Sửa Luật Hợp tác xã được hy vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chiều nay (ngày 25/5), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Phát biểu tiếp thu, làm rõ ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng và ban hành luật lần này hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập để mô hình kinh tế này phát triển đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này |
“Về vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội theo phương án 1, để bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã…”, Bộ trưởng phân tích.
Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên. Họ cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã.
Về tham gia hợp tác xã của người nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo luật đã có quy định chặt chẽ để thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tranh thủ nguồn lực nhưng vẫn ngăn chặn hiệu quả việc chi phối, thâu tóm. Đây là cơ chế mở, cần đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề phát triển kinh tế hợp tác.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự án Luật về các quy định về tổ hợp tác, tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh Hợp tác xã |
Các đại biểu cũng đã tham gia nhiều ý kiến có chất lượng, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự án Luật như về các quy định nhằm thể chế hóa các chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW; quy định về thành viên hợp tác xã, tổ chức quản trị hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; vấn đề tài chính, tài sản và quỹ không chia; điều lệ và các nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; việc huy động vốn từ các thành viên, cho vay nội bộ, góp vốn mua cổ phần; chuyển nhượng vốn góp của thành viên; điều kiện về số vốn, số lượng thành viên chính thức của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trong hợp tác xã.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua…”, ông Hải kết luận./.
Bình luận