Sẵn sàng hạ tầng và nguồn cung nguyên liệu

Trước khi bắt buộc triển khai đồng loạt trên toàn quốc, từ tháng 12/2014, xăng sinh học E5 (được phối trộn từ 5% cồn sinh học ethanol và 95% xăng thông thường RON 92) đã được bán tại 7 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ.

Xăng sinh học E5 vẫn chưa được người tiêu dùng đón nhận tích cực

Dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trên Báo Công Thương, thời hạn cuối cùng từ đầu năm 2018 chuyển toàn bộ xăng RON 92 sang tiêu thụ xăng sinh học E5 đã cận kề, lượng xăng E5 cần có khoảng 5,4 triệu m3. Cùng với đó, nguồn cung nguyên liệu E100 để pha chế xăng E5 khoảng 250.000 - 270.000 tấn/năm.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, nguồn cung là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất được Bộ Công Thương quan tâm chuẩn bị. Hiện, Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất, trong đó hai nhà máy tại Đồng Nai và Quảng Nam của Công ty Tùng Lâm đang hoạt động với tổng công suất 200 nghìn m3 ethanol/năm (200 triệu lít/năm), đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 xăng sinh học E5/năm. Hai nhà máy còn lại là Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất và tích cực chuẩn bị để khởi động trở lại, dự kiến sớm nhất vào cuối năm 2017 sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 200 nghìn m3 xăng sinh học E5.

"Theo tôi, với công suất của các nhà máy nhiên liệu trong nước hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu xăng E5 khi thay thế xăng khoáng RON 92 thành xăng E5 từ ngày 1/1/2018. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cho phép các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu nhiên liệu sinh học E100 nhằm bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường, bảo vệ lợi ích của khách hàng", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Về cơ sở hạ tầng, hiện nay đã có 5 đầu mối kinh doanh xăng dầu có trạm trộn xăng E5 đều tập trung tại các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh; Công ty MTV - Tổng công ty Xăng dầu quân đội; Công ty Cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu có khả năng phối trộn, cung ứng thị trường trên 3 triệu m3 xăng sinh học.

Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 08/2017, Thành phố có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5 (tỷ lệ 45%), với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053 m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn.

Song, cả doanh nghiệp và người dân vẫn thờ ơ

Dẫn lời ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trên Báo Thanh niên, dù đang được bán song song với xăng khoáng, tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với xăng E5 khi tỷ lệ tiêu thụ trên thị trường mới chỉ chiếm 9% thị phần.

Dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) trên Báo Tiền phong cho rằng, sử dụng xăng khoáng không chỉ là thói quen mà còn là lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm truyền thống này từ nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa mặn mà với xăng sinh học do vẫn còn nghi ngại sử dụng xăng sinh học sẽ ảnh hưởng đến động cơ, máy móc trong khi mức giá bán xăng E5 và A92 không chênh lệch nhiều.

“Thay đổi thói quen sang sử dụng xăng E5 thực tế đang là thách thức. Trong điều kiện kinh tế thị trường, cần sử dụng biện pháp kinh tế để mức chênh lệch giữa giá bán lẻ xăng sinh học và xăng truyền thống phải đủ lớn, khi đó người tiêu dùng mới có phản ứng tích cực”, ông Hùng nói.

Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam Lưu Quang Thái cho rằng, mấu chốt nhất của việc xăng E5 không đi vào được cuộc sống là người dân và doanh nghiệp không thấy mức giá bán hấp dẫn.

Cụ thể: Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 chỉ thấp hơn RON 92 là 230 đồng/lít. Còn tỷ lệ chiết khấu mà doanh nghiệp được hưởng với xăng E5 từ 1.000 - 1.600 đồng/lít, cũng thấp hơn xăng khoáng 280 đồng/lít.

Điều này không thật sự hấp dẫn để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự giác chuyển đổi cũng như chưa khuyến khích sử dụng với người tiêu dùng.

Giải pháp nào trong thời gian tới?

Vì vậy, để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự giác chuyển đổi, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện nay doanh nghiệp phải đóng 10% đối với xăng khoáng và 8% đối với xăng E5)... để giảm giá bán xăng E5 xuống thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít; hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông, bảo quản xăng E5 nhằm giảm áp lực, khó khăn của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần khuyến khích, vận động các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý có chính sách hỗ trợ các đại lý, cửa hàng đăng ký phân phối xăng E5, tăng tỷ lệ chiết khấu hoa hồng từ 1.500 - 2.000 đồng/lít.

Tại Hội thảo Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10, ông Trần Phước Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi, kiến nghị: "Về chính sách hoa hồng, các đại lý bán lẻ xăng dầu khi tiếp nhận và phân phối xăng E5 - RON 92 nên được hưởng mức hoa hồng cao hơn 200 đồng/lít so với mức hoa hồng khi kinh doanh mặt hàng xăng truyền thống".

Đối với người tiêu dùng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của loại xăng này, từ đó, mới có thể thay đổi thói quen người tiêu dùng./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://thanhnien.vn/kinh-doanh/xang-e5-vi-sao-kho-ban-891240.html

http://baocongthuong.com.vn/su-dung-hoan-toan-xang-e5-san-sang-truoc-gio-g.html

https://www.tienphong.vn/kinh-te/vi-sao-xang-sinh-hoc-e5-kho-hut-nguoi-dung-1199072.tpo