Để thông tin rõ ràng hơn bạn đọc, phóng viên Tạp chí điện tử Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

PV: Tình trạng phân bón giả đang có diễn biến phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy: Ngày 18/06/2014 vừa qua, tại Hà Nội, chúng tôi có phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Trung ương Hội Nông dân tổ chức Hội thảo quốc gia thực hiện Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và chủ trì hội nghị.

Hội thảo cũng đã thảo luận rất sôi nổi về tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả, nhái nhãn mác đến nay vẫn chưa được giải quyết tốt và số vụ vi phạm ngày càng gia tăng. Nếu năm 2008, cả nước có gần 100 công ty và tổ hợp sản xuất phân bón kém chất lượng bán ra trên 31 tỉnh, thành thì đến năm 2013, qua kiểm tra 4.689 vụ, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện tới 1.483 vụ vi phạm, tăng 31% so với năm 2012.

Chỉ tính riêng quý I/2014, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phát hiện, xử lý 88 vụ vi phạm, chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón quá hạn sử dụng, không thuộc danh mục được phép kinh doanh hoặc nhập lậu. Các vụ vi phạm tập trung nhiều ở khu vực Nam Bộ, như: An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre… chiếm tới 84,1% vụ vi phạm kém chất lượng và 80% vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước.

Một thực trạng đáng lo ngại cũng được chỉ ra, đó là trong các loại hàng hóa làm giả như thuốc tây, thuốc lá, bánh kẹo, hàng điện tử… thì phân bón dễ làm giả nhất; tỷ lệ phân bón kém chất lượng chiếm tới 60%. Nhiều cơ sở sử dụng “công nghệ” làm phân bón bằng cuốc xẻng, máy trộn bê tông; có nơi còn lấy đất pha bột gạch, bột đá trộn làm phân bón.

Có thể nhận định rằng, thời gian qua nạn phân bón giả xuất hiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất, lưu thông đến xuất - nhập khẩu.

PV: Phân bón giả vẫn ngang nhiên được bày bán, nghĩa là nó vẫn có “đất sống”? Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy: Thứ nhất là do, thông tư hướng dẫn cho Nghị định 202/NĐ-CP, ngày 27/11/2013 được ban hành rất chậm. Vì thế, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở giữa nghị định cũ và nghị định mới để trục lợi.

Thứ hai là do lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương còn rất mỏng, chưa kiện toàn được, chưa theo kịp được trào lưu thị trường phân bón giả.

Hơn nữa, có một bộ phận không nhỏ các cơ quan chức năng còn tiếp tay cho các đối tượng gian thương. Có trường hợp, khi quản lý thị trường bắt phân giả, kém chất lượng, lấy mẫu đi kiểm tra. Tuy nhiên, bộ phận thực hiện lại đổi mẫu khác vào, khiến kết quả kiểm định là vẫn tốt. Móc ngoặc là ở chỗ này và đang phổ biến. Ở một số địa phương, cán bộ còn móc ngoặc, thỏa hiệp, đồng lõa để ăn chia lợi nhuận với gian thương. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì nghị định phân bón ra đời có ý nghĩa gì.

Thứ ba, gian thương còn dựa vào Hội Nông dân địa phương, làm hợp đồng tín chấp; mở hội thảo ở quán cà phê... mời nông dân đến, chào hàng một đằng, bán một nẻo.

Hiện, một số lớn đại lý phân bón ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên trong cửa hàng còn có máy trộn bê tông để chế biến phân bón. Ở khu vực biên giới phía Bắc, phân bón nhập từ Trung Quốc (DAP, Ure, Kali...) đa phần là kém chất lượng. Sau đó, những đối tượng lừa đảo lấy bao bì của Đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc, Ninh Bình... đóng gói, rồi bán cho nông dân. Những đại lý này lấy phân bón có thương hiệu, trộn với phân bón giả, đóng bao như hàng “xịn” để lừa nông dân. Việc này, đánh vào tâm lý, nông dân tìm đến đại lý mua, bao giờ cũng tin cậy hơn ở cửa hàng nhỏ lẻ. Nông dân chọn phân bón thương hiệu lớn mua, chứ làm sao biết được chất lượng thế nào. Trong chuyện này, chỉ có bà con nông dân chịu thiệt”.

Thứ tư, hệ thống kinh doanh hiện nay có quá nhiều cầu cấp. Đây chính là cái nôi cho hệ thống phân bón giả. Trước đây do phân bón không phải là mặt hàng có điều kiện nên có quá nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất phân bón, với hơn 10.000 loại khác nhau, dẫn tới khó kiểm soát chất lượng.

Thứ năm, chế tài xử phạt vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón thời gian qua còn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hiện phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện, có giấy chứng nhận hoặc giấy phép. Do vậy, nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn có thể tham gia. thời gian qua chúng ta làm chưa quyết liệt, mới giải quyết vấn đề tình thế. Hơn nữa, thời gian qua, chúng ta làm chưa quyết liệt, mới giải quyết vấn đề tình thế.

PV: Tác hại của phân bón giả là rất lớn, không chỉ đối với mùa màng, đời sống người nông dân, mà còn với môi trường nông nghiệp. Vậy, xin ông cho biết, giải pháp hữu hiệu đối với tình trạng này là gì?

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy: Một là, cần phải có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng trong việc quản lý nhà nước do 5 bộ quản lý là: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Công an.

Hai là, phải làm nghiêm thì đối tượng vi phạm mới sợ. Lực lượng quản lý thị trường cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh phân bón trên địa bàn, áp dụng nghiêm khắc các chế tài xử phạt chứ không được nhân nhượng.

Ba là, chế tài phải đủ mạnh để răn đe. Công tác quản lý phân bón cần thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 202; kiên quyết xử lý các đối tượng sản xuất, vận chuyển, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Các cán bộ, hội viên nông dân cũng cần phản ứng, lên án quyết liệt hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Việc đưa thêm điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón là cần thiết. Đồng thời, phải kiên quyết rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với những cơ sở, doanh nghiệp vi phạm.

Trong Hội thảo tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ đạo rõ, phân bón giả được phát hiện ở địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, không thể có chuyện doanh nghiệp làm ăn phi pháp mà lãnh đạo nơi đó không biết gì./.

PV: Xin cảm ơn ông rất nhiều!