TTKDTM là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và đã được NHNN Việt Nam xây dựng thành quy định đối với các tổ chức tín dụng. Thực hiện chủ trương này, hệ thống ngân hàng thực hiện cải cách thủ tục giao dịch góp phần vào mục tiêu của Chính phủ là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 thông qua việc đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công trực tuyến. Điểm nhấn tập trung nhằm thúc đẩy kết nối hệ thống thanh toán thông qua internet banking, mobile banking, ví điện tử đối với các dịch vụ công thông dụng như như thanh toán tiền điện, nước, học phí…

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, giải pháp cho cải thiện môi trường kinh doanh

Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 nêu rõ mục tiêu về TTKDTM. Theo đó, đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và xuống 8% vào cuối năm 2025; Đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức TTKDTM; Nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020

Nền tảng pháp lý về TTKDTM

TTKDTM được chính thức triển khai theo Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của TTg phê duyệt “Đề án TTKDTM giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020”. Trong đó, lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng cần mở rộng các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển dịch vụ gắn với cải tiến quy trình giao dịch ở ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiết giảm chi phí và thời gian.

Trong lộ trình phát triển loại hình thanh toán này, từ năm 2008, các ví điện tử xuất hiện, nhưng chưa được công nhận. Đến năm 2012, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về TTKDTM quy định cụ thể về điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu 50 tỷ đồng. Tuy nhiên bước đột phá lớn nhất trong lộ trình này trong mục tiêu cải cách phải bắt đầu từ Nghị quyết số 02 năm 2019, Chính phủ đặt trọng tâm thực hiện giải pháp phát triển TTKDTM là giải pháp quan trọng trong thực hiện cải cách, cải thiện MTKD.

Mục tiêu cải thiện môi trường doanh doanh trong lĩnh vực này thể hiện ở việc thực hiện TTKDTM trong dịch vụ công, dịch vụ tiện ích. Chia sẻ về lộ trình xây dựng hành lang pháp lý đối với hoạt động TTKDTM, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) cho biết qua rà soát sơ bộ, giai đoạn 2016-2021, Chính phủ ban hành 61 văn bản gồm 40 nghị quyết của Chính phủ, 14 quyết định, 07 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về thực hiện TTKDTM.

Một số văn bản đáng chú ý gần đây là Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ; Quy định số 01/QCPH-NHNN-BTTTT-BCA ngày 20 tháng 4 năm 2021 về quy chế phối hợp giữa ba bộ, ngành (TTTT, NHNN, CA) trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/05/2020 của TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Có thể nói, Việt Nam đã tương đối hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ để đẩy mạnh triển khai hoạt động TTKDTM trong thời gian tới.

Còn nhiều hạn chế

Số liệu được bà Thảo đưa ra tại Hội thảo "Cải cách môi trường kinh doanh 2014 - 2020: Kết quả, bài học kinh nghiệm và kiến nghị", do CIEM phối hợp với Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây cho thấy, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã triển khai khá tích cực phương thức thanh toán này. Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2021, đã có 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Toàn thị trường hiện có 271.348 điểm bán hàng (POS) và 19.736 ATM phục vụ TTKDTM.

Hiện giao dịch qua kênh internet tăng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị. Hàng loạt cơ sở hạ tầng hệ thống đang được triển khai hoàn thiện, trong đó chú trọng từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng như: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế… Để kích hoạt đồng bộ hoạt động TTKDTM trong xã hội, Ngày không tiền mặt (cashless day) 16.06 đã được đưa vào thực hiện từ năm 2019.

Tuy nhiên, dù đã đạt bước tiến đáng ghi nhận trong thời gian, thực tế cho thấy việc thúc đẩy TTKDTM vẫn gặp khá nhiều trở ngại mà chủ yếu vẫn bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính là hành lang pháp lý còn chưa thực sự hoàn thiện và thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa có sự thay đổi do tâm lý lo ngại an toàn. Dẫn số liệu từ Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, bà Thảo cho biết đến nay đã có gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.

Bên cạnh 2 nguyên nhân chính nói trên, theo phân tích của bà Thảo, vẫn còn một số yếu tố bất cập hạn chế việc triển khai phương thức này ở quy mô rộng như hạ tầng phục vụ cho TTKDTM, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu, chưa hoàn thiện đồng bộ; Sự sẵn sàng trong việc kết nối giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công, dịch vụ tiện ích với ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian thanh toán. Ngoài ra, lĩnh vực lao động thương binh xã hội chậm triển khai dẫn tới hạn chế về cơ sở dữ liệu và khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin với ngân hang hoặc các trung gian thanh toán. “Đây là những hạn chế, bất cập chính cần được khắc phục mới có thể tháo gỡ hoàn toàn các rào cản cả về cơ sở hạ tầng cũng như tâm lý người sử dụng để tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến”, bà Thảo nhấn mạnh.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý và kết nối cơ sở dữ liệu

Về phần mình các ngân hàng thương mại cho rằng, rào cản lớn nhất cản trở hoạt động TTKDTM hiện nay là quy định pháp lý về cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, theo đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong, hiện nhiều đề án của các doanh nghiệp vẫn đang phải nằm chờ có khung pháp lý thử nghiệm để đảm bảo hợp pháp đúng quy định của pháp luật, chẳng hạn như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending) dù đã có đủ điều kiện để triển khai nhưng hiện vẫn phải đợi NHNN xây dựng văn bản pháp lý liên quan đến sản phẩm này để có cơ chế hoạt động phù hợp quy định.

Để thúc đẩy hơn nữa TTKDTM, NHNN cần sớm thí điểm hoặc thiết lập cơ chế thử nghiệm cho các ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, cùng với việc tuyên truyền thay đổi tâm lý của người dân thì các bộ, ngành cũng cần tích cực áp dụng thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công tại các cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước, hải quan. Các doanh nghiệp công ích cung ứng dịch vụ công cần đẩy mạnh TTKDTM trong sử dụng các dịch vụ công cộng như xe buýt, tàu. Bên cạnh đó, nên có cơ chế quy định các chi phí nhân sự, chi phí mua bán hàng hóa của doanh nghiệp phải được chuyển khoản qua ngân hàng thì mới được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp...

Nhìn nhận trên góc độ pháp lý, đại diện CIEM cho rằng, NHNN cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, cụ thể xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời khẩn trương đánh giá tình hình và kết quả triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển và thực tiễn

CIEM cũng khuyến nghị NHNN sớm hoàn thiện khung pháp lý nhằm đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật thông tin cá nhân trong TTKDTM; Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán; đảm bảo dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, thân thiện; tăng trưởng truyền thông nâng cao nhận thức về TTKDTM.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để sẵn sàng kết nối với các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán nhằm thực hiện TTKDTM trong cung ứng dịch vụ công; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tiện ích kết nối với các ngân hàng và trung gian thanh toán để người dân và các tổ chức có thể thực hiện TTKDTM một cách thuận lợi./.