Điểm sáng trong tái cơ cấu kinh tế

Là một trong một trong ba trong tâm của tái cấu trúc nền kinh tế, sau 3 năm triển khai Quyết định số 254/QĐ-TTg, ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254), tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được Quốc hội và Chính phủ đánh giá là một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh tái cấu trúc kinh tế Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu 4 ngân hàng thương mại nhà nước và phương án tái cơ cấu của 20 ngân hàng thương mại cổ phần, tình hình tài chính và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện, đáp ứng cơ bản yêu cầu tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại. Một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém xác định trong năm 2013 đang được Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ được cho là thành công trong Đề án đó là việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và các hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu đã ra đời, tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu ở các giai đoạn sau của tái cơ cấu. Tính đến đến ngày 23/12/2014, VAMC đã mua được 123.000 tỷ đồng dư nợ gốc nợ xấu (cuối năm 2013 đã mua được 40.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, đối với các công ty tài chính và cho thuê tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng phi ngân hàng xây dựng và trình Ngân hàng Nhà nước phương án tái cơ cấu, đồng thời, đề nghị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ sở hữu thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng này.

Đã có nhiều kế hoạch được đẩy mạnh trong toàn ngành ngân hàng để triển khai thực hiện Đề án 254, như: đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và nợ xấu của các tổ chức tín dụng để phân loại, xác định các tổ chức tín dụng yếu kém. Theo đó, ưu tiên nguồn lực, bảo đảm cơ cấu lại, xử lý những yếu kém, tồn tại nhưng vẫn giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống.

Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh tiến độ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Trong đó, tại Quyết định số 1572/QĐ-NHNN, ngày 11/8/2014, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra mục tiêu cơ cấu lại một cách toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả; có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.

Trong kế hoạch này, một nội dung quan trọng được Ngân hàng chú trọng là tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, xử lý căn bản tình trạng nợ xấu để đưa nợ xấu về mức độ an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng; triển khai Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng, phấn đấu hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Tính đến cuối tháng 11/2014, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt trên 430.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2011, nợ xấu giảm mạnh và chỉ còn chiếm 3,8% tổng dư nợ.

Năm 2015 sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước đã đề ra định hướng chính sách trong năm 2015 là tăng trưởng tín dụng đạt 13%-15%, nợ xấu xuống 3% vào cuối năm, gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Để thực hiện thành công nội dung này, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện quyết liệt hơn các biện pháp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo Đề án 254, trong đó có định hướng tái cơ cấu các ngân hàng thương mại để trở thành các ngân hàng vươn ra tầm khu vực.

Mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2015 là sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số tổ chức tín dụng, trong đó sẽ xử lý từ 6 đến 7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2015?”, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc xử lý các ngân hàng yếu kém được ngành ngân hàng chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Theo đó, có 3 hướng xử lý:

Một là, ưu tiên và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tự chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại yếu kém và huy động nguồn lực tài chính của cổ đông và từ bên ngoài; khuyến khích sáp nhập hợp nhất trên cơ sở tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật.

Hai là, trong trường hợp tổ chức tín dụng tái cơ cấu không thành công thì Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp mạnh theo quy định của pháp luật là bảo đảm an toàn của hệ thống, loại bỏ ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống.

Ba là, trong quá trình tái cơ cấu, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích sự tham gia của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là tham gia vào các ngân hàng yếu kém để có thể giúp các ngân hàng cơ cấu lại hoạt động./.