Thực trạng và giải pháp phát triển logistics tại Bình Thuận
THỰC TRẠNG
Hiện nay, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh Bình Thuận. Với bờ biển dài 192km, tuyến đường bộ dài trên 6.754km, Cảng quốc tế Vĩnh Tân kết nối, tạo ra hành lang kinh tế Đông - Tây giữa tỉnh Bình Thuận với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, đóng góp tỷ trọng vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn tới.
Cảng quốc tế Vĩnh Tân |
Nhận thức được vai trò và tìm năng phát triển của ngành dịch vụ logistics đem lại, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 1177/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh và ngày 20/4/2021 ban hành Quyết định số 1331/QĐ-UBND kèm theo Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 của tỉnh Bình Thuận. Trong đó, đề ra mục tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể để triển khai thực hiện đạt Kế hoạch, cụ thể:
Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP đạt khoảng 3% và tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics 10-15%; tập trung thu hút đầu tư, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; phát triển Cảng tổng hợp quốc tế Vĩnh Tân thành trung tâm phát triển dịch vụ logistics, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng vừa phục vụ hàng không dân dụng.
Đến nay, số vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải, bao gồm cả vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, vốn viện trợ không hoàn lại 376 tỷ đồng, 01 dự án của doanh nghiệp về logistics, 01 dự án kho vận tại khu vực cảng Vĩnh Tân, 126 kho lạnh, kho mát bảo quản nông sản, thủy sản…; tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Đường bộ cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, triển khai các đoạn đường tiếp nối từ cao tốc xuống các khu du lịch, khu thương mại và cảng tổng hợp vĩnh tân; đưa nội dung phát triển hệ thống kết nối, logistics giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Kaluga, Liên bang Nga vào Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác với tỉnh Kaluga, Liên bang Nga; thực hiện hợp tác đầu tư phát triển quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống logistics với tỉnh Yamaguchi - Nhật Bản; thường xuyên đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị của các Hiệp hội, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát để giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động; thực hiện ứng dụng hệ thống thông quan điện tử, đảm bảo công tác quản lý hải quan hiện đại, tiện lợi, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, nhưng xuất khẩu nông sản trong 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu khả quan; các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều ở mức tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản ước thực hiện 9,69 triệu USD, tăng 37,6% so cùng kỳ, tạo điều kiện, dư địa cho ngành dịch vụ logistics tiếp tục phát triển, không đi gián đoạn, đứt gãy.
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, sự phát triển ngành dịch vụ logistics của tỉnh Bình Thuận vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế đáng kể.
Thứ nhất, hệ thống hạ tầng, giao thông vận tải chưa được hoàn thiện, hiện còn đang trong giai đoạn nâng cấp, thi công (tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, sân bay Phan Thiết), một số đoạn xuống cấp chưa được quan tâm, đầu tư cải tạo mới, kết nối với khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân, khu công nghiệp như: Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 1A… Trong tỉnh có cảng biển lớn, nhưng lượng hàng qua cảng chiếm tỷ lệ còn hạn chế, chủ yếu phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (nhập than) và dừng ở việc gom hàng tập trung cho các cảng lớn tại TP. Hồ Chí Minh.
Thứ hai, các doanh nghiệp logistics trên địa bàn Tỉnh với quy mô lớn còn ít, nhưng chưa đi vào hoạt động, còn lại là doanh nghiệp logistics thực hiện các dịch vụ đơn lẻ như: vận tải, phân phối bán buôn, bán lẻ có quy mô nhỏ, tập trung ở thị trường nội địa, nguồn nhân lực về logistics của doanh nghiệp còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản.
Thứ ba, tỷ lệ các thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được xử lý trực tuyến rất thấp; tỷ lệ các trường đại học, cao đẳng đào tạo và sinh viên theo học ngành logistics còn thấp.
Thứ tư, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh chưa nhiều, đặc biệt là hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường, giao dịch thương mại ở nước ngoài. Nguyên nhân do các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đa số là quy mô nhỏ, năng lực tài chính và quản lý kinh doanh còn yếu, chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng và vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng tìm thị trường.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁT TRONG THỜI GIAN TỚI
Kiến nghị Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch Trung tâm logistics Bình Thuận kết nối với Cảng tổng hợp Vĩnh Tân vào Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước. |
Theo Kế hoạch, mục tiêu của tỉnh Bình Thuận là phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, đóng góp tỷ trọng vào tốc độ tăng trưởng của Tỉnh, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Bình Thuận cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu, triển khai áp dụng có hiệu quả các quy định và chính sách của Trung ương về hỗ trợ, phát triển dịch vụ logistics tại địa phương, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics. Kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ sở pháp lý của ngành dịch vụ logistics tại Luật Thương mại. Tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch Trung tâm logistics Bình Thuận kết nối với Cảng tổng hợp Vĩnh Tân vào Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước.
Hai là, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, kết nối liên kết vùng, vừa chú trọng đúng mức phát triển theo chiều sâu, hình thành rõ nét những vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh như: Đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B, tuyến Quốc lộ 55, đầu tư hoàn chỉnh sân bay Phan Thiết, đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận), phát huy Cảng quốc tế Vĩnh Tân tạo ra hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối tỉnh Bình Thuận với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Ba là, thành lập cơ quan quản lý logistics cấp tỉnh để đóng vai trò điều phối, quản lý toàn bộ hoạt động phát triển logistics của tỉnh, phát huy hiệu quả của trung tâm logistics, các mối quan hệ kinh tế. Quy hoạch các trung tâm logistics cấp tỉnh định hướng đến năm 2030, đồng thời, có biện pháp đẩy mạnh xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp trên địa bàn toàn Tỉnh.
Bốn là, rà soát quy hoạch, cơ cấu sản xuất của địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics phù hợp. Đảm bảo kế hoạch giao thông phù hợp với năng lực sản xuất và các trung tâm logistics, kho bãi. Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải nhằm phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý. Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Hợp lý hóa vận chuyển đường bộ.
Năm là, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics cấp vùng, cấp địa phương nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phân phối, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm; thu hút nguồn hàng từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… vào Việt Nam qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân và ngược lại; hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, mở rộng nguồn hàng. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện, triển lãm về logistics ở trong nước và nước ngoài, cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp logistics.
Bảy là, phối hợp, tổ chức đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp dịch vụ logistics nhằm nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong hoạt động logistics; theo dõi và đánh giá hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics; bố trí nguồn lực ngân sách để triển khai đề án liên quan đến phát triển dịch vụ logistics.
Tám là, tiếp tục nghiên cứu tổ chức đào tạo chuyên ngành dịch vụ logistics nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về logistics cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ lao động./.
Bình luận