Startup Việt Nam: Hãy tự tin kết nối, sáng tạo và vươn tầm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Việt Nam có cơ hội đón hàng tỷ USD vốn mới
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin truyền thông, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng nhiều đại diện bộ, ngành, trường, viện, các chuyên gia, doanh nghiệp và 50 diễn giả trong nước, quốc tế đã cùng tham dự Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp Sáng tạo (Vietnam Venture Summit) 2020 tại Hà Nội. Đây là năm thứ hai, sự kiện được tổ chức do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Golden Gate Ventures thực hiện, nhằm tạo diễn đàn đối thoại về cơ hội và con đường cho đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.
Hầu hết các cuộc trao đổi tại Diễn đàn được thực hiện bằng ngôn ngữ quốc tế, tạo nên không gian giao lưu cởi mở và trực tiếp không chỉ giữa những người tham dự sự kiện, mà còn với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tài chính, chuyên gia quốc tế thông qua hình thức kết nối trực tuyến. Các cuộc đối thoại về doanh nghiệp kỳ lân; tiềm năng phát triển của công nghệ giáo dục; công nghệ tài chính và thanh toán tại ASEAN và công nghệ giao vận tại ASEAN đã diễn ra trong khuôn khổ sự kiện. Các doanh nhân, nhà quản lý quỹ chia sẻ những góc nhìn đa chiều về cơ hội và thách thức khởi nghiệp trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh việc xây dựng nền tảng công nghệ, xây dựng dữ liệu lớn và dành những ưu đãi riêng cho khối doanh nghiệp này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, sáng 25/11/2020
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu như năm 2019, năm đầu tiên Bộ tổ chức Vietnam Venture Summit, thu hút khoảng 200 quỹ đầu tư quốc tế và trong nước tham dự với số vốn cam kết đầu tư khoảng 800 triệu USD thì sự kiện năm nay, năm 2020, số vốn cam kết đầu tư có giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng lại chứng kiến nhiều mô hình kinh doanh mới, nhất là các mô hình gắn với kinh doanh trực tuyến, có sự phát triển vượt trội. Sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã tạo nên bức tranh đa dạng về khả năng sáng tạo của doanh nhân, thể hiện sự linh hoạt thích ứng trước những thách thức bất ngờ của môi trường kinh doanh. “Đây là yếu tố then chốt để đứng vững”, Bộ trưởng đánh giá.
Chọn chủ đề “Dịch chuyển số” cho Diễn đàn năm nay, Bộ trưởng chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển 5 năm tới, trong đó xác định trụ cột cho tăng trưởng là đổi mới - sáng tạo và con người - giá trị văn hóa. Chiến lược xác định, nền kinh tế sẽ chuyển động theo cơ chế thị trường, trong đó sẽ cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là kinh tế số để mở rộng hệ sinh thái kết nối sức mạnh, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, phục vụ cho đổi mới, sáng tạo và triển khai trong thực tiễn. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và được Chính phủ ban hành tại Nghị định 94/2020/NĐ-CP. “Đây là trung tâm duy nhất có cơ chế riêng, thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam. Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ đồng hành cùng các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, giúp các chủ thể nhận được sự hỗ trợ và ưu đãi từ cơ chế, chính sách của Chính phủ với hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam có cơ hội đón hàng tỷ USD vốn mới, cùng kết nối, cùng phát triển’, Bộ trưởng nói.
Trong quan điểm của Bộ trưởng, công cuộc đổi mới, sáng tạo cần sự hợp sức của rất nhiều chủ thể. Hiện nay, Việt Nam đã kết nối được khoảng 1.000 chuyên gia, nhà khoa học trên toàn thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập 5 văn phòng tại Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức, nhằm tăng cường kết nối các nhà khoa học, tri thức, kiều bào cùng đóng góp cho đổi mới sáng tạo cũng như đầu tư vào Việt Nam. Trong tương lai, Bộ sẽ mở thêm 5 văn phòng nữa để quy tụ sự hợp tác, kết nối sức mạnh tri thức, sức mạnh công nghệ phục vụ cho phát triển đất nước. Bên cạnh việc tìm nguồn lực từ bên ngoài, việc cần làm ngay, theo Bộ trưởng là thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số từ chính mình. “Chúng tôi có khát vọng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động tiếp cận được với chuyển đổi số, sử dụng chuyển đổi số để giảm chi phí, mở rộng thị trường, tăng sức mạnh cạnh tranh và vươn lên, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp và nền kinh tế”, Bộ trưởng chia sẻ.
Startup Việt Nam: Hãy tự tin kết nối, sáng tạo và vươn tầm
Hàng loạt doanh nhân Việt Nam đã chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp, những khó khăn, thách thức từ thực tiễn và đặc biệt là khát vọng phát triển. Doanh nhân trẻ Đỗ Trung Thông chia sẻ, sau nhiều năm sống và làm tiến sỹ tại Mỹ trong ngành công nghệ nhân tạo, ông muốn phát triển một dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. Dự án của ông dựa trên quan sát thị trường cho thấy, tại Việt Nam, thương mại truyền thống vẫn đang chiếm chủ đạo, khoảng 90% nhu cầu của người dân, nhưng các cửa hàng vật lý lại không có dữ liệu khách hàng. Đây là điểm yếu rất lớn trong việc hiểu khẩu vị khách hàng và đáp ứng tốt hơn những gì khách hàng mong đợi nếu so với hình thức thương mại điện tử. Từ phát hiện này, ông Thông sáng lập nên Công ty Palexy, với tầm nhìn là số hóa các giao dịch vật lý bằng việc sử dụng công nghệ nhân tạo, từ đó, giúp những người chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp biết cách vận hành tối ưu hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều khách hàng của Palexy như Vua Nệm, PNJ, Pharmacity, Vinmart… đã hưởng lợi từ dịch vụ này.
Những ý tưởng sáng tạo đến từ việc nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, mở ra cơ hội mới cho các doanh nhân trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám khẳng định mình trên thương trường. Ví điện tử Momo, VNpay… là những điển hình thành công trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, mô hình phát triển của Teky, Got it và nhiều start up khác cũng được chia sẻ tại Diễn đàn. Chứng kiến sức trẻ sáng tạo và khát vọng vươn lên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là những điểm sáng trong nền kinh tế. Ông kể, trước đây, cứ nói đến xe taxi thì người ta nghĩ ngay đến Grap, Uber, nhưng chính ông cũng nhiều lúc sử dụng taxi và ông được biết rằng, hiện nay, một doanh nghiệp Việt đã vươn lên vị trí thứ 2 về thị phần và tiềm năng còn rộng mở. Việt Nam, với thị trường 100 triệu dân, đang xuất hiện những công ty có tính sáng tạo cao, có tiềm năng phát triển ngang tầm với công ty quốc tế trên nhiều lĩnh vực. “Đây là điều đáng mừng, nhưng không nên hài lòng, bởi còn rất nhiều lĩnh vực, cần sức sáng tạo, cần sự nỗ lực để cải thiện sự phát triển, như thương mại điện tử, giáo dục, y tế, kể cả nhân đạo, tại Việt Nam”, Phó thủ tướng nói.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều góc nhìn cho rằng, đại dịch xảy ra khiến hoạt động này tại Việt Nam tăng mạnh, nhưng con số thực tế không phải như vậy. Phó thủ tướng cho biết, nếu như các năm trước, thương mại điện tử tăng trưởng khoảng 10-20%/năm, thì 6 tháng đầu năm 2020, chỉ tăng 25%. Cả năm 2020, dự kiến tăng khoảng 30%. Một cách đo lường khác, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam năm 2018 chiếm khoảng 11,78% thì năm 2019 chỉ giảm rất nhỏ, chiếm 11,27%, đến năm 2020, dự kiến là 11,2%. Có nhiều cách lý giải cho hiện trạng này, nhưng theo Phó thủ tướng, lý do lớn nhất là ở việc chúng ta chưa có một quyết tâm đủ lớn để thay đổi, chưa sẵn sàng thay đổi. Ở đây, bài học từ việc đối mặt với đại dịch Covid-19 của Việt Nam có thể là động lực cho các ý tưởng mới, các startup Việt nghĩ mới và làm khác với những gì đã quen thuộc hiện nay.
Trước khi đại dịch xảy ra, Việt Nam thường ở vị thế học hỏi kinh nghiệm, các bài học từ các nước tiên tiến, phát triển để cải tiến, thay đổi. Tuy nhiên, cú sốc đại dịch khiến rất nhiều nền kinh tế suy thoái, khốn khó khi hàng ngày, toàn thế giới vẫn đang có nửa triệu người nhiễm bệnh, nhưng tại Việt Nam, chúng ta đã khống chế thành công sự lây lan của đại dịch này. Tại sao Việt Nam thành công trong chống lại đại dịch? Theo Phó thủ tướng, là vì chúng ta sẵn sàng đối mặt với quyết tâm cao nhất, kết nối cao nhất trong toàn nền kinh tế. Từ bài học này, Phó thủ tướng cho rằng, trong công cuộc đổi mới, sáng tạo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thúc đẩy, nếu tạo ra được những hệ sinh thái kết nối sự nỗ lực, hỗ trợ các ý tưởng mới được chia sẻ và thực thi thì chắc chắn sẽ thành công.
Phó Thủ tướng thúc đẩy các doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp hãy tự tin sáng tạo vì Việt Nam còn rất nhiều mảng, ngành, lĩnh vực cần sự đổi mới. Về phía Chính phủ, trong nỗ lực tạo ra nguồn dữ liệu lớn, kết nối sức mạnh cộng đồng, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan liên quan xây nên nền tảng số, chẳng hạn, kết nối 14.000 cơ sở y tế; 50.000 trường học, 1 triệu giáo viên, 20 triệu học sinh, sinh viên hay tạo ra kết nối địa chỉ của tất cả các gia đình Việt Nam… Trong mong muốn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tương lai không xa, mỗi người dân Việt Nam sẽ có 1 smartphone (bằng cách đưa giá sản phẩm về rẻ nhất) và đây chính là môi trường thuận lợi để các startup tự tin triển khai ý tưởng sáng tạo trên nền tảng kết nối dữ liệu số. Ông đặt niềm tin rằng, triển khai chương trình dịch chuyển số sẽ tạo ra xung lực mới cho các chủ thể, kết nối không giới hạn nguồn lực trong nước và quốc tế cho khát vọng phát triển./.
Quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia + Nhà nước khuyến khích và có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa tại Trung tâm nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và từ các nước có trình độ công nghệ phát triển để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. + Trung tâm được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. + Ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa và các doanh nghiệp khác có liên quan đặt văn phòng, bộ phận nghiên cứu và phát triển trong Trung tâm để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong Trung tâm. (Nguồn Nghị định 94/2020/NĐ-CP) |
Bình luận