Thành tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải độc lập, tự chủ về công nghệ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

5 điểm khác biệt của Diễn đàn lần thứ 4

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đã làm bộc lộ nhiều vấn đề của nền kinh tế cần phải khắc phục; đồng thời cũng mở ra những hướng phát triển mới hướng tới mục tiêu vừa ứng phó với dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và thực chất các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được đặt ra một cách cấp thiết, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.

Tại phiên họp báo ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Diễn đàn là nơi trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm giữa đại diện các ban, bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp, đại diện của một số tổ chức quốc tế để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Diễn đàn bao gồm một Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao và ba hội thảo chuyên đề.

Hội thảo chuyên đề 1: “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19” thảo luận về các vấn đề: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập và những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch COVID-19; hoàn thiện pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ luật Lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch COVID-19; kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch...

Hội thảo chuyên đề 2: “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” thảo luận về các nội dung như: Xu hướng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam; phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế; những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay - Kiến nghị và đề xuất giải pháp...

Hội thảo chuyên đề 3: “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, tập trung thảo luận các vấn đề như: Sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng toàn cầu: những thách thức, yêu cầu mới đặt ra và hàm ý cho Việt Nam; định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam...

Phiên toàn thể sẽ tập trung thảo luận các nội dung gồm: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới... Đặc biệt, Phiên Toàn thể - Tọa đàm cấp cao sẽ có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế với nhiều nội dung mang tính thời sự, đang được dư luận quan tâm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thành tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải độc lập, tự chủ về công nghệ
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, Diễn đàn năm nay được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của đất nước

Ông Nguyễn Thành Phong cũng thông tin đến các phóng viên về một số điểm khác so với 3 Diễn đàn trước đây:

Một là, 03 Diễn đàn được tổ chức trước đây, phiên đối thoại cấp cao có sự tham gia đối thoại trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tại Diễn đàn lần thứ tư này, theo dự kiến, tham gia đối thoại là 3 Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương sẽ phát biểu khai mạc Diễn đàn; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng và Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu tổng kết Diễn đàn.

Hai là, tất cả các ý kiến khuyến nghị, đề xuất, tham mưu từ 03 hội thảo chuyên đề buổi sáng sẽ được Trưởng ban Tổ chức tổng hợp nhanh và báo cáo vào đầu Phiên Toàn thể - Tọa đàm cấp cao buổi chiều cùng ngày.

Ba là, ngoài tài liệu là các bài tham luận được in và phát tại Diễn đàn; sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ biên tập một cuốn sách kỷ yếu tổng thể của Diễn đàn để gửi tới các lãnh đạo, các đại biểu.

Bốn là, 03 lần tổ chức trước đây, Diễn đàn không có logo, bộ nhận diện. Tại Diễn đàn lần thứ tư này, Ban Tổ chức đã tổ chức thiết kế logo, bộ nhận diện vì đây là Diễn đàn uy tín hàng đầu, được tổ chức thường niên, cần có sự chuyên nghiệp cao.

Năm là, khác với 03 lần trước đây được tổ chức tại TP. Hà Nội; đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh - Đầu tàu kinh tế của đất nước; cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với mong muốn truyền tải thông điệp mạnh mẽ về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước nói chung.

Thành tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải độc lập, tự chủ về công nghệ
Tại Diễn đàn lần thứ tư này, Ban Tổ chức đã tổ chức thiết kế logo, bộ nhận diện vì đây là Diễn đàn uy tín hàng đầu, được tổ chức thường niên, cần có sự chuyên nghiệp cao

Công nghệ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng - Thành tố quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Trả lời câu hỏi được phóng viên quan tâm tại buổi Họp báo về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như việc đứt gãy chuỗi cung ứng khi hiện nay giá xăng dầu đang có dấu hiệu tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp và có thể tạo sức ép về lạm phát, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là một nội dung sẽ được tập trung thảo luận tại Hội thảo chuyên đề phiên 3 của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, dự kiến tổ chức vào ngày 05/6/2022.

Thành tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải độc lập, tự chủ về công nghệ. Hiện nay, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn để đáp ứng Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tuy còn chậm so với mục tiêu đặt ra. Vì vậy, việc thảo luận về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ khẳng định được ý nghĩa trong việc xây dựng nền kinh thế độc lập, tự chủ.

Trong các chính sách, chủ trương của Đảng và các giải pháp điều hành của Chính phủ, vấn đề về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang được thực hiện quyết liệt. Đại dịch COVID-19 bùng phát trong 2 năm qua đã cho thấy, khoa học, công nghệ và chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tốc độ chuyển đổi của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số đang diễn biến nhanh trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần tiến lên để kịp thời bắt kịp.

Về việc đứt gãy chuỗi cung ứng của nền kinh tế, dịch COVID-19 đã khiến hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng và nếu muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì việc ổn định chuỗi cung ứng cần được đặc biệt lưu ý. Hầu hết các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới đều chuyển hướng sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp, thì việc ổn định chuỗi cung ứng phải được duy trì.

Về các giải pháp để phục hồi tăng trưởng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất và kinh doanh.

Từ đầu năm 2021, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế và thông qua nhiều chính sách xã hội để hỗ trợ các doanh nghiệp, điều chỉnh và có đề xuất các kiến nghị mới. Ảnh hưởng từ lạm phát, giá cả tăng và căng thẳng địa chính trị đã khiến tăng tưởng kinh tế thế giới giảm và mức độ phục hồi kinh tế chậm lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế và các bên liên quan để tạo triển vọng tốt đẹp hơn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tăng trưởng của Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”. Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ ý kiến và quan điểm của các bộ, ngành trung ương, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện một số tổ chức quốc tế. Một trong những vấn đề mang tính tổng thể và dài hạn trong phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới là xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, như đã xác định trong mục tiêu tổng quan của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng./.