Cao Bằng thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Từ khóa: du lịch, ngành công nghiệp không khói, ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Cao Bằng
Summary
In recent years, tourism has gradually contributed significantly to promoting the economic restructuring of Cao Bang province, while creating jobs, improving income and living standards for people in the province. Documents of the 19th Cao Bang Provincial Party Congress, term 2020-2025, have determined tourism development as a breakthrough orientation. The article analyzes the current status of the development of the "smokeless industry" in Cao Bang province, and on that basis proposes solutions to promote tourism to become a key economic sector of this locality.
Keywords: tourism, smokeless industry, key economic sector, Cao Bang province
GIỚI THIỆU
Phát triển du lịch là định hướng chiến lược quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Ở nước ta hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã thành công trong đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Là tỉnh miền núi biên giới của Tổ quốc, với nhiều thắng cảnh nổi tiếng, di sản văn hóa phong phú…, Cao Bằng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, “ngành công nghiệp không khói” của Tỉnh hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Do đó, cần triển khai các giải pháp để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh trong thời gian tới.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA CAO BẰNG
Những kết quả tích cực đạt được
Cao Bằng là điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và nhiều di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là Công viên địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu thứ 5 của Đông Nam Á. Có thể nói, Cao Bằng có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 3 nội dung đột phá chiến lược, trong đó đột phá thứ nhất là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: "Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc". Để triển khai có hiệu quả chủ trương này, trong thời gian vừa qua, Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phát triển du lịch, như: Chương trình số 09-Ctr/TU, ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy Cao Bằng về xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trong đó có đầu tư, phát triển du lịch; Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND Tỉnh quy định về Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025; Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành Kế hoạch số 1247/KH-TBDLDV, ngày 25/5/2023 về thực hiện một số nội dung về phát triển du lịch bền vững năm 2023; xây dựng Đề án Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Ngoài ra, Tỉnh còn liên kết phát triển du lịch ở phạm vi trong nước và quốc tế, như: liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh khu vực Đông Bắc và TP. Hồ Chí Minh; liên kết với 6 tỉnh Việt Bắc; Chương trình phối hợp giữa Công viên địa chất non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)...
Đến quý I/2023, tỉnh Cao Bằng đã khai thác tuyến du lịch khám phá trải nghiệm động Ngườm Ngao nhánh Bản Thuôn. Tỉnh còn hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác 3 tuyến du lịch địa chất trong vùng Công viên địa chất non nước Cao Bằng theo sự tư vấn của chuyên gia UNESCO, gồm: Tuyến số 1 - Tuyến Du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); Tuyến số 2 - Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng); Tuyến số 3 - Tuyến Du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” (gồm các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang). Tỉnh đang xây dựng tuyến thứ 4 (TP. Cao Bằng - huyện Thạch An - Quảng Hòa) và tuyến thứ 5 kết nối giữa Công viên địa chất non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Bên cạnh việc khai thác các tuyến du lịch, Cao Bằng còn chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới. Toàn Tỉnh hiện có 7 điểm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng đang được khai thác và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, như: (1) Làng rèn Pắc Rằng (người Nùng An); (2) Làng hương Phja Thắp (người Nùng An); (3) Làng du lịch cộng đồng Hoài Khao (người Dao tiền); (4) Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon (người Lô Lô); (5) Làng đá cổ Khuổi Ky (người Tày); (6) Làng du lịch cộng đồng Bản Giuồng (người Tày); (7) Làng du lịch cộng đồng Lũng Niếc (người Tày). Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng đang khai thác có hiệu quả Tuyến phố đi bộ Kim Đồng (phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng) được khai trương vào tháng 10/2019. Tuyến phố này đã trở thành điểm nhấn về văn hóa - du lịch của TP. Cao Bằng, thu hút đông đảo khách du lịch khi đặt chân lên miền non nước Cao Bằng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, 2023).
Cùng với nhiều tài nguyên du lịch khác, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa được xác định là một trong những yếu tố quan trọng tạo cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch mang nhiều nét độc đáo, đặc trưng của Cao Bằng nhằm gia tăng thu hút du khách. Tỉnh rất chú trọng bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Tính đến năm 2023, toàn Tỉnh có 215 di tích lịch sử văn hóa. Trong tổng số 95 di tích được xếp hạng, có 3 di tích quốc gia đặc biệt; 26 di tích xếp hạng quốc gia. Theo kết quả kiểm kê số lượng di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại trên địa bàn Cao Bằng, hiện có khoảng 2.000 di sản, trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, 2023).
Hát Then Cao Bằng |
Với sự nỗ lực của toàn ngành du lịch tỉnh Cao Bằng, kể từ đầu năm 2022, khi dịch Covid -19 dần được kiểm soát đến nay, “ngành công nghiệp không khói” của Tỉnh có dấu hiệu khởi sắc, nhất là sau khi du lịch Việt Nam chính thức mở cửa trở lại (từ ngày 15/3/2022). Các chỉ tiêu về du lịch năm 2022 của tỉnh Cao Bằng đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng lượt khách du lịch đạt trên 1,1 triệu lượt, tăng 165% so với năm 2021; trong đó, khách du lịch nội địa chiếm 98,5% tổng lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 622 tỷ đồng, lần lượt tăng 762,3% và 29,3% so với năm 2021 và năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch quốc tế ước đạt 14.100 lượt, bằng 941,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14,1% kế hoạch năm; khách du lịch nội địa ước đạt 918.270 lượt, bằng 224,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 76,5% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 642 tỷ đồng, bằng 380% so với cùng kỳ năm trước, đạt 71,3% kế hoạch năm. Tổng lượt khách tăng bình quân 28%/năm trong giai đoạn 2021-2023. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2023 đạt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt 900 tỷ đồng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, 2023).
Một số khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, ngành du lịch của Tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Cao Bằng là địa phương miền núi biên giới; kinh tế còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn kém phát triển; nguồn lực đầu tư cho du lịch còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng.
Phần lớn các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn Tỉnh hoạt động với quy mô nhỏ, kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Tỉnh chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược triển khai thực hiện các dự án du lịch quy mô lớn trên địa bàn, để tạo động lực cho phát triển du lịch nhanh, bền vững.
Cao Bằng cũng chưa xây dựng và ban hành được các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.
Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chỉ đạo chưa quyết liệt, nên hiệu quả một số hoạt động còn chưa như mong đợi. Cũng còn hạn chế trong nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, người dân địa phương về phát triển du lịch, nhất là tại các vùng có tiềm năng, như: Trùng Khánh, Nguyên Bình…
Các sản phẩm gắn với hoạt động du lịch chưa phong phú, đa dạng và chưa thực sự khác biệt. Hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch thiếu chiến lược lâu dài và hiệu quả.
Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng lẫn năng lực. Đội ngũ cán bộ quản lý du lịch các cấp còn thiếu, đặc biệt là ở cơ sở hầu hết đều kiêm nhiệm, nên tham mưu chuyên môn chưa sâu và hiệu quả, công tác phối hợp chưa thường xuyên.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tác giả đề xuất thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cần tập trung thực hiện các nội dung mang tính đột phá về phát triển du lịch như sau:
Một là, tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu di tích quốc gia đặc biệt; các khu, điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh. Tập trung nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch. Trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, khai thác, phát huy hiệu quả các di tích, di sản, đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, hợp tác qua biên giới..., phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng như một trụ cột để phát triển du lịch bền vững.
Hai là, hướng tới xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh, là hình mẫu trong quan hệ hợp tác với nước bạn Trung Quốc.
Ba là, tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị của Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương, xây dựng thương hiệu du lịch của Tỉnh.
Bốn là, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch. Nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cho tỉnh Cao Bằng và khu vực miền núi phía Bắc; bổ sung chương trình đào tạo du lịch vào các cơ sở đào tạo của Tỉnh.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh chuyển đổi số; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, quảng bá về du lịch Cao Bằng trên báo chí và mạng xã hội./.
TS. Hà Huyền Nga
Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29, tháng 10/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng (2021), Nghị quyết số 78/2021/NQ -HĐND, ngày 10/12/2021 quy định về Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng (2023), Báo cáo số 96/BC-SVHTTDL, ngày 14/4/2023 về tình hình phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng theo yêu cầu của Thủ tướng chính phủ.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng (2023), Báo cáo số 117/BC-SVHTTDL, ngày 5/5/2023 về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và quý I năm 2023.
4. Tỉnh ủy Cao Bằng (2023), Báo cáo số 338-BC/TU, ngày 12/7/2023 sơ kết nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
5. Tỉnh ủy Cao Bằng (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bình luận