Việt Nam khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu

Công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.

Theo đó, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tiếp tục triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại. Cụ thể gồm: tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 2 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 2 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 9 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Hiện tại, trong số 29 vụ việc điều tra, thì có 17 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thuơng mại công bằng, nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

141 vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Tính đến hết tháng 8/2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá là 141 vụ việc; các vụ việc tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.

8 tháng năm 2024, đã có 257 vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam
8 tháng năm 2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam

Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.

Nhìn chung, công tác cảnh báo sớm, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đa dạng hóa thị trường, chủ động năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật từ các đối tác xuất khẩu

Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp tổng thể và lâu dài.

Trước mắt, tập trung vào ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, đặc biệt tránh bị rơi vào hệ lụy của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững. Đồng thời, giảm thiểu tình trạng các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể cho Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục quá trình đổi mới toàn diện, đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế và bảo đảm thực thi có hiệu quả cam kết của các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.

Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường, chủ động nhận diện, thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đủ năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật từ các đối tác xuất khẩu; cũng như nhận thức đúng đắn và coi trọng xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ thị trường và lợi ích quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp nội địa.

Cùng với tăng cường năng lực đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại, cần linh hoạt sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống bán trợ giá, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phổ biến rộng rãi cho doanh nghiệp biết và vận dụng…/.