Trường Đại học Ngoại thương mở thêm chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành logistics và SCM
Khi thị trường toàn cầu phát triển với các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là việc mở cửa thị trường ở các nước đang và chậm phát triển, logistics được các nhà quản lý coi như là công cụ, một phương tiện liên kết các lĩnh vực khác nhau của chiến lược doanh nghiệp. Logistics tạo ra sự hữu dụng về thời gian và địa điểm cho các hoạt động của doanh nghiệp và nếu phát triển tốt sẽ mang lại khả năng giảm được chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Năm 2015, chi phí logistics ở nước ta tương đương với 15 - 20% GDP, nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ.
Ông Lê Duy Hiệp – chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết
Khi logistics và quản trị chuỗi cung ứng là chìa khóa cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại, mỗi doanh nghiệp đều cần có đội ngũ chuyên viên logistics để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nắm bắt được nhu cầu thực tiễn này, Trường Đại học Ngoại thương đã đào tạo thêm chương trình CLC chuyên ngành Logistics và SCM. Tốt nghiệp chương trình này, sinh viên có cơ hội nghề nghiệp rộng mở, có thể thực hiện công việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng tại một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ cụ thể hoặc doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ logistics và tư vấn giải pháp quản trị chuỗi cung ứng.
Ngoài các kỳ thực tập giữa khóa và cuối khóa, sinh viên sẽ học tập và thực hành tại doanh nghiệp trong năm học cuối dưới sự hướng dẫn của giảng viên và chuyên gia của doanh nghiệp. Sinh viên sẽ được trải nghiệm và làm các công việc cụ thể của nhà quản trị logistics và chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên là các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics hoặc bộ phận logistics của các doanh nghiệp đầu ngành ở các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ. Từ đó, sinh viên có thể so sánh và hiểu rõ cách vận hành một chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, sinh viên của chương trình còn có cơ hội tham gia vào chương trình trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học Ngoại thương với các trường đại học đối tác ở nước ngoài.
PGS,TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương và ông Lê Duy Hiệp – chủ tịch VLA thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với sự chứng kiến của các đại diện hai bên
Mới đây nhất, vào ngày 17/04/2018, Nhà trường cũng đã tổ chức Lễ ký kết thoả thuận hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) để ưu tiên cho sinh viên thực tập và tuyển dụng với các doanh nghiệp lớn có uy tín trong ngành. Tham dự tại Lễ ký kết: Về phía trường Đại học Ngoại thương có PGS,TS Bùi Anh Tuấn, Bí Thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường, cùng đoàn công tác cơ sở Hà Nội, Ban Giám đốc Cơ sở II; Về phía Hiệp Hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) có Ông Lê Duy Hiệp – chủ tịch Hiệp hội cùng các doanh nghiệp trong Hội, phóng viên các cơ quan báo chí và đông đảo viên chức, sinh viên Cơ sở II và phụ huynh.
Lễ ký kết đã thể hiện một phần tâm huyết của lãnh đạo Nhà trường, trong việc không ngừng mang những kiến thức và kỹ năng thực tiễn vào chương trình đào tạo, mang lại tối đa hoá lợi ích cho sinh viên, nhà trường và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam.
Bình luận