Năm 2013, chị Trần Thị Như Ý cùng chồng là Nguyễn Trí Đạt quyết định thành lập Công ty Cổ phần Tranh thêu tay Huế - Havina nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm tranh thêu tay Huế truyền thống.

“Nhìn bà con quê mình phải sống lay lắt với nghề truyền thống của cha ông, có người thì bỏ xứ tha hương tìm công việc khác để kiếm sống, có gia đình thì đành cho khung tranh nằm im lìm chịu đóng một lớp bụi dày trong góc nhà vì chẳng có ai tìm mua tranh, trong đầu tôi lúc ấy nghĩ rằng mình phải làm gì đó để giải quyết vấn đề đầu ra cho tranh thêu, từ đó Havina ra đời như một luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực duy trì làng nghề cho bà con xứ Huế” - Anh Nguyễn Trí Đạt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tranh thêu tay Huế - Havina chia sẻ.

Tìm lại thời vàng son cho nghề tranh thêu đất Cố đô

Nghề thêu tay có xuất xứ từ đất Thăng Long - Hà Nội xưa, nhưng nghề tranh thêu lại được ra đời tại Huế. Thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất của nghệ thuật tranh thêu là vào thời nhà Nguyễn khi vua Gia Long đóng đô tại Huế, với những cung điện, lăng tẩm được thiết kế mang đậm hình ảnh truyền thống nước Nam.

Chị Trần Thị Như Ý, CEO Công ty Cổ phần Tranh thêu tay Huế Haviana cho biết “Xứ Huế có một làng nghề rất hay đó là nghề làm tranh thêu tay, mình cũng đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều làng nghề thêu tranh ở khắp các tỉnh, thành nhưng có thể khẳng định nghệ nhân thêu tranh ở Huế là những người giỏi nhất trong việc thổi hồn vào bức tranh qua những đường kim mũi chỉ. Sống từ nhỏ bằng nghề thêu tranh, những người thân trong gia đình mình cũng là những nghệ nhân có tiếng của vùng đất Cố đô này”.

Tuy nhiên với sự phát triển của kinh tế thị trường, xu thế hội nhập ngày càng phát triển, ngành tranh thêu đã dần bị mai một. Với nghề tranh thêu chỉ còn vài gia đình dành tâm huyết cho truyền thống của cha ông, có người thì bỏ xứ tha hương tìm công việc khác để kiếm sống, cũng có gia đình thì đành cho khung tranh nằm im lìm chịu đóng một lớp bụi dày trong góc nhà. Vì vậy mà những người yêu tranh thêu muốn mua những bức tranh chính gốc xứ Huế cũng khó lòng mà tìm được.

Các lớp nghệ nhân tranh thuê tay Huế Havina luôn được kế thừa các kỹ thuật thêu của nghệ nhân xứ Huế

Anh Nguyễn Trí Đạt bày tỏ: “Mình là người có học hành tử tế lại sẵn niềm đam mê kinh doanh vậy tại sao không thể giúp bà con địa phương phát triển ngành nghề truyền thống? Câu hỏi ấy cứ khiến tôi đau đáu trong đầu. Khi Havina được thành lập cũng đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải kêu gọi, tập hợp lại những nghệ nhân có tay nghề. Dần dần tranh thêu tay Huế được nhiều người biết tới, thu nhập của người dân sống bằng nghề thêu tranh cũng đã ổn định hơn trước rất nhiều”.

Làm nghề thủ công, đặc biệt là nghề tranh thêu tay đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ cao, mỗi nghệ nhân là một người nghệ sĩ mà sân khấu của họ là những mảnh vải được căng ngay ngắn trên khung tranh, từ việc phối màu, chen màu, hòa màu, tạo từng nét chữ, dòng sông, mái nhà tất cả được nghệ nhân khéo léo dùng đường kim mũi chỉ uốn lượn thành một bức tranh tổng thể với sắc màu hài hòa tạo nên một nét đặc trưng của tranh thêu truyền thống xứ Huế.


Tùy vào nhu cầu của khách hàng Havina sẽ thêu từng mẫu tranh với nhiều ý nghĩa khác nhau để treo trong phòng khách, phòng ngủ hoặc nơi làm việc

Thời gian làm ra một tác phẩm tranh thêu tay sẽ tùy vào kích thước tranh lớn, nhỏ khác nhau nên thời gian thêu tranh cũng cần sự tỉ mỉ và công sức bỏ ra tương xứng. Có những sản phẩm phải huy động nhiều nghệ nhân cùng thêu trên một bức tranh mất 10 đến 15 ngày mới xong, thậm chí có những bức to, cần sự tập trung cao độ thì phải cần một tháng hoặc vài năm để hoàn thành.

Trách nhiệm phát triển và bảo tồn

“Mình là người con xứ Huế, lại góp phần gầy dựng lại làng nghề tranh thêu tay truyền thống của quê hương nên phải luôn làm sao vừa phát triển để cho nhiều người biết đến nghệ thuật tranh thêu vừa bảo tồn được nét đẹp, tính thẩm mĩ trong văn hóa dân tộc” – Chị Trần Thị Như Ý luôn tâm niệm.

Ngành tranh thêu trong tương lai có tiếp tục phát triển rực rỡ được như hôm nay hay không nó đồng nghĩa với việc chăm lo đào tạo và bồi dưỡng lớp nghệ nhân kế thừa, để họ có thể dần thay thế những bậc đi trước dùng đường kim mũi chỉ thổi hồn cho bức tranh thêu. Anh Nguyễn Trí Đạt thổ lộ: “Khi mới bắt đầu đi vào hoạt động việc huy động những nghệ nhân bỏ nghề thêu quay lại làm việc với Havina đã khó, thì nay phải làm cách nào để làm cho những người trẻ yêu nghề tranh thêu và học hỏi để trở thành những nghệ nhân chuyên nghiệp thì càng khó hơn nhiều lần”.

“Tuy nhiên đối với người trẻ thì phải sử dụng công nghệ hiện đại mới có thể tiếp cận và thu hút được họ. Trong thời gian sắp tới, Havina sẽ đứng ra tổ chức các khóa học thêu tranh online miễn phí cho những bạn trẻ hoặc những người yêu thích nghề thêu. Sau đó, chúng tôi sẽ cho những nghệ nhân lành nghề nhất đứng ra trực tiếp tại xưởng hướng dẫn họ thêu một bức tranh hoàn chỉnh. Tôi tin rằng cách làm này sẽ truyền được cảm hứng yêu nghề và đam mê nghề thêu truyền thống cho nhiều người trẻ hiện nay” – Anh Đạt tâm đắc.

Chị Nguyễn Thị Như Ý và anh Nguyễn Trí Đạt (đứng thứ hai và ba từ trái sang) luôn tâm niệm phải phát triển và bảo tồn nghề tranh thêu tay truyền thống

Trong tháng 11 năm 2017 vừa rồi, tranh thêu tay Huế Havina đã vinh dự trở thành đơn vị duy nhất phục vụ tranh trang trí trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC được tổ chức tại Đà Nẵng. Đó là một niềm tự hào lớn của những người đã và đang nhận nhiệm vụ phát huy và bảo tồn truyền thống tranh thêu tay Huế.

Hiện tại, những khách hàng liên hệ đặt tranh thêu làm quà tặng và trang trí tại phòng khách, phòng ngủ nhà mình hay treo tại nơi làm việc ngày càng nhiều. Đối với mỗi nghệ nhân thì hằng tháng họ đã có thể nhận được thu nhập được từ 6 – 8 triệu đồng từ nghề tranh thêu do công ty Havina đứng ra phân phối sản phẩm. Đó là những thành quả xứng đáng của những người yêu nghệ thuật thêu tranh truyền thống và muốn giữ gìn nét văn hóa của dân tộc. Bởi vì có những công sức sẽ được thể hiện ngay bằng hình thức vật chất, nhưng ở những làng nghề tranh thêu tay Huế có những tâm huyết mang lại giá trị vững bền, làm sống lại một thời vàng son làm vang danh cả vùng kinh thành Huế của ngành tranh thêu tưởng chừng đã bị mai một.