Thiết kế Luật Hỗ trợ DNNVV: Đã dựa trên lợi ích tổng thể của nền kinh tế
Nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc tên gọi của Dự luật
Tại phiên thảo luận ngày 22/11, hầu hết các vị đại biểu quốc hội đều nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Bởi, khối DNNVV có tới 520.000 doanh nghiệp, chưa kể 3,4 triệu hộ cá thể kinh doanh có thể “đổi áo” thành doanh nghiệp siêu nhỏ bất cứ lúc nào. Khối doanh nghiệp này mang lại 50% GDP, 30% ngân sách, 62% việc làm, song vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ, nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ.
Dù đồng tình với sự cần thiết phải ban hành dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hiền (tỉnh Hà Nam) đề nghị cân nhắc sửa tên luật thành Luật Hỗ trợ phát triển DNNVV. Bởi, theo đánh giá của vị đại biểu này, thì trong tên luật hiện nay từ hỗ trợ mới chỉ ra biện pháp, cách thức là yếu tố cần nhưng chưa đủ, chưa phản ánh được tầm ý nghĩa chiến lược vì mục tiêu phát triển vững chắc của khu vực doanh nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế. Cũng chưa phản ánh được mối quan hệ lợi ích tác động qua lại giữa sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ với tăng trưởng kinh tế.
“Do đó, cần thêm từ "phát triển" để chỉ ra mục tiêu, động lực mà chúng ta làm luật để hướng đến mục tiêu phát triển đạt tới 1 triệu doanh nghiệp thực sự hoạt động vào năm 2020. Hoặc mục tiêu phát triển một số doanh nghiệp mạnh mang thương hiệu quốc gia”, đại biểu Hiền đề xuất.
Còn đại biểu Lê Văn Sỹ và đại biểu Bùi Sỹ Lợi – đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa cùng đề xuất xem lại tên dự thảo Luật cho phù hợp với các loại hình doanh nghiệp được hỗ trợ thuộc đối tượng áp dụng trong Luật này.
“Có thể là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hoặc Luật Hỗ trợ doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến vừa’, đại biểu Sỹ đề xuất.
Không đồng ý đổi tên luật này thành Luật phát triển DNNVV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) phản biện rằng, trong Điểm c, Khoản 2, Điều 20 đã ghi rất rõ là góp phần hỗ trợ toàn diện cho DNNVV phát triển.
“Đây không phải phát triển DNNVV mà chúng ta nhầm lẫn với vấn đề phát triển về số lượng, luật này là hỗ trợ toàn diện cho DNNVV cho nên không cần phải đổi tên”, đại biểu Nhưỡng lý giải.
Giải trình làm rõ hơn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các nước trên thế giới đều dùng tên gọi như dự thảo Luật, trong doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bao hàm cả doanh nghiệp siêu nhỏ.
Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này, làm rõ khái niệm theo hướng doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ theo 3 cấp độ, vì ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước còn có có sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các tổ chức, cá nhân lại có sự quan tâm khác nhau, lĩnh vực khác nhau, địa bàn khác nhau... nên càng phân loại rõ ràng, càng dễ cho các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận - Bộ trưởng nêu.
Ban soạn thảo đã phân tích và cân nhắc rất nhiều về tiêu chí DNNVV, nên theo doanh thu, hay nên theo vốn, hay nên theo lao động?
Tiêu chí xác định DNNVV: Nguồn vốn hay doanh thu?
Đại biểu Trần Thị Hiền tán thành việc sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động để phân loại quy mô DNNVV. Trong đó, tiêu chí về số lao động cần được quy định rõ, gắn với tiêu chí tham gia bảo hiểm xã hội, làm cơ sở để kiểm soát và đối xử công bằng. Đồng thời, cũng là biện pháp tích cực để thúc đẩy, mở rộng diện bao phủ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là ý nghĩa xã hội rất quan trọng của việc sử dụng tiêu chí này.
Đại diện cho tiếng nói từ ngân hàng, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (TP Hà Nội) cũng đã nhấn nút xin tranh luận với đại biểu Trần Thị Hiền ở Hà Nam, cũng như một số đại biểu có ý kiến liên quan đến tiêu chí xác định DNNVV.
“Với kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, chúng tôi thấy rằng hiện nay trên thế giới, tiêu chí xác định DNNVV, hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng tiêu chí doanh thu là tiêu chí chủ yếu. Sau tiêu chí doanh thu của các doanh nghiệp mới đến tiêu chí lao động. Cá biệt có một số nước, sau tiêu chí lao động người ta mới đến tiêu chí về vốn”, đại biểu Thắng lý giải.
Ví dụ hiện nay, Mỹ, Malaysia, Singapore sử dụng hoàn toàn tiêu chí doanh thu để phân loại doanh nghiệp, xếp hạng doanh nghiệp là doanh nghiệp loại nào. Các nước này đồng thời phân ra theo ngành, doanh thu theo ngành.
“Mặc dù theo Nghị định số 56 của Chính phủ trước đây, hiện nay vẫn đang có hiệu lực, khi làm báo cáo, các ngân hàng lại điều chỉnh lại để báo cáo theo hai tiêu chuẩn nguồn vốn, tổng nguồn vốn, số lao động nhưng đó chỉ để báo cáo. Còn tất cả các ngân hàng hiện nay đang áp dụng hình thức doanh thu để phân loại doanh nghiệp. Đây là tiêu chí được hầu hết tất cả các nước trên thế giới áp dụng”, đại biểu Thắng thẳng thắn.
Trên cơ sở đó, đại biểu Thắng đề nghị Ban soạn thảo cần xác định tiêu chí phải là tiêu chí doanh thu và sau doanh thu mới là vấn đề lao động.
“Phải hết sức cẩn trọng để làm sao chương trình chúng ta xây dựng hỗ trợ phải đúng đối tượng và phải vừa đảm bảo hiệu quả nhưng không bị lợi dụng”, vị đại biểu này đề xuất.
Phản biện lại ý kiến của đại biểu Thắng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban soạn thảo đã phân tích và cân nhắc rất nhiều về tiêu chí DNNVV, nên theo doanh thu, hay nên theo vốn, hay nên theo lao động? Tuy nhiên, do báo cáo doanh thu thay đổi thường xuyên, trog khi vốn rất khó thay đổi và lao động rất khó thay đổi và quốc tế đến nay vẫn chỉ sử dụng hai tiêu chí này.
“Đại biểu Thắng ở Vietinbank nói dựa vào doanh thu, thì tôi không biết ở đâu dựa vào doanh thu. Nhưng chúng tôi tập hợp toàn dựa theo vốn và dựa theo lao động”, Bộ trưởng Dũng phản biển.
Thứ hai, theo Bộ trưởng Dũng, có một số loại hình trong những năm đầu không có doanh thu. Ví dụ, trong trồng cây công nghiệp lâu năm thì trong 5 năm, 7 năm đầu người ta đang trồng các cây công nghiệp lâu năm thì làm gì doanh thu.
“Nếu chúng ta dựa vào doanh thu thì chúng ta không thể xác định họ là DNNVV và họ không phải là DNNVV thì họ không tiếp cận các hỗ trợ này của chúng ta, thế thì không đúng mới mục tiêu của chúng ta là hỗ trợ các DNNVV”, Bộ trưởng Dũng trao đổi thêm.
Quan tâm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Một vấn đề rất được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đó là biện pháp bảo vệ DNNVV khỏi những hậu quả do tình trạng tổ chức thanh tra chuyên ngành kiểm tra, kiểm toán chồng chéo.
“Các nguyên tắc này cũng đã được xác định rõ và hỗ trợ không phải là hỗ trợ những thứ Nhà nước có, Nhà nước muốn, mà hỗ trợ những thứ doanh nghiệp cần, hỗ trợ cũng không phải hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, mà hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp các nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua dịch vụ công đó, thì càng có lợi và khả thi” -Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng- |
“Đây là vấn đề được nhấn mạnh tại Nghị quyết 35, nhưng chưa được thể hiện trong dự thảo luật này”, đại biểu Trần Thị Hiền chỉ rõ.
Trong khi, nếu vào trang kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin VCCI sẽ thấy đây là một trong những kiến nghị đề cập nhiều nhất của các doanh nghiệp và Hiệp hội DNNVV ở các tỉnh và cũng là vấn đề ít được phản hồi nhất.
“Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu, luật hóa những giải pháp đã được ghi nhận trong Nghị quyết 35 như về tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Ví dụ, không quá 1 lần/năm kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra lồng ghép phối hợp và kế thừa kết quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Quan điểm của tôi là phải coi đây như một chính sách hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp và phải được quy định ngay trong Luật này”, đại biểu Hiền đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) cũng cho rằng, phải tạo cơ chế thông thoáng trong kinh doanh để hạn chế thanh tra, giám sát và cũng có quy định mỗi năm có bao nhiêu lần được thanh tra, kiểm tra. Có một tình trạng doanh nghiệp nhỏ hiện nay cũng một tháng có đến 3-4 đoàn kiểm tra. Thanh tra có quyền thanh tra, thuế nói có quyền thuế, kiểm toán, thậm chí cơ quan Đảng, Ủy ban kiểm tra Đảng cũng nói vào kiểm tra vì Đảng không có phụ cấp.
Đồng thời, cần hạn chế các hình thức, tổ chức, cá nhân xin-cho. Đến nay doanh nghiệp rất vất vả ở chỗ hết đơn vị này đến xin, hội kia đến xin, các ngày lễ đến xin làm cho doanh nghiệp rất vất vả, điểm này là điểm doanh nghiệp rất cần.
Không đột phá, không hỗ trợ được DNNVV
Giải trình thêm một số điều về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – đại diện cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, sẽ tiếp thu, ghi nhận để nghiên cứu tiếp và hoàn chỉnh làm sao chất lượng của luật này sẽ cao nhất, đi vào cuộc sống tốt nhất và đóng góp, ủng hộ cho khu vực doanh nghiệp phát triển một cách tốt nhất, góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Về quá trình soạn Luật, Bộ trưởng Dũng cho biết, đã tiến hành đầy đủ, chặt chẽ và đã tổng hợp lại nên dự thảo này, dự thảo này đã được lấy ý kiến rộng rãi nhiều lần. Tuy nhiên, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, đây là do quan điểm, nhận thức và tư duy.
“Đối với Luật này, chúng ta phải có tư duy mạnh mẽ hơn, mang tính đột phá hơn và tầm nhìn chiến lược hơn. Bởi vì thiết kế bộ luật này là dựa trên lợi ích tổng thể của toàn bộ nền kinh tế. Điều chúng ta đang mong muốn kinh tế chúng ta dựa vào đâu, sắp tới sẽ lớn mạnh như thế nào thì chúng ta phải đầu tư, phải có cơ chế, chính sách. Nếu chúng ta tư duy ngại các vấn đề không tháo bỏ được, không đột phá được thì không bao giờ hỗ trợ được DNNVV”, Bộ trưởng Dũng mong mỏi.
Về nguyên tắc, Bộ trưởng Dũng cho biết, Ban Soạn thảo và Chính phủ đã xác định nguyên tắc hỗ trợ không vi phạm các nguyên tắc thị trường, không vi phạm các cam kết thực tế và phù hợp với khả năng của ngân sách trong từng thời kỳ.
“Các nguyên tắc này cũng đã được xác định rõ và hỗ trợ không phải là hỗ trợ những thứ Nhà nước có, Nhà nước muốn, mà hỗ trợ những thứ doanh nghiệp cần, hỗ trợ cũng không phải hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, mà hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp các nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua dịch vụ công đó, thì càng có lợi và khả thi”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.
Đối với hộ kinh doanh, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ, chúng ta không hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, mà chúng ta khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
“Hiện nay, chúng ta có 3,4 triệu hộ kinh doanh, có 2 triệu đăng ký, nhưng không muốn chuyển sang làm doanh nghiệp. Bởi vì, hiện nay được khoán thuế, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động, không chịu sự giám sát kiểm tra, không phải thành lập kế toán trưởng rồi kế toán viên, thủ kho như hoạt động của một doanh nghiệp. Người ta rất linh hoạt và muốn ở lại hộ kinh doanh và không muốn chuyển sang hoạt động doanh nghiệp”, Bộ trưởng báo cáo thêm./.
Bình luận