Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, sáng nay (ngày 10/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp, liên quan đến tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, sức chịu đựng của các doanh nghiệp đang bị bào mòn sau thời gian chống chịu đại dịch Covid-19, nên rất cần có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để tiếp cận được nguồn vốn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

Sức chịu đựng của các doanh nghiệp đang bị bào mòn…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, rất cần có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tiếp tục phục hồi và phát triển

"Cũng cần kịp thời triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các thủ tục hành chính; điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường… để xử lý đúng sai phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện được duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng phát triển…", ông Thanh đề nghị.

Liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nhiều địa phương còn tăng trưởng thấp, nhất là những địa phương có đóng góp lớn từ nhiều năm trước nay mất đà tăng trưởng…

Những vấn đề "nóng" trên đã được Chính phủ nhận diện và đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, liên quan đến "tiếp sức" cho doanh nghiệp tiếp cập vốn, tại Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cân bằng, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả với lạm phát, kịp thời thúc đẩy mở rộng tín dụng phù hợp với xu hướng lạm phát giảm và yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

" Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…", Chính phủ yêu cầu.

Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kịp thời tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian không cần thiết; bãi bỏ theo thẩm quyền các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trái quy định...

Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ triển khai, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong các lĩnh vực; nghiên cứu, triển khai các biện pháp tăng cường đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin trong các trường đại học, cao đẳng. Khẩn trương nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia đáp ứng các yêu cầu…/.