Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội thảo “Định hướng phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020” do Bộ Công Thương tổ chức vào sáng nay (28/10/2016).

Hội thảo do Thứ trưởng Hồ thị Kim Thoa chủ trì

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, sau 5 năm triển khai Quyết định 1073/QĐ-TTg, ngày 10/07/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015, TMĐT Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng sang giai đoạn phát triển mạnh, từng bước định hình hạ tầng vững chắc và đạt được nhiều dấu mốc quan trọng.

Theo đó: có 100% doanh nghiệp lớn sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hơn 80% doanh nghiệp lớn đã có trang thông tin điện tử được cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các website TMĐT để mua bán hàng hóa và dịch vụ năm đạt khoảng 40%.

Tuy nhiên, bà Hồ Thị Kim Thoa cũng thông tin, hiện nay, tỷ trọng luân chuyển hàng hóa bán lẻ của Việt Nam thông qua TMĐT rất thấp, chỉ khoảng 2,8% trong khi ở các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang vào khoảng hơn 12%.

Thống kê của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin cũng cho thấy, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đạt 617 tỷ USD, Hàn Quốc 39 tỷ USD, Ấn Độ 14 tỷ USD, còn Việt Nam chỉ đạt 4,07 tỷ USD.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển TMĐT rất nhanh. Theo tính toán của các chuyên gia, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm đến 51,5% tỷ trọng TMĐT toàn cầu và Việt Nam cũng nằm trong “vòng quay” đó với tỷ lệ tăng trưởng 30%/năm.

Bà Lại Việt Anh nhấn mạnh: “Chúng ta đã làm rất nhiều việc, nhưng sắp tới vẫn phải làm nhiều việc hơn nữa để kịp với tốc độ phát triển TMĐT của khu vực chứ đừng nói là so với thế giới. Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng phát triển TMĐT xuyên biên giới hiện nay”.

“Vì vậy, để đạt được mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 có số dân tham gia mua sắm trực tuyến 30%, giá trị mua hàng trực tuyến đạt 350 USD/người/năm (giai đoạn 2010-2015 là 160 triệu USD), tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 5%, tỷ lệ doanh nghiệp sở hữu website đạt 50% thì ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động hơn và làm nhiều việc hơn nữa”, bà Lại Việt Anh nói.

Liên quan đến giải pháp mà các cơ quan chức năng sẽ thực hiện trong giai đoạn tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1563/QĐ-TTg, ngày 08/08/2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 trong đó đề cập đến 7 nhóm giải pháp: Phát triển hạ tầng, xây dựng hoàn thiện chính sách, phát triển ứng dụng sàn TMĐT để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ và đào tạo kĩ năng cho doanh nghiệp để tham gia vào sàn TMĐT hiệu quả, khai thác được công cụ này để phục vụ cho việc kinh doanh của mình…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Thoa cũng cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai trang web Tự hào hàng Việt (www.tuhaoviet.vn) với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp và được nhiều người biết đến. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ để phát triển thêm nhiều website tương tự để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng qua kênh TMĐT.