Sự kiện thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới và sự quan tâm của hàng nghìn nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, giới doanh nhân trên toàn cầu khi VinGroup đồng thời tổ chức Lễ trao Giải VinFuture và Tuần lễ khoa học VinFuture tại Việt Nam.

Việt Nam trân trọng, tôn quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Lễ trao giải VinFuture
Quỹ VinFuture ra mắt vào 20/12/2020 do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập với mục tiêu tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm trị giá 4,5 triệu USD cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra những thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.

Phát biểu khai mạc Lễ trao giải VinFuture, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, 2 năm qua, trong thời khắc khó khăn của dịch bệnh, nhân loại đã đặt niềm tin, hi vọng vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa phòng chống dịch Covid-19. Vaccine được ví như lá chắn thép của nhân loại để qua dịch bệnh. Cả thế giới đã biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học thực hiện sứ mệnh của mình. "Chúng ta có mặt ở đây an toàn, bình yên, cũng nhờ các nhà khoa học, nhờ vaccine", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ về Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam coi phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nhằm phát triển kinh tế xã hội, phát triển nhanh bền vững. Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế chính sách, thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo, đưa khoa học công nghệ thành mục tiêu, động lực quan trọng để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, trong đó mỗi người dân là chủ thể, thụ hưởng thành quả của đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

"Hôm nay, chúng ta tôn vinh các giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh các nhà khoa học với khát vọng cống hiến cho loài người. Việt Nam trân trọng, tôn quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính đóng góp sự phát triển nhanh, bền vững", Thủ tướng nói.

Sứ mệnh của giải VinFuture là cổ vũ, tôn vinh các nhà khoa học với các công trình nghiên cứu xuất sắc, với tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai. "Tôi vui mừng khi mùa giải đầu tiên, giải đã ghi nhận sự tham gia từ 70 quốc gia, với 600 dự án tranh giải, trong đó có gần 100 dự án từ 2% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, hơn 1/3 ứng viên là nhà khoa học nữ, nhiều trong số đó đạt được nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới. Đây là tín hiệu tích cực của một giải thưởng lớn và uy tín". Giải thưởng đưa truyền thống yêu chuộng hoà bình, nhân ái của Việt Nam được toả sáng, xây dựng đất nước, phát triển, lan toả giá trị tốt đẹp.

Thủ tướng cũng hoan nghênh, đánh giá tập đoàn Vingroup đã nỗ lực xây dựng quỹ phi lợi nhuận, tôn vinh giá tri khoa học công nghệ trên toàn cầu. "Đây là cuộc hội tụ của trí tuệ, khát vọng cống hiến, tình hữu nghị, đoàn kết hợp tác, kết nối, giá trị nhân văn tốt đẹp cho nhân loại", Thủ tướng khẳng định.

3 nhà khoa học nghiên cứu vaccine mRNA nhận Giải thưởng 3 triệu USD

Việt Nam trân trọng, tôn quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng trị giá 3 triệu USD cho ba nhà khoa học gồm Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Rutter Cullis

Ba nhà khoa học gồm Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Rutter Cullis với công nghệ vaccine mRNA cứu sống hàng triệu người nhận giải thưởng lớn nhất của VinFuture, trị giá 3 triệu USD.

Hàng tỷ người trên thế giới đã được thụ hưởng thành quả của nghiên cứu này, được bảo vệ an toàn và nền kinh tế của hàng loạt quốc gia nhờ đó không chìm sâu trong khủng hoảng. Hai thành tố chính tạo nên vaccine MRNA là lõi mRNA biến đổi và vỏ bọc nano lipid hiệu quả để ổn định và tăng hoạt tính của mRNA.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng cho ba nhà khoa học. Bà Katalin Kariko cảm ơn các nhà sáng lập VinFuture và hội đồng giải thưởng. Bà đánh giá đây là điểm sáng về mặt khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Ông Drew Weissman cho rằng, công nghệ mới mở ra những vaccine mới cho nhiều bệnh tật khác nhau, đồng thời khởi đầu cho sự hợp tác giữa nhiều quốc gia. "Tôi không phải người nhận giải thưởng này mà hàng nghìn nhà khoa học đi trước và đi sau tôi sẽ tiếp bước những nghiên cứu này, tạo ra nhiều phương pháp chữa bệnh mới", ông nói.

Ông Pieter gửi lời cảm ơn đến người đã cộng tác với ông suốt nhiều năm, những nghiên cứu cơ bản sẽ thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo, quyết định hướng đi của nghiên cứu về sau. Ông muốn chia sẻ câu chuyện vì sao có vaccine Covid-19 và khẳng định đây là điều có thể làm được.

Vợ chồng nhà khoa học từ Nam Phi sáng tạo ra thuốc kháng virus HIV nhận Giải Đặc biệt dành cho các nước đang phát triển

Việt Nam trân trọng, tôn quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính
Vợ chồng nhà khoa học từ Nam Phi, bà Salim Abdool Karim và ông Quarraisha Abdool Karim nhận giải đặc biệt

Giải thưởng cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trao cho hai vợ chồng nhà khoa học từ Nam Phi, bà Salim Abdool Karim và ông Quarraisha Abdool Karim, với phát minh gel có chứa dược chất tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. Thử nghiệm lâm sàng đã mang lại kết quả đột phá. Thuốc kháng virus có chứa dược chất như gel tenofovir giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Nghiên cứu này đã mang lại bằng chứng đầu tiên cho phương pháp mới trong việc ngăn ngừa HIV, dự phòng trước phơi nhiễm.

Chia sẻ cảm nhận khi nhận giải thưởng, ông Quarraisha Abdool Karim cho biết, đây không chỉ là giải thưởng cho hai vợ chồng ông, mà là tia sáng cho hi vọng của các nhà khoa học từ các nước đang phát triển, đang làm việc miệt mài tạo nên điều khác biệt cho thế giới.

Bà Salim Abdool Karim gửi lời cảm ơn Hội đồng giải thưởng khi đã ghi nhận cam kết, cố gắng của hai nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, cùng 260 thành viên từ 5 châu lục, hàng nghìn tình nguyện viên đã thực hiện nghiên cứu trong suốt 3 thập niên vừa qua.

Giáo sư Zhenan Bao phát triển da điện tử tự lành nhận Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ

Việt Nam trân trọng, tôn quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính

Giáo sư Mỹ gốc Trung Quốc Zhenan Bao nhận giải đặc biệt vinh danh nhà khoa học nữ

Với nghiên cứu "Sự phát triển của thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt được ứng dụng trong các ứng dụng bề mặt sinh học và cảm biến", Giáo sư Zhenan Bao nhận giải thưởng đầu tiên dành cho phát minh mới.

Nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc đã cùng các cộng sự phát triển da điện tử tự lành, siêu co giãn và có thể cảm nhận như da thật. Da điện tử được phát triển từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao, có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành như da thật, đồng thời có cảm biến nhiệt độ, có cảm giác đau, cũng có khả năng phân huỷ sinh học và thân thiện với môi trường. Phát minh mở ra cơ hội cho hàng triệu người được phục hồi chức năng hiệu quả.

Giáo sư chia sẻ rất vinh dự khi nhận giải dành cho các nhà khoa học nữ. "Trong suốt quá trình học thuật, tôi đã nỗ lực với các phát kiến khoa học để góp phần cho cuộc sống thay đổi theo hướng tích cực hơn", bà nói.

Với giải thưởng này, giáo sư gửi lời cảm ơn đặc biệt tới các sinh viên và khẳng định Giải thưởng này dành cho tất cả chúng ta. Bà mong muốn xã hội hãy đặc biệt quan tâm và hỗ trợ thêm các nhà khoa học nữ. “Cảm ơn giải thưởng VinFuture đã thúc đẩy nghiên cứu của các nhà khoa học", giáo sư Zhenan Bao nói.

Nhà khoa học Omar M.Yaghi nghiên cứu về vật liệu khung cơ kim nhận Giải Đặc biệt về lĩnh vực mới

Việt Nam trân trọng, tôn quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính

Nhà khoa học Omar M.Yaghi nhận giải Đặc biệt về lĩnh vực mới

Giải đặc biệt đầu tiên dành cho nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực mới được trao cho Giáo sư Omar M.Yaghi - nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan. Công trình nghiên cứu của ông mang đến câu trả lời cho câu hỏi về nước và những tiến bộ về khoa học vật liệu liệu có thể đạt được gì. Nước có thể tạo ra từ không khí có thể tách CO2 từ không khí và từ đó tạo ra nhiên liêu đốt.

Trong khoa học hiện đại, vật liệu mới với tính năng cao và đa năng trở thành trọng tâm nghiên cứu khoa học. Đây cũng là thước đo tiến bộ khoa học kỹ thuật và sức mạnh tổng hợp của thế giới. Công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ kim (Metal-Organic Frameworks hay MOFs) là nhóm vật liệu mới được làm từ kim loại và các hợp chất hữu cơ, mang lại bước tiến mới trong cuộc cách mạng trong hóa học, viên chất rắn xốp và các ứng dụng của chúng. Các nguyên liệu này có rất nhiều ứng dụng tiềm năng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi khí phát thải carbon, lọc nước, lọc không khí công tác và cảm biến.

Trong khi thế giới đang ngày càng khan hiếm nước sạch và ô nhiễm môi trường, MOFs khi đưa vào ứng dụng thực tế có thể hấp thu, loại bỏ CO2 ngay tại ống khói của các nhà máy điện nhằm giảm khí thải ra môi trường. MOFs còn có thể thu hoạch nước từ không khí, từ đó, cung cấp nguồn nước sạch mới cho con người. Có thể nói, MOFs là công nghệ của tương lai và là chìa khóa mở ra một hướng mới cho sự phát triển của nhân loại.

Giáo sư Omar M.Yaghi ghi nhận, VinFuture là một ý tưởng tuyệt vời với thông điệp mạnh mẽ, thể hiện tầm nhìn hào phóng của người sáng lập và Việt Nam. Ông chia sẻ bản thân xuất thân từ gia đình người tị nạn, nên cơ hội thành công rất ít ỏi. Cách vượt qua không chỉ chăm chỉ mà còn biết nói không với người nói rằng, ý tưởng của chúng ta không ổn. Biết quan sát xung quanh dù cơ hội rất nhỏ cũng vẫn có thể thành công.

Cứ tiếp tục chặng đường của mình và hãy giữ những giấc mơ…

Việt Nam trân trọng, tôn quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính
Giáo sư Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture

Với vai trò là Chủ tịch, tôi rất vui khi được làm việc cùng các cộng sự trong Hội đồng giải thưởng. Chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để liên hệ với chủ nhân các đề cử. Đặc biệt, các đề cử đã vượt xa mức đề cử của nhiều giải thưởng danh tiếng khác.

Chúng tôi đã có chặng đường tuyệt vời làm việc cùng nhau, tất cả qua online kết nối. Điều hạnh phúc là những chủ nhân của các giải thưởng VinFuture đều rất tuyệt. Câu chuyện và nỗ lực của họ đã thay đổi thế giới.

Các bệnh truyền nhiễm là mối đe doạ với toàn cầu, nhưng chúng ta có vaccine rất nhanh là điều trước đây chưa từng có, hay biến đổi khí toàn cầu đòi hỏi các quốc gia cùng chung tay để giảm phát thải carbon vào năm 2050. Các sự kiện gần đây đã củng cố tầm quan trọng của khoa học. Rõ ràng, đích đến của chúng ta không phải những dự định, chúng ta hãy nuôi dưỡng trí tò mò, cứ tiếp tục chặng đường của mình, giữ những giấc mơ và luôn luôn đam mê sáng tạo. Mặc dù thế giới phải đối mặt với các thách thức toàn cầu, nhưng chúng ta có nhiều cơ sở để lạc quan.