Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp bền vững
Nhiều điểm sáng trong phát triển KCN gắn với thu hút đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc”, do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, sau 27 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, với những chủ trương, chính sách đúng, phù hợp thực tiễn, nên Tỉnh đã tích cực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, bài học kinh nghiệm về thành công của tỉnh Vĩnh Phúc được nhiều nhiệm kỳ tổng kết, đánh giá đó là luôn kiên định chủ trương lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước và cho sự phát triển chung của Tỉnh; trong đó việc phát triển các KCN là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa chủ trương trên.
Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc” |
Từ chỗ sản xuất công nghiệp còn thô sơ, không có khu KCN, với nhiều nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương, đến nay trên địa bàn Tỉnh đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích là 3.146 ha. Thu hút đầu tư nhiều năm liên tiếp trở thành “điểm sáng” của cả nước. Đến nay, trong các KCN trên địa bàn Tỉnh có 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 376 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD thuộc 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động và góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 368 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và Quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả vùng; trung tâm công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội… Như vậy, trong thời kỳ tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp của cả nước, của Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội nghị |
Báo cáo cụ thể về tình hình hoạt động của các KCN trên địa bàn tỉnh, ông Hà Đình Nhã, Trưởng Ban Quản lý KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn Vĩnh Phúc có 17 KCN đã được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96 ha, trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động (Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II-giai đoạn 1, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa – khu vực II – giai đoạn 1, Thăng Long Vĩnh Phúc); 3 KCN đang triển khai xây dựng (Sơn Lôi, Tam Dương I- khu vực 2, Sông Lô I; Và 5 KCN chưa được giao đất, chưa triển khai xây dựng (Bình Xuyên II-giai đoạn 2, Nam Bình Xuyên, Phúc Yên, Sông Lô I, Đồng Sóc).
Tính đến hết tháng 8/2024, trong các KCN đã thu hút được 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm: 117 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư 37.784,64 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.742,89 triệu USD). Trong đó, có 413 dự án đang hoạt động (334 dự án FDI và 79 dự án DDI), chiếm 83,8% tổng số dự án đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy KCN là 44,62% (tính theo đất được giao là: 70,62%). Các dự án đầu tư FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với ngành nghề sản xuất chủ yếu là linh kiện điện tử, chiếm 50,4%; lắp ráp ô tô, xe máy chiếm 12,8%... Vốn thực hiện các dự án đạt từ 60%- 65%, các KCN giải quyết việc làm cho trên 142.400 lao động.
Vẫn còn hạn chế, vướng mắc
Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc triển khai các KCN trên địa bàn Tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc tồn tại. Cụ thể, đó là những tồn tại, vướng mắc thực thi pháp luật liên quan đến KCN như tính pháp lý về quy định khung đối với KCN chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KCN mới dừng lại ở cấp Nghị định, thường có sự xung đột, thiếu thống nhất khi các nghị định của pháp luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Mô hình phát triển KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao… chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó, đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, việc triển khai các khu tái định cư, di chuyển mồ mả gặp nhiều khó khăn. Nguồn đất san nền cho các dự án KCN trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn. Xác định giá đất cho các KCN chậm được thực hiện. Chất lượng quy hoạch xây dựng còn hạn chế. Năng lực và hiệu lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư của các cơ quan trong Tỉnh chưa cao. Công tác phối hợp giữa các sở ban, ngành, chủ đầu tư hạ tầng KCN với chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế.
Năng lực, kinh nghiệm của một số chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn còn hạn chế; một số KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng; việc duy tu bảo dưỡng, chăm sóc, vận hành KCN chưa được quan tâm đúng mức.
Đối với vấn đề thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong những năm gần đây thu hút được ít dự án có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao (các nhà đầu tư chiến lược), lợi thế cạnh tranh của Tỉnh có xu hướng giảm sút, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có của Vĩnh Phúc. Ngoài ra, các ngành công nghiệp mũi nhọn của Tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, xe máy, vật liệu xây dựng… có xu hướng giảm dần lợi thế cạnh tranh. Các dự án DDI chủ yếu là dự án có quy mô nhỏ và vừa. Một số chủ đầu tư có năng lực hạn chế, “vốn mỏng” dẫn đến dự án chậm tiến độ, kinh doanh không hiệu quả; năng lực tài chính, trình độ quản lý, công nghệ, sức cạnh tranh hạn chế.
Việc kết nối trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp trong nước trên địa bàn Tỉnh tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI không nhiều. Ngoài ra, giá thuê đất bình quân trên địa bàn Tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung một số tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Việc phát triển các khu nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN chậm được triển khai là một trong những yếu tố sẽ làm giảm sức cạnh tranh về lao động và môi trường đầu tư.
“Do vậy, chúng ta cần nhận định, đánh giá những kết quả đạt được, xác định rõ các khó khăn, thách thức để tìm ra những giải pháp giải quyết các tồn tại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cản trở tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, khơi thông điểm nghẽn, góp phần phát triển bền vững KCN trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Xu hướng tất yếu phát triển KCN sinh thái theo hướng bền vững
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay các KCN phát triển theo hướng bền vững đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư FDI với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Do đó, nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN đã xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, bảo đảm an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại Hội nghị |
Theo ông Trung, các nhân tố tác động mạnh tới Việt Nam được xác định bao gồm: Xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững); tái sắp xếp chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, hình thành chuỗi cung ứng mới; sự gia tăng cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư; thiết kế chính sách riêng để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ có giá trị gia tăng lớn (điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hydrogen xanh, phương tiện điện...); Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực.
“Đây chính là những cơ hội, và là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu, mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh”, ông Trung nhấn mạnh.
Đồng bộ các giải pháp phát triển KCN theo định hướng bền vững tại Vĩnh Phúc
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện tốt quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 7 giải pháp định hướng phát triển bền vững đối với các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới, bao gồm:
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình từ các KCN truyền thống sang phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN chuyên ngành đã xác định Quy hoạch tỉnh.
Thứ hai, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, startup được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...
Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên.
Thứ tư, phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.
Thứ năm, phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; bảo đảm bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, bảo đảm cho việc phát triển bền vững các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại ban quản lý KCN, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN.
Thứ bảy, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN tại địa phương thông qua: (i) Cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, khu dịch vụ logistic); (ii) Tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến góp ý |
Tại Hội nghị, nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; nghiên cứu, có chính sách mang tính dài hạn, ổn định trong hỗ trợ phát triển KCN. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số trong giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, cấp phép xây dựng, nghiệm thu xây dựng, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy..
Theo ý kiến các chuyên gia, bài học kinh nghiệm để đầu tư KCN có hiệu quả là phải thu hút được các chủ hạ tầng có năng lực, có kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong thu hút đầu tư; đồng thời phải tháo gỡ một số vấn đề liên quan đến vấn đề giá thuê đất và phát triển các tiện ích đồng bộ trong KCN. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, có chủ đầu tư hạ tầng phải nâng giá thuê đất đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh của Tỉnh nói chung và giảm tính cạnh tranh trực tiếp của KCN. Để kinh doanh có lãi, các chủ đầu tư hạ tầng đã cho thuê với giá khoảng 130-150 USD/m2, có dự án trên 170 USD/m2, giá thuê nhà xưởng trong KCN bình quân khoảng 4-5 USD/m2/tháng, cao hơn mặt bằng chung một số Tỉnh, nên đã có những nhà đầu tư chuyển đầu tư sang tỉnh khác, nước khác.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư hạ tầng KCN không chỉ đơn thuần là kinh doanh bất động sản KCN mà phải thực hiện tốt chiến lược marketing, thu hút đầu tư và phải có khả năng cung cấp các dịch vụ đồng bộ đi kèm về môi trường, về viễn thông, cây xanh, xử lý nước thải, hạ tầng xã hội (nhà ở xã hội, thậm trí bệnh viện, trường học, khu dịch vụ,), đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư thứ cấp cũng như nhu cầu của đội ngũ chuyên gia, người lao động..
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải đáp, làm rõ các ý kiến, kiến nghị của nhà đầu tư về đất đai, nhất là việc xác định giá đất, đất đắp nền, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm cụ thể cho Ban Quản lý các KCN Tỉnh và các sở, ngành liên quan kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, khẩn trương lập quy hoạch xây dựng KCN theo quy định tại Nghị định số 35 của Chính phủ; yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các doanh nghiệp trong KCN chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam; tập trung nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng bảo đảm đồng bộ, hiện đại chất lượng cao, bảo vệ môi trường. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; quan tâm chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm giá thuê đất KCN, giá thuê nhà xưởng hợp lý. Hướng tới mục tiêu phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh. “Với phương châm các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp giàu, Vĩnh Phúc phát triển. Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại tỉnh", ông Trần Duy Đông khẳng định./.
Bình luận