Theo Tổng cục Hải quan, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam sang EU đạt khoảng 4,083 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Da giày cũng là ngành được hưởng lợi thế lớn trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Khi EVFTA có hiệu lực (dự kiến vào cuối năm 2017 đầu năm 2018), ngành da giày sẽ được hưởng nhiều lợi thế khi được xóa ngay 40% dòng thuế tương đương với khoảng 42% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm da giày xuất sang thị trường EU.

Ngoài ra, EU cho phép các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, chỉ yêu cầu từ khâu giặt, may, lắp ráp, đóng gói là phải thực hiện tại Việt Nam. Đây sẽ là một thuận lợi cho ngành da giày trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn còn bị phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu..

Bên cạnh đó, một tín hiệu tốt đối với da giày vào EU đó là việc mới đây, EU thừa nhận “điều tra không phù hợp” khi áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam.

Cụ thể, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 04/02/2016, Toà án Tư pháp thuộc Liên minh Châu Âu (CJEU) đã ra thông báo quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bị vô hiệu một phần.

Trước đó, vào ngày 05/10/2006, Uỷ ban Châu Âu (EC) ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc là 16,5%, Việt Nam là 10%.

Năm 2010 và 2012, nhà nhập khẩu giày Clark của Anh Quốc và nhà nhập khẩu Puma của Cộng hòa liên bang Đức đã yêu cầu cơ quan hải quan của hai nước này hoàn lại tiền thuế chống bán phá trị giá đã áp dụng với sản phẩm này với lý do lệnh áp thuế chống bán phá giá không hợp lệ.

Tuy nhiên, yêu cầu này sau đó đã bị từ chối. Do đó, hai công ty Clark quyết định tiếp tục đưa vụ việc lên Toà án về Thuế của Anh Quốc và Toà Tài chính Munich của Cộng hòa liên bang Đức. Toà án của hai nước nói trên đã đề nghị Toà án Tư Pháp thuộc Liên minh Châu Âu tiến hành đánh giá tính hợp lệ của lệnh áp thuế.

Theo đó, ngày 04/02/2016, CJEU đã ban hành phán quyết cho rằng việc quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bị vô hiệu một phần do Uỷ ban Châu Âu đã tiến hành điều tra không phù hợp với quy định liên quan đến đối xử như nền kinh tế thị trường và đối xử riêng rẽ đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Trên thực tế, quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam đã được chấm dứt từ ngày 1/4/2011. Theo các số liệu công bố tại thời điểm đó, quyết định áp thuế chống bán phá giá trong hơn 4 năm đã khiến cho thị phần xuất khẩu da giày Việt Nam vào thị trường châu Âu bị sụt giảm từ 15% (năm 2005) xuống còn 10% (năm 2009).

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành da giày phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là khả năng tiếp cận thị trường.

Tại hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường EU và thực thi do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP) tổ chức vào cuối tháng 10/2015, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, tương tự như ngành dệt may, khi nhập khẩu vào thị trường EU, các sản phẩm da giày phải đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt đối với hàng tiêu dùng và các tiêu chuẩn riêng của ngành hàng liên quan đến tính an toàn, gắn nhãn sản phẩm, hóa chất...

Trong khi đó, điểm yếu của các doanh nghiệp hiện nay là còn thiếu thông tin và hiểu biết về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU.

Do vậy, giải pháp cho các doanh nghiệp là cần nhận thức đúng về việc phải tuân thủ yêu cầu của người mua, chủ động tìm hiểu luật pháp, tập quán thương mại, thị trường của nước nhập khẩu để đáp ứng yêu cầu người mua. Có đầu mối theo dõi các yêu cầu, rào cản kỹ thuật triển khai việc thực hiện các hệ thống quản lí liên quan tới chất lượng, hóa chất, môi trường và trách nhiệm xã hội...

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.vca.gov.vn/NewsDetail.aspx?ID=3174&CateID=275

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Tiep-can-thi-truong-diem-yeu-cua-xuat-khau-da-giay-vao-EU.aspx