DTI) (2021). Report on the preliminary investigation on the application for an anti-dumping duty on cement from Vietnam.

3. ITC (2017-2021), Bilateral trade between Philippines and Viet Nam, retrieved from https://www.trademap.org/Bilateral_TS.aspx?nvpm=1%7c608%7c%7c704%7c%7c2523%7c%7c%7c4%7c1%7c1%7c1%7c2%7c1%7c1%7c1%7c1%7c1.

ThS. Nguyễn Hoàng Kiên

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương