Thông qua Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng thẩm định, thay mặt cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, TS. Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo vệ môi trường; đồng thời phù hợp với các chính sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1442/QĐ-TTg/QĐ-TTg ngày 23/9/2020.
|
Hội đồng góp ý hoàn thiện cho Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030
Về phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù và hiện trạng phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các thành viên Hội đồng đề nghị bổ sung phân tích, đánh giá rõ hơn về thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, biến đổi biến đổi khí hậu, dân số; làm rõ lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương trong vùng. Đặc biệt, phân tích sâu các yếu tố điều kiện tự nhiên, nhất là tài nguyên biển tác động đến kinh tế và quốc phòng, an ninh biển; làm rõ các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu lên địa bàn tỉnh.
"Cần làm rõ vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng, là đầu tàu trong thúc đẩy tính năng động và cải cách phát triển kinh tế của tỉnh đối với vùng", ông Thắng đưa vấn đề.
Phân tích, đánh giá bổ sung về nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế (không kể dầu khí) của tỉnh ở mức thấp, cơ cấu kinh tế gần như không thay đổi trong giai đoạn 2011-2020; tập trung vào những hạn chế, điểm nghẽn trong tổ chức không gian hạ tầng kỹ thuật, bao gồm các kết nối vùng, liên vùng đối với từng phương thức vận tải, đặc biệt là đường bộ.
Sơ đồ vùng phát triển kinh tế biển và hải đảo |
Các ý kiến thẩm định cơ bản nhất trí với việc Quy hoạch xác định phương châm phát triển “Đột phá - Năng động - Sáng tạo - Bền vững"; 5 trụ cột phát triển, gồm: (1) Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; (2) Hình thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia, cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm logictics cấp quốc gia, khu thương mại tự do; (3) Hình thành Trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; (4) Phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; (5) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Quy hoạch cũng nêu 4 đột phá phát triển, gồm: (1) Hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với vùng Đông Nam Bộ; (2) Hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ; (3) Hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; (4) Hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao.
"Các định hướng quy hoạch, các trụ cột phát triển và đột phá phát triển của của Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuân thủ và cụ thể hóa Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và Định hướng quy hoạch vùng Đông Nam Bộ", ông Thắng nhận xét.
Hội đồng thẩm định cũng đề nghị rà soát, bổ sung nội dung phương án phát triển các ngành quan trọng theo quy định tại khoản 4, Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/5/2019 của Chính phủ. Bổ sung luận chứng để xác định một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa tạo đột phát cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Làm rõ định hướng phát triển kinh tế biển.
Tại Hội nghị, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ đề ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững, mà cần có quan điểm tiếp tục đổi mới tư duy đột phá, phát huy sự năng động, sáng tạo, xây dựng tỉnh thành một trong trong những cực tăng trưởng của vùng động lực phát triển.
"Đây là vấn đề sống còn của vùng và cũng là yêu cầu của Trung ương đối với vùng và tỉnh", vị chuyên gia này này nhấn mạnh.
Ông Sinh cũng cho rằng, kịch bản được lựa chọn chưa có tính đột phá; tốc độ tăng trưởng mang tính an toàn, dễ đạt được. Ông đề nghị, mục tiêu tổng quát cần làm rõ vị trí của tỉnh trong vùng, xác định rõ vai trò tạo động lực phát triển của tỉnh với toàn vùng và các tỉnh lân cận phát triển; rà soát số liệu dự báo về GRDP/người; bổ sung chỉ tiêu kinh tế biển, chỉ tiêu kinh tế số; khái quát một số chỉ tiêu đến năm 2050 để minh họa cho vị trí của tỉnh so với vùng và cả nước.
Thay mặt cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, TS. Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khoa học |
Các thành viên Hội đồng cũng yêu cầu làm rõ việc gắn kết các hành lang kinh tế của tỉnh với các hành lang kinh tế quốc gia, hành lang kinh tế ven biển; làm rõ nội dung mở rộng không gian phát triển các ngành, lĩnh vực giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Thuận và với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; bổ sung phương án bố trí không gian phát triển kinh tế biển liên quan đến quốc phòng, an ninh biển, đảo.
Về hệ thống giao thông, rà soát, cập nhật lộ trình đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đảm bảo phù hợp với Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; làm rõ cơ sở của việc quy hoạch Quốc lộ 56 trên địa bàn tỉnh được tách thành 2 đoạn với quy mô khác nhau.
Lưu ý cập nhật đối với các bến cảng quy hoạch mới tại Cái Mép Hạ, hạ lưu Cái Mép Hạ và các khu vực phát triển mới khác để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chuyên ngành hàng hải; bổ sung sung định hướng, quy hoạch các khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển. Cập nhật lại tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh theo Quyết định số 1829/QĐ-TTg, ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị ưu tiên bố trí các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất dọc theo các tuyến đường thủy nội địa kết nối với các cảng biển trong khu vực nhằm khai thác hiệu quả, tối ưu vận tải đa phương thức.
Đặc biệt, chuyên gia Dương Đình Giám lưu ý, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong quỹ đất phải quản lý nghiêm ngặt tại địa phương; việc chuyển mục đích sử dụng rừng, trong đó có rừng tự nhiên để thực hiện các công trình, dự án cần thực hiện đúng theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017; rà soát các công trình, dự án có sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng đến nay chưa đưa vào sử dụng làm cơ sở cho việc thu hồi đất.
Về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMC), Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh xác định rõ phạm vi nghiên cứu của báo cáo ĐMC; xác định rõ thành phần môi trường có khả năng bị tác động bởi quy hoạch. Bổ sung kết quả nhận dạng các vấn đề môi trường chính có tính tích cực và tiêu cực của quy hoạch.
Bổ sung đầy đủ nội dung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các vấn đề môi trường chính trong trường hợp không thực hiện quy hoạch; bổ sung đánh giá, dự báo đầy đủ tác động của quy hoạch đến biến đổi khí hậu và ngược lại.
"Làm rõ kết quả dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính khi thực hiện quy hoạch và cơ sở để đánh giá được mức độ tác động tích cực, tiêu cực của các vấn đề môi trường chính. Phân tích cụ thể, chi tiết nội dung của các giải pháp để giảm thiểu xu hướng tiêu cực do việc thực hiện quy hoạch, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các khu vực dễ bị tổn thương", ông Thắng nêu yêu cầu của Hội đồng thẩm định.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Cần làm rõ cơ sở đột phá
Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các sở, ngành phải tham gia ngay từ đầu với tư vấn để rà soát lại quy hoạch, vì hiện này đã bỏ toàn bộ quy hoạch ngành ở địa phương.
"Nếu lần này không làm đồng thời, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo liên ngành, liên huyện, thì sau này sẽ rất phức tạp khi tập trung triển khai. Đây là cơ hội để rà soát cho phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành lẫn quy hoạch địa phương", Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng cũng lưu ý về việc làm rõ quy trình lập quy hoạch, đặc biệt là vấn đề tích hợp. Thứ nữa, cần làm rõ cơ sở đột phá, các ngành quan trọng để lựa chọn phát triển.
"Mô hình tăng trưởng cần cơ cấu lại theo mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Từ đó có luận cứ để phân bổ không gian, các ngành quan trọng, định hướng phân bổ nguồn lực cho các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho phát triển. Trong đó, cần lưu ý gắn kết với sân bay Long Thành, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả Tây Nam Bộ (qua cầu Phước An)", Bộ trưởng gợi ý.
Nhận xét việc lựa chọn cơ cấu ngành kinh tế quan trọng còn quá an toàn, không tương xứng với tiềm năng, Bộ trưởng gợi ý: "Chọn ngành công nghiệp đứng thứ nhất là đúng, nhưng thứ hai phải là cảng và logistics, đây là ngành có giá trị gia tăng cao, vì tỉnh có hệ thống cảng biển, lại gần sân bay Long Thành; thứ ba là du lịch; và nên đổi nông nghiệp thành đô thị".
Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát lại phương án hình thành khu công nghiệp, cố gắng hạn chế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa. Phương án phát triển các vùng động lực, các trục chức năng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, gắn kết tỉnh với các tỉnh khác trong vùng. Xác định khu vực động lực chính của tỉnh để ưu tiên đầu tư, trở thành đầu tàu lôi kéo sự phát triển.
Mở rộng không gian kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên thông qua các hành lang kinh tế; xác định thời kỳ quy hoạch theo Nghị quyết số 81 của Quốc hội.
Về vấn đề mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này.
"Tôi cho rằng, cần so sánh với một số tỉnh của quốc tế thay vì các tỉnh trong nước sao cho xứng tầm", Bộ trưởng chia sẻ quan điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch./.
Bình luận