Từ khóa: nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới

Summary

With the purpose of improving people's lives both materially and spiritually, the new-style rural construction program always receives high attention from the Party and State. Building sustainable new-style rural areas is not only an urgent requirement, but also a driving force to promote the process of industrialization and modernization of agriculture and rural areas associated with building new-style rural areas in our country today. The article summarizes the current situation of new-style rural construction in our country in recent times and proposes some solutions in the coming time.

Keywords: agriculture, farmers, rural areas, new-style rural construction

GIỚI THIỆU

Xây dựng NTM là một trong những chương trình hành động lớn nhằm cụ thể hóa chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông thôn, nông nghiệp, nông dân, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn. Với những kết quả đạt được trong những năm qua, xây dựng NTM đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM vẫn chưa thực sự đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

THỰC TRẠNG XÂY DỰNG NTM Ở VIỆT NAM THỜI GIAN QUA

Kết quả đạt được

Từ năm 2001, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm xây dựng NTM ở 18 xã và được tiếp tục triển khai ở 17 thôn vào năm 2004. Ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tiếp tục “Xây dựng thí điểm mô hình NTM” tại 11 xã đại diện cho 9 vùng sinh thái trong cả nước. Đây là nghị quyết đặt nền tảng quan trọng đối với xây dựng phong trào NTM, giúp các vùng nông thôn của cả nước giảm nghèo bền vững và cũng là nghị quyết chuyên đề đầu tiên đề ra các giải pháp đồng độ, toàn diện về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010. Hiện nay, Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai, nhưng với những yêu cầu mới cao hơn, hướng đến phát triển nông thôn bền vững. Theo đó, ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định để được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thì phải hoàn thành 19/19 tiêu chí và 75/75 chỉ tiêu.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến tháng 6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM, trong đó có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 04 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt; có 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 340 xã so với cuối năm 2022); 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 19 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Vùng có số xã đạt chuẩn NTM cao nhất hiện nay là vùng Đồng bằng sông Hồng, với 1.733/1.733 xã (đạt 100%) và thấp nhất hiện nay là vùng Tây Nguyên, với 346/590 xã (đạt 58,6%).

Bên cạnh đó, có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM (đạt 40% số huyện cả nước); có 9.852 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, với 5.069 chủ thể tham gia. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ sản phẩm OCOP cao nhất cả nước (chiếm 31,36%), vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4% (BT, 2023). Đây là kết quả tất yếu của quá trình chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là kết quả của phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng NTM”.

Về thu nhập bình quân đầu người, mức thu nhập ở khu vực nông thôn tăng nhanh hơn mức tăng của khu vực thành thành thị và mức tăng chung của cả nước. Theo Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng khu vực nông thôn năm 2022 đạt 3,86 triệu đồng/tháng, tăng gấp 2,45 lần so với 1,57 triệu đồng (năm 2012). Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn giảm dần, năm 2012, thu nhập của khu vực thành thị là 2,98 triệu đồng, gấp 1,9 lần khu vực nông thôn; đến năm 2022 giảm xuống còn 1,5 lần (thu nhập khu vực thành thị đạt 5,94 triệu đồng, khu vực nông thôn đạt 3,86 triệu đồng) (Hình 1). Mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập có xu hướng giảm dần, nhưng thu nhập bình quân đầu người/tháng ở khu vực nông thôn vẫn không thay đổi đáng kể so với thành thị.

Hình 1: Thu nhập bình quân của người dân chia theo thành thị, nông thôn từ năm 2012-2022

Đơn vị: Nghìn đồng

Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Việt Nam hiện nay
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo Báo cáo tình hình lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 62,7% năm 2001, xuống còn 48,7% năm 2010 và 27,6% năm 2022, tương ứng với số lượng lao động giảm từ 24,469 triệu năm 2001 xuống còn 14,1 triệu lao động năm 2022.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Văn phòng điều phối NTM Trung ương (2022), tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh ở khu vực nông thôn, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 17,4% xuống còn 7,5% (năm 2016) theo chuẩn nghèo đa chiều. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều cả nước ước tính 4,4%, trong đó khu vực thành thị là 1,0%, giảm 0,1% và khu vực nông thôn là 6,5%, giảm 0,6% so với năm 2020. Đời sống văn hóa, trình độ của người dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn cơ bản bản vững mạnh, an ninh nông thôn được bảo đảm.

Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được nâng lên đáng kể. Tính đến tháng 6/2023, cả nước có 7.715 xã (94,4%) đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo (tăng 0,5% năm 2020); 7.115 xã (87%) đạt tiêu chí về y tế (giảm 6,6% so với cuối năm 2020) (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2023). Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư và vận hành; cảnh quan khu vực nông thôn được cải tạo, nâng cấp có mô hình tốt trong xây dựng môi trường… Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở chăn nuôi, khu cụm công nghiệp và làng nghề được tăng cường kiểm tra, quản lý.

Hình 2 cho thấy, trong tổng nguồn lực huy động cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020, thì nguồn vốn tín dụng chiếm đa số chiếm 59,3% (tương đương 1.760.807.242 tỷ đồng) chủ yếu là dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc. Vốn ngân sách trung ương tuy chỉ chiếm 2,7% (tương đương 79.555.600 tỷ đồng), nhưng đóng vai trò là “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,3% (tương đương 246.745.823 tỷ đồng), chủ yếu là do người dân tự nguyện đóng góp (góp tiền, hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng...) để xây dựng NTM trên địa bàn. Điều này thể hiện sự đồng tình ủng hộ và nhiệt tình tham gia của người dân đối với chương trình xây dựng NTM.

Hình 2: Cơ cấu huy động nguồn lực xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020

Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Việt Nam hiện nay
Nguồn: Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Văn phòng điều phối NTM Trung ương (2022)

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2023), giai đoạn 2021-2023 (tính đến đến tháng 6/2023), tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình khoảng 1.752.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã , tổ chức kinh tế khoảng 4,0%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.

Nông nghiệp ngày càng trở thành khu vực hấp dẫn thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2021, cả nước có 1.640 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên 14.400 doanh nghiệp (Hoàng Hùng và Sơn Tuấn, 2022). Những năm gần đây, số lượng các tập đoàn, công ty đa quốc gia quan tâm, đầu tư vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp ngày càng gia tăng. Một số công ty đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Nestle (Thụy Sĩ), Archer (Hoa Kỳ), Pepsico (Hoa Kỳ), Cargill (Hoa Kỳ), De Heus (Hà Lan), C.P (Thái Lan), New Hope (Trung Quốc), Bayer (Đức), Sumitomo (Nhật Bản), Ceva (Pháp)…

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2022, có 980 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp hiện có lên gần 21.000 hợp tác xã, trong đó có khoảng 2.200 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá tốt đạt 60% (năm 2013 chỉ đạt 10%) (Ánh Tuyết, 2023). Hoạt động của các hợp tác xã ngày càng hiệu quả gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao đã ra đời, như: mô hình NTM gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi liên kết (Hà Nam, Lâm Đồng); mô hình NTM gắn với du lịch sinh thái (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; Hoa Lư, Ninh Bình; Phong Điền, Cần Thơ); phong trào mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh bắt đầu phát huy hiệu quả, là kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập và nhân rộng mô hình… Nhiều địa phương đã tìm tòi và hình thành những mô hình NTM mang tính đặc trưng riêng, như: mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu (Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hậu Giang); mô hình “Làng đô thị xanh” gắn với xây dựng NTM với đô thị hóa của Đà Lạt…

Những vấn đề đặt ra

Một là, khoảng cách về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch khá lớn. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Văn phòng điều phối NTM Trung ương (2022), điển hình như vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 100%, Đông Nam Bộ đạt 91,4%, trong khi miền núi phía Bắc mới đạt 47,7%, Tây Nguyên đạt 58,6%. Tính đến nay, cả nước còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh[1] “trắng xã NTM”.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới hạn chế này là do, các tiêu chí về xây dựng NTM mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các vùng, miền và có yêu cầu ngày càng cao hơn, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, do vậy, khi triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Điều này cũng cho thấy, NTM là mục tiêu lâu dài và thách thức lớn, đòi hòi toàn Đảng, toàn dân phải đồng sức, đồng lòng, chủ động sáng tạo để tìm ra con đường và cách thức hiệu quả nhất đi tới mục tiêu NTM bền vững.

Hai là, sản xuất nông nghiệp mặc dù đã có sự chuyển biến, nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người nông dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Nhiều địa phương xác định sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng chưa quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn.

Ba là, các vấn đề về môi trường ở nông thôn như ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm chất thải rắn và biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng gia tăng và trực tiếp tác động tiêu cực đến các mục tiêu xây dựng NTM. Tại một số địa phương, nhất là địa phương có làng nghề thì mức độ ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Khác với ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị và công nghiệp, ô nhiễm môi trường nông thôn rất khó khoanh vùng để xử lý. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn tập trung tại nhiều địa phương còn thấp, trong khi tốc độ và khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn cũng chiếm tỷ lệ tương đồng với khu vực đô thị.

Bốn là, nông dân là chủ thể của chiến lược xây dựng NTM, tuy nhiên, ở một số địa phương, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn chưa thực sự được phát huy hiệu quả, do vậy, chưa khơi dậy được tinh thần tự nguyện và nguồn lực của nhân dân trong xây dựng NTM. Hiện nay, nhiều cộng đồng dân cư chủ yếu tham gia đối ứng bằng ngày công lao động, đất đai, đóng góp tiền và tài sản. Mức độ tham gia ý kiến của người dân trong việc thể hiện nhu cầu, lựa chọn công trình phù hợp với khả năng nguồn lực nội tại chưa được phát huy.

Năm là, chất lượng của lao động nông - lâm nghiệp và thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2,21% đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao (Huy Lân, 2023).

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Xây dựng NTM được xác định là chương trình “không có điểm dừng”, tập trung vào nền tảng bền vững, hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò của các chủ thể, có cách tiếp cận hợp lý để “không có ai bị bỏ lại phía sau”. Do đó, để đạt mục tiêu xây dựng NTM bền vững, tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, theo chúng tôi, cần chú ý một số giải pháp sau:

Thứ nhất, mỗi chỉ tiêu cần được lượng hóa một cách khác biệt cho từng vùng, miền, địa phương, sát với thực tiễn, tránh quá sức với nhiều địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, tạo điều kiện cho địa phương chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM, mà vẫn bảo đảm khung khổ chất lượng cần thiết của quy định về chuẩn NTM. Đây là cơ sở để phân bổ nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho phù hợp, bảo đảm thiết thực, công bằng đối với các vùng khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM giữa các vùng, miền.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa; chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị quy mô lớn gắn với thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phát triển hiệu quả, bền vững, đủ sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh; phát triển các hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hệ thống tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc nông sản; xây dựng cổng thông tin chia sẻ dữ liệu nông nghiệp trên nền tảng công nghệ số.

Thứ ba, tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn bền vững, xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân và bộ mặt nông thôn, do đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giám sát của cộng đồng, các cơ quan thông tin đại chúng, tạo dư luận xã hội lên án và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lãng phí tài nguyên. Nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi để các tầng lớp nhân dân thấy rõ được trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường nói riêng và công cuộc xây dựng NTM nói chung.

Thứ tư, người dân là chủ thể và là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích từ công cuộc xây dựng NTM. Do đó, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, bám sát phương châm “người dân dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp”; tạo điều kiện để người dân hiểu rõ mục đích, nội dung, ý nghĩa, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM.

Thứ năm, tạo việc làm cho lao động nông thôn luôn gắn chặt với đào tạo nghề nhằm hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế và việc làm cho khu vực nông thôn với phương châm “ly nông bất ly hương”. Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hỗ trợ đào tạo nghề bằng các biện pháp, như: điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm tại chỗ và ngoài khu vực nông thôn./.

TS. Võ Hữu Phước, ThS. Nguyễn Thị Tuyết Hằng

Học viện Chính trị khu vực II

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 28, tháng 10/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Ánh Tuyết (2023), Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, truy cập từ https://nhandan.vn/phat-trien-ben-vung-nong-nghiep-nong-thon-post756846.html.

2. Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Văn phòng điều phối NTM Trung ương (2022), Bộ tài liệu khung phục vụ tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng NTM các cấp giai đoạn 2021-2025.

3. BT (2023), Cả nước có 73,24% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, truy cập từ https://dangcongsan.vn/kinh-te/ca-nuoc-co-73-24-so-xa-dat-chuan-nong-thon-moi-639466.html.

4. Hoàng Hùng và Sơn Tuấn (2022), Để nông nghiệp hấp dẫn doanh nghiệp, truy cập từ https://nhandan.vn/de-nong-nghiep-hap-dan-doanh-nghiep-post689483.html.

5. Huy Lân (2023), Ngành nông nghiệp thiếu lao động chất lượng cao, truy cập từ https://nld.com.vn/cong-doan/nganh-nong-nghiep-thieu-lao-dong-chat-luong-cao-20230805194147037.htm.

6. Tổng cục Thống kê (2023), Khảo sát mức sống dân cư năm 2022.

7. Tổng cục Thống kê (2010-2022), Tình hình lao động, việc làm các năm 2010 đến năm 2022.

8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2023). Báo cáo kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, ngày 13/9/2023.


[1] Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Kạn, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, Kon Tum