3 điểm nghẽn chính

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018-2023”.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây, là nội dung phức tạp liên quan đến tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nhưng với sự vào cuộc, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học

Về dự thảo Nghị quyết, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kỹ lưỡng, cách thức thể hiện cần ngắn gọn, khái quát nhưng vẫn truyền tải đầy đủ các nội dung, yêu cầu; đối với các giải pháp nêu tại Nghị quyết cần rõ ràng, khả thi

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của ĐVSNCL còn chưa đầy đủ, kịp thời; quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của ĐVSNCL còn phân tán; việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu còn mang tính cơ học…

Để khắc phục 3 điểm nghẽn cơ bản hiện nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp sát thực, đủ mạnh, hữu hiệu để thực hiện hiệu quả việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trong thời gian tới; khắc phục triệt để những vướng mắc đã được chỉ ra trong quá trình giám sát. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế; đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ; không để xảy ra tình trạng sắp xếp cơ học; thống nhất và đồng bộ đối với vấn đề tự chủ; cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến việc thành lập đơn vị sự nghiệp ngoài công lập…

Để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, dự thảo Nghị quyết, các đại biểu lưu ý, Đoàn Giám sát cần tập trung làm rõ, phân tích nguyên nhân của một số vướng mắc, hạn chế. Trong đó, có nội dung liên quan đến: Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp (1,42%). Việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế đối với tất cả các ĐVSNCL còn cào bằng, chưa thực sự phù hợp, đặc biệt đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo… Tỷ lệ ĐVSNCL đạt mức tự chủ từ mức 2 trở lên còn hạn chế, tiến độ chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW; mức độ tự chủ chưa cao, không đồng đều trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, chỉ tập trung ở một số lĩnh vực sự nghiệp kinh tế dễ thu lợi nhuận và tập trung ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển… Vẫn còn tình trạng phân tán, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các tổ chức khoa học và công nghệ gặp nhiều khó khăn…

Có ý kiến đề nghị, bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng để đảm bảo đầy đủ hơn; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ chức công lập, từ đó quyết định chính sách cho phù hợp...

Ngoài ra, một số ý kiến cũng kiến nghị, Đoàn Giám sát cần nghiên cứu bổ sung nội dung về quan điểm, định hướng lớn trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức, sắp xếp lại các ĐVSNCL, trong đó làm rõ các quan điểm tại các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng; quan tâm tới vấn đề về xác định lĩnh vực, địa bàn ưu tiên thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công như: giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, môi trường, địa bàn vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để quy định chính sách phù hợp về mức độ sắp xếp và các yêu cầu; tránh cào bằng, bình quân; thực hiện theo nguyên tắc "những lĩnh vực địa bàn có khả năng xã hội hóa cao, thì yêu cầu cao hơn về mức độ thực hiện sắp xếp, tinh giản hoặc mức độ tự chủ kinh phí"...

Cũng tại phiên họp, với 100% thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết tán thành, UBTVQH đã thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về nguyên tắc và giao Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giúp Đoàn giám sát tiếp thu, hoàn chỉnh văn bản Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội xem xét, ký ban hành và gửi tới các Đại biểu Quốc hội theo đúng thời gian như kế hoạch.

Đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rất rộng và khó

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rất rộng và khó, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước và trách nhiệm của các bộ, ngành ở Trung ương và 63 địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát đã bám sát Kế hoạch giám sát chi tiết để triển khai các hoạt động; phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức công việc bài bản, khoa học để hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ đề ra đúng tiến độ, đến nay cơ bản đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất về nhận định, đánh giá và các nội dung nêu trong Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, UBTVQH đề nghị cần phân tích rõ hơn nguyên nhân giai đoạn 2021-2023 giảm dần số lượng sắp xếp; ĐVSNCL thuộc trung ương còn nhiều; làm rõ hơn nhận thức về tự chủ; sự thống nhất đồng bộ trong thực hiện tự chủ; có hay không sự không nhất của các văn bản trong thực hiện tự chủ…

Về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm, UBTVQH nhận thấy, Báo cáo và dự thảo Nghị quyết đã chỉ rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan với nhiều số liệu, bảng biểu chi tiết minh chứng cho các nhận định, đánh giá; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trong thời gian tới.

Về giải pháp, kiến nghị, UBTVQH cơ bản nhất trí với 4 nhóm giải pháp về thể chế chính sách pháp luật từ nay đến năm 2030; nhất trí 8 nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện; 5 nhóm giải pháp về nguồn lực, 4 kiến nghị với Quốc hội, UBTVQH…, trong tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả ĐVSNCL được nêu trong Báo cáo. Cùng với đó, đề nghị có giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công; phù hợp với lĩnh vực, địa bàn, nhất là sắp xếp ở cấp huyện; khắc phục việc sắp xếp cơ học; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận các chính sách của nhà nước về giá đất, giao đất, đấu thầu đất...; ban hành cơ chế đánh giá thực hiện tự chủ.

Liên quan tới dự thảo Nghị quyết, ông Phương yêu cầu, rà soát dự thảo đảm bảo cách thức thể hiện ngắn gọn; nội dung cần khái quát, nhưng vẫn thể hiện được đầy đủ nội dung, yêu cầu; các giải pháp đề ra phải bảo đảm rõ ràng, khả thi…/.