Tóm tắt

Cùng với xu thế đô thị hóa chung của cả nước, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đang có những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, huyện Yên Sơn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, như: quy hoạch thiếu đồng bộ, chất lượng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển, đô thị hóa diễn ra không đồng đều và thiếu kiểm soát gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến hiện trạng sử dụng đất đặc biệt là đất nông nghiệp. Bài viết đánh giá tác động của đô thị hóa đến phát triển kinh tế nông nghiệp tại huyện Yên Sơn, từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách trong thời gian tới.

Từ khóa: đô thị hóa, nông nghiệp, tác động, phát triển nông nghiệp, huyện Yên Sơn, nông nghiệp huyện Yên Sơn…

Summary

Along with the general urbanization trend of the whole country, Yen Son district, Tuyen Quang province has been experiencing drastic socio-economic changes and other changes. However, besides the positive results achieved, Yen Son district is facing many problems, such as unsynchronized planning, infrastructure quality not keeping pace with economic development, and uneven and uncontrolled urbanization, which have been causing negative impacts on the status of land use, especially agricultural land. The article assesses the impact of urbanization on agricultural economic development in Yen Son district, thereby giving some policy implications in the coming time.

Keywords: urbanization, agriculture, impact, agricultural development, Yen Son district, agriculture in Yen Son district...

CÁC TÁC ĐỘNG CỦA ĐÔ THỊ HÓA TẠI HUYỆN YÊN SƠN, TỈNH TUYÊN QUANG

Đô thị hóa thúc đẩy phát triển kinh tế ngành trồng trọt huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang

Do tác động của quá trình đô thị hóa mà cơ cấu kinh tế huyện Yên Sơn đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản 42,2% năm 2015 xuống 32,8% năm 2022; tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp (từ 34,1% năm 2015 lên 38,3% năm 2022) và dịch vụ (tăng từ 23,7% năm 2015; lên 28,9% năm 2022) [1]. Trong đó, cơ cấu ngành nông nghiệp cũng phát triển theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi. Mặc dù sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, song sự chuyển dịch này đã đi đúng hướng theo sự chuyển dịch chung của Tỉnh và cả nước. Ngành trồng trọt chiếm 53% năm 2015 xuống 43,3% năm 2022 [1], tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, với lợi thế về diện tích, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển ngành trồng trọt quanh năm, nên ngành trồng trọt tại huyện Yên Sơn luôn có giá trị lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp Huyện.

Ngành trồng trọt của huyện Yên Sơn có cơ cấu khá toàn diện bao gồm: sản xuất lương thực (lúa, ngô…), sản xuất cây công nghiệp (chè, mía…), trồng cây ăn quả (bưởi, hồng…) và sản xuất rau. Trong đó, giá trị sản xuất của ngành trồng trọt mặc dù tỷ trọng giảm trong cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng giá trị sản xuất luôn tăng và là động lực thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp và góp phần không nhỏ trong đóng góp vào xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt có xu hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực và tăng tỷ trọng giá trị sản xuất cây rau đậu và cây công nghiệp. Điều này cũng phù hợp với tình hình phát triển đô thị hóa với dân số đô thị tăng nhanh và các ngành công nghiệp chế biến nông sản đang phát triển mạnh tại huyện Yên Sơn.

Nhằm từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm, Huyện đã triển khai dự án hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với trên 20 ha tại các xã Trung Môn, Thái Bình, Phú Thịnh, Đội Bình, Tứ Quận. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thành lập hợp tác xã và các tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiến tới xây dựng nhãn mác, bao bì cho sản phẩm.

Song song với phát triển quy hoạch đô thị, huyện Yên Sơn cũng đã trú trọng đến quy hoạch các vùng nông nghiệp hàng hóa cho phù hợp với điều kiện phát triển của từng vùng. Huyện đã hình thành 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm: vùng thượng huyện, vùng ATK, vùng hạ huyện, vùng trung tâm Huyện.

Việc quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh trong nông nghiệp đã từng bước xóa bỏ tập quán canh tác manh mún, không tập trung để hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn. Với vùng nguyên liệu mía trên 1.700 ha, vùng nguyên liệu chè gần 3.000 ha tập trung ở các xã Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Lang Quán, Tứ Quận, Kim Quan, vùng cây ăn quả rộng lớn với trên 2 nghìn ha tại các xã Phúc Ninh, Xuân Vân, Lực Hành, Tứ Quận, Thắng Quân. Bên cạnh đó, Huyện đã dần hình thành các vùng chăn nuôi, thủy sản tập trung theo hướng trang trại. Đàn trâu toàn Huyện hiện có trên 19 nghìn con, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016 và phát triển lên tới 121 lồng cá [1].

Đô thị hóa làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Năm 2022, tổng diện tích đất tại huyện Yên Sơn là là 106.774 ha; trong đó, đất nông nghiệp là 18.036 ha, đất lâm nghiệp là 80.056 ha, đất chuyên dùng là 3.949 ha, đất ở là 1.235 ha [3]. Như vậy, phần lớn diện tích đất của huyện là đất rừng, đất nông nghiệp chiếm diện tích lớn thứ hai. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp đang có xu hướng giảm và đất chuyên dùng, đất ở có xu hướng tăng và ngày càng nhanh. Sau 10 năm đất chuyên dùng tăng 439 ha, đất ở tăng 211 ha. Điều này cũng thể hiện tốc độ đô thị hóa của huyện Yên Sơn, đô thị được xây dựng ngày càng khang trang hơn, dân số đô thị cũng tăng dần.

Loại đất chuyên dùng trên địa bàn huyện Yên Sơn có sự thay đổi đáng kể nhất, nguyên nhân là do việc xây dựng khu hành chính công và quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp và các nhà máy sản xuất có quy mô lớn. Trên địa bàn huyện Yên Sơn hiện nay, có 1 cụm công nghiệp Thắng Quân được thành lập từ 2018 với diện tích 60 ha, cụm công nghiệp Thắng Quân thu hút các ngành nghề: công nghiệp chế biến gỗ, công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm và dược phẩm, công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng, các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện, điện tử và máy móc…

Dự kiến, từ nay đến 2025 sẽ xây dựng thêm 4 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Nhữ Khê - Đội Bình (diện tích 75ha), cụm công nghiệp Yên Sơn (75 ha), cụm công nghiệp xã Xuân Vân (50 ha), cụm công nghiệp xã Phú Thịnh (75 ha), như vậy diện tích đất chuyên dùng sẽ ngày càng tăng nhanh [5].

Đô thị hóa làm thay đổi phương thức canh tác

Ngày nay, nhờ có sự phân bố lại dân cư cùng sự phát triển về khoa học - kỹ thuật, quan điểm canh tác theo các phương pháp khoa học được áp dụng đã nâng cao năng suất, đáp ứng được nhu cầu về nguồn lương thực, thực phẩm sạch của thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có những nghiên cứu về chất đất để tiến hành quy hoạch các vùng cây trồng, nhằm phát huy hết tiềm năng của từng vùng, nhờ đó mà tiết kiệm được chi phí sản xuất. Huyện đã triển khai nhiều dự án, mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong ngành trồng trọt để tăng năng suất và sức cạnh tranh, như: triển khai mô hình ứng dụng công nghệ Nano vào sản xuất chè, cây ăn quả, lúa và mô hình sử dụng phân bón Grow - More trên cây mía ở nhiều xã. Hơn nữa, việc sản xuất với quy mô lớn kết hợp với nhiều hình thức liên kết sản xuất (công ty TNHH, hợp tác xã, nông trường…) và tiêu thụ sản phẩm đã tạo ra những vùng sản xuất rộng lớn mang tính chuyên môn hóa cao, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Đứng trước nhu cầu về nguồn lương thực, thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng, mà phương thức sản xuất thông thường với năng suất cao không còn đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đòi hỏi người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất. Các khái niệm về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… hay các tiêu chuẩn đánh giá theo VietGap, RaiForest, tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam (TCVN), GlobalGAP… đã xuất hiện. Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế ngành trồng trọt huyên Yên Sơn đã quy hoạch và xây dựng thí điểm các dự án trồng trọt theo tiêu chuẩn sạch, như: VietGap hay trồng trọt hữu cơ. Tiêu biểu ở huyện Yên Sơn có 17 ha chè Ngọc Thúy được cấp chứng nhận VietGap, tổ chức Rainforest đã cấp giấy chứng nhận cho 825 ha chè nguyên liệu của Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm, ngoài ra còn các sản phẩm, như: bưởi ngọt, gạo thơm… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ sản xuất sạch lại có thương hiệu hàng hóa và truy xuất được nguồn gốc, nên sản phẩm luôn được tiêu thụ nhanh và mang lại giá trị kinh tế cao hơn các sản phẩm sản xuất thông thường.

Bên cạnh đó, người nông dân sản xuất với quy mô ngày càng lớn hơn, nhờ có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nên người nông dân cũng được tiếp cận nhiều hơn với các công cụ, phương pháp sản xuất hiện đại: phương pháp tưới nhỏ giọt, hay tưới phun sương, tưới tự động… tiết kiệm được thời gian và chi phí về nước tưới tiêu; máy thu hoạch chè; máy sao chè tự động… nhờ vậy mà tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công. Do vậy, lợi nhuận của ngành trồng trọt của tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện Yên Sơn ngày càng cao, đời sống của người dân được cải thiện, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Trong giai đoạn 2015-2022 huyện Yên Sơn đã có nhiều sự thay đổi, năm 2019 sát nhập thị trấn Tân Bình vào TP. Tuyên Quang, đến năm 2021 thành lập thị trấn Yên Sơn. Từ đó đến nay, huyện Yên Sơn đã có bước chuyển mình lớn, là hành lang phát triển kinh tế của TP. Tuyên Quang, nên tốc độ đô thị hóa những năm gần đây của huyện Yên Sơn tăng khá nhanh. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ dân số thành thị, tỷ lệ diện tích đất đô thị. Cùng với sự phát triển của đô thị hóa kinh tế ngành trồng trọt của huyện Yên Sơn cũng đã có những chuyển biến nhất định. Cơ cấu ngành trồng trọt của huyện Hàm Yên đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực phù hợp với xu hướng phát triển đó là tăng tỷ trọng giá trị sản xuất của các loại cây công nghiệp, cây rau đậu, giảm tỷ trọng giá trị sản xuất của cây lương thực. Phương thức canh tác chuyển dần sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương, giá trị sản xuất ngành trồng trọt đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa mạnh như hiện nay, huyện Yên Sơn cần lưu ý một số vấn đề sau:

(i) Có những biện pháp nâng cao diện tích, chất lượng đất nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

(ii) Chú trọng đề ra các biện pháp để việc thực hiện quy hoạch vùng trồng các loại cây một cách khoa học và hợp lý, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tránh trường hợp được mùa mất giá, từ đó mới nâng cao được giá trị hàng hóa và năng suất lao động cho người nông dân.

(iii) Có biện pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho sự phát triển của ngành.

(iv) Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy việc nghiên cứu các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao hơn, đưa các giống mới vào trồng với diện tích lớn nhằm nâng cao năng suất cây trồng./.

ĐÀO THỊ HỒNG, ĐINH THỊ LAN, TRẦN THỊ NHUNG

Trường Đại học Tân Trào

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 08 - T3/2023)

Nghiên cứu này được hỗ trợ bởi Trường Đại học Tân Trào


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chi cục Thống kê huyện Yên Sơn (2012-2022), Báo cáo Cục thống kê tỉnh Tuyên Quang các năm, từ năm 2012 đến năm 2022.

2. Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang (2020), Niên giám Thống kê tỉnh Tuyên Quang năm 2020, 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang (2012-2022), Báo cáo thực hiện các chỉ tiêu các năm, từ năm 2012 đến năm 2022.

4. UBND huyện Yên Sơn (2012-2022), Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm, từ năm 2012 đến năm 2022.

5. UBND huyện Yên Sơn (2021), Báo cáo số 123/BC-UBND, ngày 07/4/2021 về kết quả thẩm định hồ sơ quy hoạch sử dụng đất huyện Yên Sơn giai đoạn 2021-2030.