Tác động tích cực đến thị trường

Thời gian qua, đặc biệt là năm 2012, Chương trình bình ổn thị trường có nhiều thay đổi, nhiều đổi mới, càng ngày sâu rộng, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hơn.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, năm 2012 có 45/63 địa phương triển khai Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường giá cả, tăng 9 địa phương so với năm 2011 với sự tham gia của khoảng 300 doanh nghiệp.

Hình thức triển khai Chương trình ngày càng đa dạng, phương thức thực hiện ngày càng được cải tiến nhằm đem lại hiệu quả cao hơn. Năm 2011 chỉ có 6.400 điểm thì năm 2012, 8.000 điểm. Ngoài điểm bán đó, hình thức đến được cả bếp ăn tập thể, khu chế xuất, đến được nhiều vùng sâu vùng xa. Các mặt hàng tham gia nhiều hơn. Trước kia, chỉ có một số mặt hàng thiết yếu về thực phẩm nhưng hiện nay không chỉ có các mặt hàng về thực phẩm mà còn có cả mặt hàng về vật tư cho sản xuất như mặt hàng phân bón.

Ông Quyền cũng chia sẻ: Trong tháng 1/2013, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, mặt hàng trứng gia cầm của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty Emivest liên tục tăng giá, gây bất ổn thị trường, Bộ Công Thương cùng cá địa phương (Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội) đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất tập trung, tăng cường lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối bình ổn thị trường...Các hệ thống phân phối trứng gia cầm của thành phố như Saigon Coop, Satra, Vissan, Citimarrt, Maximark..đã không nhận phân phối trứng của CP, Emivest và sẵn sàng không nhận chiết khấu, chia sẻ lợi nhuận với các nhà cung ứng trứng gia cầm khác. Với sự kiên định của các doanh nghiệp phân phối, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, giá trứng cung ứng của các công ty CP, Emivest đã giảm, thị trường trứng gia cầm đã nhanh chóng ổn định trở lại.

Như vậy, chương trình có ý nghĩa lớn trong việc dẫn dắt thị trường, là một trong những công cụ để các địa phương chủ động trong công tác điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, hạn chế hành vi găm hàng, tăng giá tùy tiện, góp phần giảm áp lực tăng giá trong các dịp cao điểm.

Ngoài ra chương trình đã khẳng định được sức lan tỏa, tác động tích cực đối với thị trường, giá bán của Chương trình đã trở thành mức giá tham chiếu cho doanh nghiệp ngoài chương trình tham khảo, định giá bán sản phẩm của mình.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường không chỉ giúp điều tiết, kiềm chế tốc độ tăng giá những mặt hàng thiết yếu, mà còn giúp định hướng giá cả thị trường.

Ông Thắng cho hay, ngay tại những thời điểm sốt giá mà nguyên nhân chính là do đầu cơ, do tâm lý mua hàng… thì vai trò của chương trình bình ổn thị trường là đào ra định hướng giúp kéo giá hàng hóa giảm trở lại. “Mục tiêu của chương trình dự trữ hàng hóa không phải dùng doanh thu để áp đảo thị trưởng mà hướng tới việc điều tiết giá”, ông Thắng nói.

Điểm bán hàng bình ổn phân bố không đều

Bên cạnh những mặt đạt được thì Chương trình vẫn còn một số hạn chế như hàng hóa được thực hiện bình ổn mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường. Diện mặt hàng bình ổn còn hạn hẹp. Điểm bán hàng bình ổn giá phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, trong khi tại các khu vực nông thôn, chợ truyền thống còn tương đối mỏng do tâm lý một số tiểu thương ngán ngại bán hàng bình ổn thị trường vì lợi nhuận và chiết khấu thấp, khi có biến động thường vi phạm quy định Chương trình.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai bày tỏ, nguồn hàng chưa được các đơn vị khai thác hết, mặt hàng chưa phong phú nên hiệu quả kinh doanh chưa đạt theo yêu cầu. Một số đơn vị lo ngại bán theo giá bình ổn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của mình, một số điểm bán sức mua mặt hàng bình ổn rất thấp. Bên cạnh đó là tâm lý ngại báo cáo, ngại tiếp xúc với thủ tục vay vốn, giải ngân nên không tham gia.

Trước những khó khăn đó, ông Nguyễn Hữu Thắng- Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Thương mại Hà Nội- đề xuất, với biến động giá thị trường như vậy, cần có chương trình đầu tư dài hơi về quy hoạch, bảo quản hàng hóa, dự trữ nguồn hàng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình bình ổn thị trường, giá cả là cần thiết, tuy nhiên cần tập trung theo hướng phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa thông qua tăng cường kết nối giữa các chủ thể tham gia nhằm tạo lập nguồn cung bền vững cho thị trường. Các mô hình triển khai hiệu quả chương trình của các địa phương và các doanh nghiệp phải tiếp tục được phát huy, nhân rộng.

“Công tác xã hội hóa chương trình cần được đẩy mạnh, có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia chương trình. Song song với việc triển khai chương trình ngày một hiệu quả hơn, công tác thông tin tuyên truyền cần đặc biệt chú trọng”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh./.