VN-Index tuột dốc sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý vì những lo ngại rằng dịch viêm phổi cấp do virus Corona

Đầu năm 2020, TTCK Việt Nam năm trong top 10 thị trường giảm mạnh nhất thế giới

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tính chung trong hai tuần cuối tháng 1 khi dịch lan rộng, mức giảm điểm của các thị trường chứng khoán châu Á khá mạnh, như Hong Kong giảm 9,4%, Hàn Quốc giảm 5,8%, Thái Lan 5,4%.

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020, chiều tối ngày 05/02/2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết, trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý ngày 30 và 31/1/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh, mất gần 45 điểm, tương đương 4,54%.

Đây là mức giảm điểm khá sâu do yếu tố ảnh hưởng sau kỳ nghỉ Tết dài thì giao dịch tương tự như các nước khác trong khu vực và cũng có thể phần nào có ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh trong những ngày đầu tiên.

“Mức giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương với nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện những ca nhiễm bệnh”, bà Mai cho hay.

Tuy vậy, bắt đầu từ tháng 2, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hẹp đà giảm. Tính chung 2 phiên đầu tháng 2, chỉ số VNIndex chỉ giảm có 0,8%, đứng ở mức 929 điểm.

Riêng ngày 4/2 là ngày sắc xanh đã quay trở lại tăng 0,95 điểm so với ngày hôm trước. Ngày 5/2, chứng khoán trong nước hồi phục tốt khi mở cửa phiên giao dịch, nhưng sau đó đảo chiều vì nhóm ngân hàng suy yếu. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua nhưng tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng. Điều này thể hiện qua việc thanh khoản giảm phiên thứ hai liên tiếp. Khối ngoại cũng duy trì trạng thái bán ròng hơn 170 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu trụ trong rổ VN30 như SAB, BID, VCB... ghì thị trường khá mạnh, cộng thêm nhóm cổ phiếu dược phẩm như DHG, TRA tiếp tục chịu áp lực bán tháo là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm 3,18 điểm, chốt phiên tại 925,9 điểm.

Có thể nói, đến thời điểm phiên giao dịch ngày 5/2, chỉ số Vn-Index đang dao động trong vùng 925 điểm, giảm 6,7% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi và nằm trong top 10 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới tính từ đầu năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2016, chứng khoán Việt Nam giảm trong tháng 1.

Nguyên nhân do… Corona

Phát biểu trên VnExpress, ngày 04/02/2020, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), đợt giảm điểm này bắt đầu từ trước đợt Tết âm lịch, nay bung ra sau khi dịch viêm phổi bùng phát, nó đã tạo nên tâm lý bất an cho các nhà đầu tư trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Ông Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán luôn là nơi phản ứng nhạy và mạnh nhất với diễn biến kinh tế - xã hội, tuy nhiên, các phản ứng gần đây có phần thái quá.

Dẫn chứng các sự kiện dịch bệnh tương tự như trước đây, khi xuất hiện dịch SARS, H5N1, ông Dũng cho hay, thị trường chứng khoán cũng biến động tức thì, song phục hồi ngay khi có quốc gia công bố khống chế được dịch. Thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh thường là khi các chỉ số chứng khoán phục hồi.

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020, chiều tối ngày 05/02/2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết, trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý ngày 30 và 31/1/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh, mất gần 45 điểm, tương đương 4,54%. Đây là mức giảm điểm khá sâu do yếu tố ảnh hưởng sau kỳ nghỉ Tết dài thì giao dịch tương tự như các nước khác trong khu vực và cũng có thể phần nào có ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh trong những ngày đầu tiên. Mức giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương với nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện những ca nhiễm bệnh.

Còn báo cáo mới đây nhất của Chứng khoán VNDirect cho rằng, nCoV là một sự kiện “thiên nga đen”, gây tác động mạnh trong ngắn hạn, nhưng khó có thể thay đổi cả một chu kỳ kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trải qua nhiều khó khăn khi đang ở cuối của 1 chu kỳ tăng trưởng cũng như tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung vẫn còn đó, một dịch bệnh quy mô toàn cầu đã làm tâm lý thị trường dễ bị tổn thương hơn.

Dự báo, TTCK còn giảm điểm trong ngắn hạn

Thực tế, bất chấp những biện pháp trấn an của giới chuyên gia cũng như các cơ quan chức năng, áp lực bán vẫn diễn ra mạnh mẽ trên toàn thị trường, bởi ít ai có thể giữ được tâm lý bình tĩnh trước diễn biến ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại của dịch bệnh.

Điều này được thể hiện qua việc đà giảm đã được thu hẹp nhưng mức độ đồng thuận quá thấp, độ rộng thị trường vẫn lệch hẳn về bên bán, lượng mã cổ phiếu giảm gấp nhiều lần lượng tăng

“Diễn biến của dịch viêm phổi vẫn còn khá phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát nên rủi ro giảm điểm còn trong ngắn hạn. Vn-Index sẽ tiếp tục chịu lực cản từ vùng kháng cự quanh 935 điểm, nhưng chúng tôi lưu ý rằng, sau hai phiên thử thách không thành công thì thị trường đối mặt nguy cơ giảm để kiểm định vùng 898-910 điểm", bộ phận phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nêu quan điểm.

Các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect cho rằng, chuỗi giá trị sản xuất hay tổng cầu trên thế giới khó có thể đảo chiều, và tin rằng, sản xuất và tiêu dùng toàn cầu sẽ hồi phục một khi dịch bệnh này được kiểm soát.

Theo các chuyên gia này, thì quy mô của dịch bệnh cũng như động thái mạnh tay của chính phủ các nước là chưa có tiền lệ khiến cho tác động thực tế của dịch bệnh này đối với nền kinh tế toàn cầu mang tính đa chiều và rất khó để định lượng chính xác. Do vậy thị trường chứng khoán có thể sẽ duy trì tâm lý e ngại cho đến khi có những bước tiến rõ ràng trong quá trình phòng – chống – kiểm soát dịch bệnh này.

Còn trong báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 01/2020, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thì tiến triển dịch virus corona rất đáng lo ngại và có thể tạo áp lực giảm điểm của VN-Index về các ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại 925 và 880 điểm.

“VN-Index dự báo chịu áp lực giảm điểm trong 1 -2 tuần đầu tháng 2 với cường độ giảm dần và sẽ tích lũy hồi phục vào cuối tháng 2. Vùng vận động giá VN-Index tháng 12 từ 880 điểm - 970 điểm”, các chuyên gia của BSC dự báo.

Còn các chuyên gia của BSC đưa ra 2 kịch bản tháng 2 như sau:

- VN-Index dần thoát ly khỏi xu hướng tiêu cực, tích lũy trên 925 điểm và có thể tăng dần trên 950 vào cuối tháng.

- Trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể đóng cửa dưới 900 điểm, nếu diễn biến dịch bệnh tiêu cực và áp lực tiếp tục thoái vốn từ khối ngoại.

Các nhà đầu tư cần điềm tĩnh, thận trọng trong quyết định bán

Theo các chuyên gia, dịch bệnh làm ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế của nước đó, gián tiếp ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Các việc cần làm, dựa trên lịch sử các đợt dịch bệnh và phản ứng của thị trường chứng khoán là hạ đòn bẩy với các nhà đầu tư đang nắm nhiều cổ phiếu, nhưng không bán hoảng loạn bằng mọi giá.

Bên cạnh đó, giảm tỷ trọng các cổ phiếu trong các ngành có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ dịch bệnh, nhất là với nhà đầu tư ngắn hạn. Cùng với đó, tììm cơ hội tăng tỷ trọng tại các ngành, cổ phiếu theo lịch sử là được hưởng lợi. Trong khi đó tiếp tục cập nhật thông tin về dịch bệnh và phản ứng của thị trường chứng khoán các quốc gia để có hành động hợp lý theo diễn biến chung.

“Dịch bệnh có thể chưa kết thúc ngay, nhưng khó khăn nào cũng có điểm dừng. Nhà đầu tư cần cân nhắc giữa việc giữ vị thế an toàn trong ngắn hạn (hạ tỷ trọng cổ phiếu) với việc duy trì trạng thái dài hạn đối với những doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này. Với những doanh nghiệp trong danh mục hoặc trong tầm ngắm, nhà đầu tư cần nhìn nhận đầy đủ về những yếu tố có thể ảnh hưởng như gián đoạn nguồn cung, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hay mức độ ảnh hưởng về thị trường đầu ra kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát trước khi ra quyết định giao dịch”, các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect khuyến cáo.

Chứng khoán VNDirect đề xuất, nhà đầu tư cần cân nhắc giữa việc giữ vị thế an toàn trong ngắn hạn (hạ tỷ trọng cổ phiếu) với việc duy trì trạng thái dài hạn đối với những doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này. Với những doanh nghiệp trong danh mục hoặc trong tầm ngắm, nhà đầu tư cần nhìn nhận đầy đủ về những yếu tố có thể ảnh hưởng như gián đoạn nguồn cung, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hay mức độ ảnh hưởng về thị trường đầu ra kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát trước khi ra quyết định giao dịch.

Phát biểu với báo giới, ông Trần Văn Dũng khẳng định, SSC đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó. Một số nước sử dụng hệ thống tự động ngắt mạch giao dịch khi giá chứng khoán giảm quá ngưỡng cho phép. Nhưng, Việt Nam chưa có chính sách này nên việc tạm ngưng giao dịch (nếu có) sẽ theo quyết định của cơ quan điều hành.

"Tôi chắc chắn kịch bản này không xảy ra vì tình hình chưa đến nỗi nào", ông Dũng nói và khuyên nhà đầu tư nhìn đa chiều, điềm tĩnh hơn với diễn biến thị trường.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết, trước tình hình chứng khoán giảm điểm của thị trường chứng khoán, thì Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Trong ngắn hạn, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, chủ động theo dõi diễn biến của thị trường quốc tế, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước hằng ngày, yêu cầu hai Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như Trung tâm Thông tin chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hằng ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn. Yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho báo chí để dư luận nắm bắt, hiểu đúng tình hình và không bị tác động về tâm lý.

Về giải pháp trung và dài hạn, thì Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021. Năm 2020, tập trung xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn để Luật Chứng khoán có hiệu lực, bao quát đầy đủ và khắc phục những nhược điểm đã tổng kết, đánh giá và đã được thông qua tại Luật Chứng khoán năm 2019.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Mai, năm 2020, Bộ Tài chính cũng tập trung đẩy mạnh, cơ cấu lại thị trường chứng khoán để phát triển hiệu quả hơn, năng động hơn theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư và giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững”, Thứ trưởng Mai nêu rõ./.