Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý "ngay và luôn" tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao

“Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, ngày 3/4/2012 của Chính phủ (Nghị định 24), trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.”, Thông báo số 160/TB-VPCP, ngày 11/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, do Văn phòng Chính phủ vừa ban hành nêu.

Chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc

Giá vàng do Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vào chiều nay (ngày 12/4) cho thấy, có sự chênh lệch cao so với mặt bằng giá thế giới

Chỉ đạo “nóng” trên của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh giá vàng trong nước tiếp tục chênh lệch cao so với mặt bằng giá vàng thế giới. Tại thời điểm 14h26 phút ngày 12/4, giá vàng do Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức mua vào – bán ra lần lượt là 82,8-84,8 triệu đồng/lượng, cao hơn mặt bằng giá thế giới khoảng 12-13 triệu đồng/lượng. Diễn biến vàng miếng SJC bán ra tiệm cận 85 triệu đồng/lượng là mốc giá cao kỷ lục.

Điều đó cho thấy, những giải pháp triển khai trên thực tế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang có sự chậm chễ trong phát huy hiệu quả, nhằm đạt mục tiêu xử lý chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới trong bối cảnh rất nhiều chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng liên tiếp được đưa ra từ đầu năm đến nay thể hiện qua các văn bản như: Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5/2/2024 và Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ, Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ…

Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng

Để khắc phục tình trạng trên, trong Thông báo số 160/TB-VPCP, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới

Liên quan đến việc triển khai chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, cơ quan này đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp; đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023…

Chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này. Nguồn: SBV

Cũng theo ông Hà, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ triển khai ngay các giải pháp trọng tâm: (1) Đối với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới; (2) Với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa, nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ; (3) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Đối với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.

Đối với Nghị định 24, ông Hà cho hay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo tổng kết đánh giá quá trình thực hiện và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định này và triển khai trong thời gian tới…/.