Dấu ấn TTCK Việt Nam 21 năm đầu tiên Tận dụng thời cơ, thúc đẩy TTCK Việt Nam bước đi bền vững Người viết “Huyền thoại con đường tiền tệ trong kháng chiến chống Mỹ”

Thị trường của hàng nghìn mã hàng

Khởi đầu giao dịch với 2 mã cổ phiếu REE và SAM, giao dịch phiên đầu tiên ngày 28/7/2000, đến nay, thị trường Việt Nam có 758 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) và 922 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn đại chúng (UPCoM). Tổng tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.564 nghìn tỷ đồng. Vốn hóa toàn thị trường tương đương 105% GDP năm 2020.

Tròn 21 tuổi: Chứng khoán Việt Nam bước sang lộ trình sắp xếp mới
Vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam kể từ khi mở cửa hoạt động đến nay (nguồn HOSE)

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường Việt Nam có 459 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.402 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2020 (tương đương 22,3% GDP).

Sàn phái sinh mở cửa năm 2017, hiện có 3 sản phẩm giao dịch. Sàn chứng quyền tăng mạnh về loại sản phẩm và giá trị giao dịch kể từ khi mở cửa hoạt động, hiện có giá trị giao dịch bình quân đạt 108,37 tỷ đồng/phiên, tăng 401% so với năm trước.

Sự phát triển liên tục và đa dạng các loại hàng hóa giúp TTCK lớn nhanh về quy mô và lượng người tham gia đầu tư. Đến cuối tháng 6, TTCK Việt Nam có trên 3,3 triệu tài khoản được mở.

Sau tròn 21 năm hoạt động của TTCK, Bộ Tài chính ban hành lộ trình sắp xếp các thị trường nhằm thực thi Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập một pháp nhân mới là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, với 2 công ty con là Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM. Lộ trình sắp xếp lại các sàn chứng khoán đặt ra yêu cầu không làm phát sinh chi phí đối với tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch; không ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư và không ảnh hưởng đến lộ trình phát triển các sản phẩm mới. Cùng với đó, việc thực hiện lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch chứng khoán phải bảo đảm khách quan, công khai, công bằng và hiệu quả.

Cũng theo quy định của Bộ Tài chính (Thông tư số 57/2021/TT-BTC), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện sắp xếp lại các thị trường giao dịch chứng khoán theo lộ trình. Trường hợp hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới triển khai không đúng tiến độ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư điều chỉnh lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch chứng khoán.

Lộ trình sắp xếp lại TTCK Việt Nam

Tròn 21 tuổi: Chứng khoán Việt Nam bước sang lộ trình sắp xếp mới
Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội sẽ được sắp xếp lại, trở thành công ty con của Sở GDCK Việt Nam

Theo quy định tại Thông tư 57/2021/TT-BTC, lộ trình sắp xếp sàn chứng khoán Việt Nam cụ thể như sau:

Với sàn cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm

+ Chậm nhất đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025, Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

+ Trước ngày 01 tháng 7 năm 2023: Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết, tổ chức giao dịch cổ phiếu mới của tổ chức đáp ứng điều kiện niêm yết quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng trở lên;

+ Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023: Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết, tổ chức giao dịch cổ phiếu mới của tổ chức đáp ứng điều kiện niêm yết quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP;

+ Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023: Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận cổ phiếu của tổ chức niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;

+ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025: Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;

+ Trước ngày 01 tháng 7 năm 2023: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết, tổ chức giao dịch cổ phiếu mới của tổ chức đáp ứng điều kiện niêm yết quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng trở lên;

+ Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội không tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu mới của tổ chức;

+ Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thực hiện chuyển cổ phiếu của tổ chức niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sang Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh;

+ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thực hiện chuyển cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sang Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành việc chuyển cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sang Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội không tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch mới của tổ chức.

Với sàn trái phiếu

+ Chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

+ Chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành việc chuyển trái phiếu doanh nghiệp niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Với sàn chứng khoán phái sinh

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong quá trình thực thi sắp xếp các sàn chứng khoán, Bộ Tài chính quy định cụ thể về xử lý hồ sơ đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch để minh bạch thông tin và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho các tổ chức tư vấn. Quy định cụ thể tại Thông tư số 57/2021/TT-BTC./.