Dấu ấn TTCK Việt Nam 21 năm đầu tiên
“Chúng tôi chỉ mong thị trường được như hôm nay…”
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đã chia sẻ như vậy tại cuộc đối thoại với các nhà báo ngày 24/6/2021, trong bối cảnh dư luận bức xúc với tình trạng nghẽn lệnh sàn HOSE và đặt lên vai nhà quản lý áp lực phải xử lý nhanh nhất.
Khi thị trường được như hôm nay, áp lực lớn nhất với ngành chứng khoán là làm cách nào để thị trường vượt qua những thách thức hiện hữu và lớn mạnh một cách bền vững. |
10 ngày sau, ngày 5/7/2021, hệ thống công nghệ mới do FPT IS và HOSE xây nên chính thức vận hành tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), dòng lệnh vào thị trường vượt qua được thách thức quá tải hệ thống. Mọi hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường, mỗi phiên có hàng chục nghìn tỷ đồng được chuyển nhượng qua kênh đầu tư chứng khoán. Nghẽn lệnh đã trở thành vấn đề quá khứ trong dòng lịch sử về sức sống bền bỉ của TTCK Việt Nam trong 21 năm mở cửa hoạt động, tính đến hiện nay.
Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống người dân và đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, bức tranh chung của kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 có những nét tươi sáng từ TTCK. Những chỉ tiêu cốt lõi đánh giá tính hiệu quả của thị trường như giá trị giao dịch, số nhà đầu tư tham gia hay tổng mức huy động trên TTCK đều tăng mạnh. Chỉ số chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng trưởng cao thứ hai toàn cầu. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK Việt Nam ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Người đầu tiên đề xuất ý tưởng xây dựng TTCK Việt Nam từ 25 năm trước, TSKH. Lê Văn Châu, nay đã 90 tuổi. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông viết lại cho thế hệ sau một cuốn sách nói về những tháng năm đầu tiên xây dựng TTCK Việt Nam. Thiếu thốn đủ bề, từ tư duy, con người, cơ sở vật chất… và mất nhiều năm đầu TTCK vừa vận hành, vừa dò bước, cùng nhiều giai đoạn đối mặt với khủng hoảng, thách thức sau đó, Việt Nam mới có được TTCK với 3,5 triệu người tham dự, có quy mô lớn hơn quy mô GDP như hiện nay.
Ở thời ông Lê Văn Châu tạo dựng thị trường, áp lực lớn nhất là làm thế nào để giải được bài toán tìm vốn cho phát triển kinh tế, khi hệ thống ngân hàng quy mô còn nhỏ, 5 ngân hàng lớn nhất cũng chỉ có vốn khoảng 20 triệu USD, không đủ khả năng để mở rộng và tạo kênh tài chính cho phát triển Đất nước. Việc tạo nguồn tài chính cho Ngân sách Nhà nước khi đó chỉ xoay quanh việc phát hành công trái cho dân, mua theo sự kêu gọi, đóng góp của tinh thần yêu nước. Thời đó, hoàn toàn chưa có khái niệm thị trường vốn. Ông Lê Văn Châu đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng xây dựng TTCK với Đảng và Nhà nước, bởi kinh nghiệm nhiều năm làm việc trên thị trường tài chính quốc tế cho ông biết, đó chính là thị trường có khả năng tạo vốn chủ động cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Phát triển TTCK là một chủ trương lớn và nhất quán của Ðảng, Nhà nước. Những con số thực tế cho thấy, bài toán khó trong gọi vốn cho đầu tư phát triển Đất nước trước năm 2000 đã tìm được lời giải hiệu quả, thông qua sự vận hành của TTCK Việt Nam. |
Năm 2000, Chính phủ khai trương TTCK Việt Nam và đưa Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào hoạt động với người Giám đốc đầu tiên là ông Vũ Bằng (nguyên Chủ tịch UBCK, hiện nay làm thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ).
Năm 2005, Chính phủ mở cửa Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội với người Giám đốc đầu tiên là ông Trần Văn Dũng (hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). Thị trường UPCoM cùng thị trường trái phiếu chuyên biệt vận hành vào năm 2009. Năm 2017, sàn phái Việt Nam khai mở với sản phẩm đầu tiên là phái sinh chỉ số VN-30. Trong chiều dài vận hành TTCK, các sản phẩm như chứng chỉ quỹ, chỉ số, phái sinh, chứng quyền..., lần lượt ra đời, từng bước hoàn thiện cấu trúc sản phẩm trên TTCK Việt Nam.
Nhiều năm nay, Chính phủ dễ dàng huy động vốn từ người dân, thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ trên Sở GDCK Hà Nội. Theo thời gian, lãi suất trái phiếu chính phủ huy động giảm rất mạnh, từ mức Chính phủ phải trả lãi 8-10%/năm cho các khoản vay, nay chỉ còn 1-1,5%/năm cho các kỳ hạn dài 10 năm, 15 năm. Thời gian còn lại của trái phiếu cũng được cải thiện mạnh mẽ, từ mức 2-3 năm là chủ yếu, nay tăng lên trên 12 năm, giúp Chính phủ chủ động và linh hoạt trong sử dụng nguồn vốn vay cần thiết cho ngân sách. Những con số thực tế cho thấy, bài toán khó trong gọi vốn cho đầu tư phát triển đất nước trước năm 2000 đã tìm được lời giải hiệu quả, thông qua sự vận hành của TTCK Việt Nam.
Trên thị trường cổ phiếu, sự phát triển mạnh mẽ về quy mô vốn hóa, giá trị giao dịch, số nhà đầu tư tham gia, chất lượng doanh nghiệp niêm yết… (xem bảng) là những dấu son trên con đường tạo dựng và dẫn dắt TTCK Việt Nam của nhiều thế hệ lãnh đạo, qua 21 năm phát triển bước đầu.
Vốn hóa TTCK Việt Nam tăng mạnh trong 5 năm gần đây, hiện đạt 105% GDP |
Viết tiếp giấc mơ 10 năm
Trong tương lai, mọi hoạt động kinh tế sẽ đều đi qua TTCK. Lúc đó, nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ hoàn chỉnh và TTCK sẽ thực sự là nhân tố cốt lõi, là phong vũ biểu của nền kinh tế Việt Nam. |
Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc ngày 20/7/2021 - ngày tròn 21 năm trước, TTCK Việt Nam khai trương hoạt động. Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 2021-2025. Chính phủ xây dựng nhiều mục tiêu cho Đất nước, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính minh bạch của thị trường chứng khoán, dịch vụ tài chính.
Nhớ lại bước khởi đầu tạo dựng thị trường chứng khoán, không ai hình dung hay dám ước mơ về những doanh nghiệp trăm triệu USD, tỷ USD, nhưng theo thời gian, có hàng trăm doanh nghiệp lớn lên, nhờ sự tiếp sức từ huy động vốn qua TTCK để đạt tới tầm vóc lớn. Trên sàn niêm yết tại sàn HOSE, có trên 30 doanh nghiệp vượt qua con số tỷ USD vốn hóa, như Vingroup, Vietcombank, Vinamilk, Vietjet, Novaland, Masan, MBBank, ACB, FPT… Như Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đương nhiệm chia sẻ, thế hệ những người tạo dựng thị trường thời đầu “chỉ ước mơ thị trường được như hôm nay thôi…”. Và khi thị trường được như hôm nay, áp lực lớn nhất với ngành chứng khoán, là làm cách nào để thị trường vượt qua những thách thức hiện hữu, lớn mạnh một cách bền vững.
Bên cạnh các con số, giá trị đặc biệt mà TTCK đóng góp cho nền kinh tế là tạo nên văn hóa minh bạch từ quy chuẩn công bố thông tin, minh bạch báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên sàn. Từ đây, văn hóa minh bạch được định hình và lan tỏa đến khối doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp nhà nước và nền kinh tế. Hoạt động của thị trường được vận hành trên nền tảng pháp lý cao nhất là Luật Chứng khoán, mở ra nhiều cơ hội, đi kèm các chế tài để ngăn chặn các hành vi sai trái, phá hoại niềm tin của nhà đầu tư, gây rủi ro đổ vỡ thị trường.
Theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030, định vị những mục tiêu, giải pháp chiến lược cho TTCK trong 10 năm tới. Dự cảm về con đường dài hạn, người khởi tạo và chứng kiến trọn vẹn những gập ghềnh của 21 năm TTCK Việt Nam, TSKH. Lê Văn Châu giữ một niềm tin rằng, trong tương lai, mọi hoạt động kinh tế sẽ đều đi qua TTCK. Lúc đó, nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ hoàn chỉnh và TTCK sẽ thực sự là nhân tố cốt lõi, là phong vũ biểu của nền kinh tế Việt Nam.
Quy chuẩn minh bạch từ TTCK lan tỏa, thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của nền kinh tế; cộng đồng doanh nghiệp chủ động trong gọi vốn từ công chúng và xác lập quy chuẩn phát triển bền vững; người dân hiểu biết về tài chính, chứng khoán, dễ dàng tham gia đầu tư để nhân lên tài sản tài chính… Đó xứng đáng là giấc mơ 10 năm của TTCK Việt Nam.
Số tài khoản nhà đầu tư mới 1 năm qua bằng cộng dồn 10 năm đầu tiên và cũng bằng số tài khoản tăng thêm trong 10 năm sau đó |
Giá trị giao dịch tăng mạnh trên sàn HOSE theo sự phát triển của doanh nghiệp niêm yết và sự tham gia ngày càng nhiều của nhà đầu tư |
Bình luận