Căn cứ Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT, ngày 28/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ; Quyết định số 1272/QĐ-VCLPT, ngày 20/12/2021 của Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển về việc ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, Viện Chiến lược phát triển thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2024 chuyên ngành Kinh tế phát triển với các nội dung sau:

1. Mục tiêu đào tạo

Nhằm xây dựng đội ngũ những nhà khoa học có trình độ về lý thuyết và năng lực thực hành phù hợp, có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo và hướng dẫn nghiên cứu khoa học, khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề về kinh tế, xã hội.

2. Hình thức và thời gian đào tạo

- Hình thức đào tạo: Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời gian học tập, nghiên cứu tại Viện Chiến lược phát triển theo kế hoạch học tập, nghiên cứu đã được phê duyệt.

- Thời gian đào tạo: 04 năm (48 tháng).

3. Chỉ tiêu tuyển sinh

TT

Tên chuyên ngành đào tạo

Mã số

Chỉ tiêu

1

Kinh tế phát triển

9310105

06

4. Đối tượng và điều kiện dự tuyển

4.1. Yêu cầu chung đối với người dự tuyển

a) Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên với ngành đào tạo phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ;

b) Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Chiến lược phát triển;

c) Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ;

d) Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập toàn khóa.

4.2. Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ được minh chứng bằng một trong các văn bằng, chứng chỉ sau:

a) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài;

b) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

c) Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này còn hiệu lực tính đến ngày đăng kí dự tuyển hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

4.3. Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ tại Viện Chiến lược phát triển phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tiếng Anh trong học tập và nghiên cứu.

5. Đề cương nghiên cứu

Đề cương nghiên cứu phải phản ánh được trí tuệ, những điểm mạnh của người đăng ký dự tuyển, trình bày bằng văn phong khoa học, rõ ràng. Những nội dung chính của đề cương nghiên cứu gồm:

(1). Tên đề tài dự kiến nghiên cứu

- Lý do lựa chọn đề tài;

- Mục tiêu nghiên cứu;

- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu;

- Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu để thực hiện đề tài.

(2). Tổng quan các công trình khoa học (sách, bài báo….) đã công bố liên quan trực tiếp đến lĩnh vực được thí sinh dự định nghiên cứu.

(3). Cơ sở lý luận và thực tiễn về đề tài dự kiến nghiên cứu

(4). Mục tiêu và mong muốn đạt được khi đăng ký học nghiên cứu sinh; Lý do lựa chọn Viện Chiến lược phát triển là cơ sở đào tạo; Những dự định và kế hoạch để đạt được những mục tiêu mong muốn; Kinh nghiệm (về nghiên cứu, về thực tế, hoạt động xã hội và ngoại khóa khác); kiến thức, sự hiểu biết và những chuẩn bị của thí sinh trong vấn đề dự định nghiên cứu…

(5). Đề xuất người hướng dẫn (nếu có)

(6). Danh mục tài liệu tham khảo

6. Thư giới thiệu đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn và khả năng nghiên cứu

Thư giới thiệu đánh giá phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và khả năng thực hiện nghiên cứu của người dự tuyển của ít nhất 01 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực mà người dự tuyển dự định nghiên cứu.

Thư giới thiệu gồm các nội dung chính như: Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; Năng lực hoạt động chuyên môn; Phương pháp làm việc; Khả năng nghiên cứu; Khả năng làm việc theo nhóm; Điểm mạnh và yếu của người dự tuyển; Triển vọng phát triển về chuyên môn; Trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án…

7. Hình thức, cách tính điểm, thời gian tuyển sinh và nhập học

7.1. Hình thức tuyển sinh: xét tuyển

7.2. Cách tính điểm và xác định người trúng tuyển

- Cách tính điểm: Dựa vào nội dung đề cương nghiên cứu và phần trả lời phỏng vấn của thí sinh trước Hội đồng xét duyệt đề cương nghiên cứu, tổng điểm: 100 điểm.

- Xác định người trúng tuyển: tính theo thứ tự điểm đề cương từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu và đạt từ 50 điểm trở lên.

7.3 Thời gian xét tuyển: Tháng 8 năm 2024.

7.4. Thời gian nhập học: Tháng 9 năm 2024.

8. Hồ sơ đăng ký dự tuyển và lệ phí

8.1. Hồ sơ dự tuyển

(1). Đơn xin dự tuyển

(2). Lý lịch khoa học

(3). Bản công chứng văn bằng, chứng chỉ.

- Bằng và bảng điểm tốt nghiệp đại học;

- Bằng và bảng điểm tốt nghiệp thạc sĩ;

- Bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ.

Các văn bằng và bảng điểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được dịch thuật và công chứng tiếng Việt, nộp kèm theo văn bản công nhận của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

(4). Các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu (các công trình nghiên cứu khoa học thuộc danh mục tạp chí được tính điểm ngành kinh tế (ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-HĐGSNN ngày 05/7/2023 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2023)); xếp theo thứ tự thời gian xuất hiện nếu có từ 02 công trình trở lên (photo trang bìa, mục lục và bài viết của thí sinh đăng trên tạp chí).

(5). Đề cương nghiên cứu của thí sinh.

(6). Thư giới thiệu đánh giá phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của ít nhất 01 nhà khoa học.

(7). Công văn cử đi dự tuyển của cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định hiện hành về việc đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức (nếu người dự tuyển là công chức, viên chức).

(8). Bản cam kết thực hiện nghĩa vụ học tập, nghiên cứu và chế độ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định.

Các tài liệu yêu cầu của hồ sơ xếp theo thứ tự và đóng thành tập, ghi rõ thông tin thí sinh dự tuyển.

8.2. Số lượng hồ sơ

Hồ sơ dự tuyển gồm 01 bộ photo công chứng và 05 bộ photo.

8.3. Lệ phí nộp hồ sơ và xét tuyển: 1.900.000 đồng/thí sinh.

Cơ sở đào tạo không hoàn trả lại hồ sơ và lệ phí sau khi nộp.

9. Thời gian nhận hồ sơ: Từ khi thông báo đến 16 giờ 00 ngày 08/8/2024.

10. Cách thức nộp hồ sơ dự tuyển

Thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng 512, Nhà 7 tầng, 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội (Điện thoại liên hệ: 024.38431848).