Tại Tọa đàm về nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn do Hội đồng Anh, Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực HRDC và Viện Quản lý Việt Nam tổ chức vào ngày 10/07/2015, bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến hết tháng 06/2015, cả nước có 700.000 người làm việc trực tiếp và hơn 1,5 triệu người làm việc gián tiếp trong ngành du lịch. Dự kiến, đến cuối năm 2015, ngành du lịch cần số lượng lao động gián tiếp tăng hơn gấp đôi, lao động trực tiếp cũng tăng lên đến 620.000 lượt mới có thể phục vụ được 7-7,5 triệu lượt khách quốc tế và khoảng hơn 36 triệu lượt khách nội địa dự kiến sẽ đi du lịch vào thời điểm đó.

Cũng theo bà Điệp, rất nhiều trong số này, đặc biệt là những người làm việc trực tiếp, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng cho tiến trình hội nhập, còn rất nhiều người chưa đủ kỹ năng về nghề nghiệp, ngoại ngữ để sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh với những người lao động có kỹ năng trong khối.

Chỉ nói đến kỹ năng ngoại ngữ, vốn rất cần thiết cho người làm du lịch, thì chỉ có 60% trong số người làm việc trực tiếp nói được tiếng nước ngoài. Trong số này, có 42% nói được tiếng Anh - ngôn ngữ phổ biến trong làm việc, tiếp xúc với du khách - nhưng chỉ có 15% nói tiếng Anh lưu loát.

Để tạo thuận lợi cho lao động ngành du lịch làm việc xuyên ASEAN, họ sẽ được luân chuyển giữa các nước theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN, được các bộ trưởng du lịch ký kết từ năm 2009 và thực hiện vào năm 2015. Thỏa thuận này cho phép, từ năm 2015, người làm du lịch có chuyên môn, nghiệp vụ được Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch (VTCB) của 01 trong 10 nước ASEAN chứng nhận sẽ được các nước khác thừa nhận tay nghề và tự do tìm việc làm ở các quốc gia thành viên.

Hiện nay, ngành du lịch ASEAN đã xây dựng tiêu chuẩn nghề chung cho 6 nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề. Giáo trình đào tạo nghề chung cũng đã được xây dựng. Một số nước, như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đã công bố cơ quan quốc gia cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cho người lao động.

“Dự kiến, đến tháng 05/2015, thỏa thuận này sẽ được thực hiện. Khi đó, người lao động sẽ có cơ hội tốt hơn để tìm việc làm. Các nước cũng sẽ có một trang web chung về nhu cầu lao động cụ thể tại từng nước để những người phù hợp nộp đơn ứng cử”, vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Tuy các nước trong khu vực đã có những bước chuẩn bị khá chu đáo cho việc hội nhập, nhưng nguồn lao động du lịch tại Việt Nam lại chưa có được sự chuẩn bị kỹ càng để tham gia. Hơn nữa, đây cũng sẽ là một thách thức đối với du lịch nước nhà bởi, du lịch Việt Nam có thể sẽ mất những lao động tốt do các công ty khác trong khu vực thu hút về và người lao động cũng có thể mất việc làm nếu không nâng cao nghiệp vụ để cạnh tranh với lao động trong khối.

Trả lời trên Thời báo Kinh tế Sài gòn, ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng, bản thân từng doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong việc đào tạo nhân lực chuẩn bị cho quá trình hội nhập.

"Như công ty chúng tôi, mỗi năm đòi hỏi doanh thu phải tăng khoảng 10%. Muốn đạt được con số này thì phải xây thêm khách sạn, phải đầu tư và phải có nhân lực tốt để vận hành những cơ sở này nhằm tạo ra lợi nhuận. Bởi vậy, đầu tư cho nhân lực là rất quan trọng và bắt buộc phải chuẩn hóa nhân lực", ông Việt nói.

Ngoài ra, một vấn đề đáng lưu ý là, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức đã học và thực tế cho sinh viên. /.