Xuất siêu vẫn hoàn toàn thuộc về khu vực FDI

Theo số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm ước tính đạt 12 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng trước, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 19 tỷ USD, tăng 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 17,1%.

Về thị trường xuất khẩu, ước tính đến hết tháng 5, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với 10,8 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 5 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng tăng có sự đóng góp của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng phục vụ gia công lắp ráp hàng xuất khẩu và nhóm hàng nguyên, nhiên liệu dùng cho sản xuất.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc dẫn đầu với 16,1 tỷ USD, tăng 14,5% và là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức nhập siêu 5 tháng ước tính đạt 9,9 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; ASEAN đạt 9,2 tỷ USD, tăng 3,5%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 7,8%; Nhật Bản đạt 4,7 tỷ USD, tăng 3,3%; EU đạt 3,4 tỷ USD, giảm 13,9%; Hoa Kỳ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 18,6%.

Tính chung 5 tháng, xuất siêu 1,6 tỷ USD, bằng 2,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu khá cao với 6,9 tỷ USD; khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu với 5,3 tỷ. Như vậy, xuất siêu vẫn hoàn toàn thuộc về khu vực FDI trong 5 tháng đầu năm.

Xuất - nhập khẩu chưa có gì bất ổn

Trong tháng 5, căng thẳng trên biển Đông cũng như vụ việc phá hoại của một số kẻ quá khích khiến nhiều ý kiến lo ngại quan hệ giao thương, xuất-nhập khẩu đầu tư với Trung Quốc bị suy giảm, gây thiệt hại kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2014 rằng, chỉ số công nghiệp vẫn chuyển biến tốt so cùng kỳ năm trước, tăng 5,9%, mức này khá cao so cùng kỳ 2013 chỉ tăng 4,9%.

Hơn nữa, qua kiểm tra tại các địa phương có hoạt động giao thương với Trung Quốc, hoạt động xuất-nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường, kể cả hàng nông sản xuất khẩu. “Tình hình chưa có dấu hiệu gì bất ổn cần đáng quan tâm”, ông Hoàng khẳng định.

Đại biểu Quốc hội hiến kế không lệ thuộc kinh tế Trung Quốc

Song, thực tế cho thấy, Việt Nam đang lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc khi cán cân thương mại đang lệch về Trung Quốc (trung bình mỗi năm Việt Nam nhập siêu khoảng 40 tỷ USD).

Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia là đại biểu Quốc hội đã hiến kế về vấn đề này bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra với báo giới.

Theo Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình), vấn đề biển Đông có tác động rất lớn, trước mắt và lâu dài; ảnh hưởng trước hết đến kinh tế ở những mặt như xuất nhập khẩu hai chiều, liên kết liên doanh khai thác khoáng sản, làm công trình, trao đổi lao động, đào tạo...

Ông Kiêm đề xuất, phải có phương án thích hợp để khắc phục những tồn tại trước mắt giữa hai bên, nhưng quan trọng phải đảm bảo nền kinh tế của đất nước phát triển tự chủ, độc lập và đảm bảo quyền lợi kinh tế của đất nước, tăng cường năng lực nội sinh. Về phương án, ông lấy ví dụ, phải đẩy mạnh chế biến, cải tiến khâu phân phối khoáng sản, nông sản xuất thô… để gia tăng giá trị, giảm thiểu thiệt thòi cho người dân.

“Bản thân chúng ta phải tổng kết đất nước có gì thuận, không thuận, có gì vừa qua không có lợi… để điều chỉnh”. Cũng giống như một số chuyên gia, ông Kiêm tự tin khẳng định, giao thương ảnh hưởng thì sẽ thiệt hại cả 2 bên, không riêng gì Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu một số thiết bị của Trung Quốc, nhưng ngược lại, Trung Quốc cũng nhập của Việt Nam nguyên liệu. Hơn nữa, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng có lợi rất nhiều.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất, “trong tình hình hiện nay, kịch bản phải hết sức linh hoạt, nhiều tình huống, đặt nền kinh tế trong trạng thái động để có thể chuyển từ tình huống này sang tình huống khác.

Ông Ngân cũng nhấn mạnh đến việc, những ảnh hưởng gây ra từ biến động biển Đông đã khiến chi phí tăng (hỗ trợ doanh nghiệp FDI bị thiệt hại, hỗ trợ cảnh sát biển…), trong khi nguồn thu rất khó khăn, “nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm tối đa tất cả các khoản chi thì mới đảm bảo được ngân sách”, ông Ngân nói.

Trước tình hình đó, tất cả các bộ, ngành, cán bộ cần phải làm việc hết sức mình, làm tốt hơn nữa là thể hiện tinh thần yêu nước. Đồng thời, giải quyết ngay những bức xúc của cử tri, những khiếu nại hợp lý của dân, để đem lại lòng tin cho nhân dân.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, đây là dịp để Việt Nam thúc đẩy sản xuất trong nước, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy nội lực để tạo ra sức sản xuất tốt hơn.

“Một vấn đề lớn của nền kinh tế hiện nay là tổng cầu đang thấp, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. Để tháo gỡ khó khăn, không gì khác là thúc đẩy khối sản xuất và tạo niềm tin tiêu dùng cho người dân. Vì thế, vấn đề ổn định tư tưởng, ổn định niềm tin của nhân dân, người tiêu dùng là hết sức quan trọng”, ông Thăng nói./.