Nhà thiết kế Chương Đặng

Chẳng biết vì lý do gì mà tôi lại chọn anh để than vãn và kêu ca về sự nghiệp của mình. Tôi mang câu hỏi về chuyện khởi nghiệp đến với một người mà tôi mới chỉ có dịp gặp 2 lần và không có gì đảm bảo rằng anh sẽ đem lại cho tôi câu một trả lời thích đáng.

Quán Kujuz phong cách tự pha chế, thự phục vụ

Năm nay 30 tuổi, đang làm trưởng dự án cho một agency quảng cáo, tôi đã có 2 lần khởi nghiệp trong đó lần đầu thất bại còn lần 2 bỏ dở giữa chừng để đi du học. Nhưng quả thực chưa bao giờ tôi thích công việc đi làm thuê. Đối với tôi nó chỉ là một giải pháp tạm thời để sống qua ngày, một thứ mà tôi gọi là Just Over Broken; hay viết tắt là J.O.B.

“Quan điểm của bạn về khởi nghiệp như thế là không đúng. Khởi nghiệp không có nghĩa là tự mình kinh doanh, thuê người và trả lương cho họ. Bất kể làm thuê hay làm riêng, làm nhà nước hay công ty nước ngoài, nếu xác định nó là sự nghiệp, là công việc mà mình theo đuổi lâu dài, nó là khởi nghiệp…” - Chương đột ngột ngắt lời tôi và "dội" cho một "gáo nước lạnh".

“.... Nhưng nếu bạn vẫn khăng khăng định nghĩa như thế và muốn tự mình kinh doanh, tôi sẽ nói theo cách của bạn”, anh tiếp lời.

Quả thực với 2 lần khởi nghiệp trước, dù có đôi chút thành công, tôi đã có những trải nghiệm chẳng dễ dàng gì nên bây giờ khi nghĩ đến nó một lần nữa, dẫu có phấn khích, vẫn không khỏi băn khoăn và đôi khi là đau đầu khi nghĩ tới những việc mình sẽ phải đương đầu.

Phải nói là tôi sợ. Nỗi sợ của thằng Chí Phèo với Bá Kiến, của con chim từng bị thương khi thấy cành cong. Sợ, nên tôi mới tìm anh hỏi ý kiến.

Chương nói với tôi rằng anh khởi đầu sự nghiệp của mình khi còn học lớp 4, mua sỉ kẹo từ cửa hàng bách hoá và bán lẻ cho tụi bạn. Nhưng với tôi, cái khởi nghiệp đó chỉ thực sự bắt đầu khi anh thuê một góc nhỏ trong nhà hàng Sinh Café ở Bảo Lộc và bán những sản phẩm dệt của người dân tộc cho khách nước ngoài.

Câu chuyện khởi nghiệp của Chương năm xưa, có vẻ nhiều khó khăn nhưng qua lời anh kể, tôi lại thấy khá đơn giản. May mắn hơn người, anh đã có sự khởi đầu suôn sẻ. Giờ đây, Chương không chỉ điều hành một mà nhiều công việc kinh doanh khác nhau. Tất cả đều thành công như mong đợi: hai quán cà phê nổi tiếng, một nhà hàng phở và một cửa hàng thời trang. Ngoài ra, Chương còn viết báo và đi dạy học.

Trong mắt tôi, anh thật may mắn khi trời phú cho khả năng đàm phán và bộ óc nhanh nhạy, nhận ra cơ hội kiếm tiền trước người khác. Anh thậm chí còn may mắn hơn khi có bà ngoại sẵn sàng cho vay một số tiền không nhỏ để đầu tư vào cái góc thời trang đầu tiên.

Vậy mà anh cứ lắc đầu cho rằng mình có được như ngày hôm nay không phải vì may mắn.

Nghe thế, tôi có chút bực mình nên không e dè nữa mà nói thẳng:

“Anh Chương à, tôi ước gì cũng được như anh. Người ta bảo khi bắt đầu kinh doanh, cái đầu tiên nghĩ đến và cần có là tiền. Trong khi ai cũng phải dành dụm tiết kiệm tiền để có vốn kinh doanh, không thì cũng hỏi hết người này người kia mới mong vay mượn được chút vốn. Anh chỉ cần ngọt nhẹ vài câu là bà ngoại sẵn sàng đầu tư, không đắn đo.

Nơi anh sinh ra có sẵn cái nhà hàng phục vụ khách nước ngoài, điều kiện quá thuận lợi. Chính anh đã tự nhận mình luôn có người thương, bằng chứng là khi anh còn chưa mở nhà hàng, người ta nhiều tiền, mời anh đi ăn chỗ sang trọng, sành điệu để anh có điều kiện biến đến những nơi chốn tưởng chỉ được nhìn thấy trong phim ảnh. Rồi khi mở cửa hàng ở Sài Gòn cũng vậy, lúc nào cũng có người giúp đỡ.

Đó không phải may mắn thì là gì?... Có vẻ như mọi thứ đều được bày sẵn ra để cho anh kinh doanh thành công vậy. Nếu là tôi, tôi cũng làm được, thậm chí còn thắng lớn hơn anh ấy chứ”.

Chương Đặng: Khởi nghiệp không phải là tự kinh doanh, thuê người và trả lương
 Sự tinh tế của Kujuz thể hiện qua từng chi tiết do Chương Đặng sắp xếp.

“Tôi thừa nhận mình có may mắn, rất may mắn! Nhưng nếu chỉ có may mắn thì không đủ đâu. Bạn có biết những viên kẹo đầu tiên tôi bán ra nó được gói gém cẩn thận và tỉ mỉ đến thế nào không? Một đứa bé dám nhịn ăn vặt hằng tháng trời để dành tiền thì đó phải là sự đầu tư nghiêm túc lắm!

Ngoại tôi có hơn 40 đứa cháu, nếu không phải vì bà nhìn thấy ở tôi sự say mê thực sự nghiêm túc với thời trang thì không bao giờ bà cho mượn số tiền tiết kiệm của bà. Nếu tôi không sẵn sàng vừa bán hàng, vừa làm việc cho nhà hàng nơi có xe bus chở khách du lịch ghé, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội treo sản phẩm của mình trong cái góc đó.

Có những người thương tôi, cho tôi những cơ hội học hỏi quý giá nhưng nếu không dành tâm trí học hỏi nghiêm túc, những bữa ăn đó cũng chỉ được định giá bằng tiền mà thôi”.

“Nếu bạn cứ suốt ngày nghĩ về tiền thì sẽ chẳng có ai đầu tư cho bạn đâu. Tất cả những gì nhà đầu tư thấy ở bạn là sự ám ảnh về lợi nhuận và không có bất cứ đam mê nào khác. Bởi họ biết rằng, đến khi gặp khó khăn, bạn sẽ bỏ quên vấn đề của công ty và chỉ quan tâm đến tiền của mình thôi”.

“Anh có tin vào số mệnh không?” - Tôi hỏi.

“Tôi là người hoàn toàn tin vào số mệnh và cũng hoàn toàn không tin vào nó... Tôi tin mỗi người đều có một số phận định sẵn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi nó nếu chúng ta hành động. Ngược lại nếu không hành động, nó sẽ mãi như thế”.

Nhìn lại mình, có lẽ thất bại của 2 lần khởi nghiệp khiến tôi nghĩ rằng con người ta đã được an bài bởi số phận, người thành công và thất bại vốn đã được định sẵn. Nhưng giờ đây, khi nhìn vào đôi mắt Chương Đặng đang rực sáng khi nói về quá khứ của mình, bất giác, tôi nghĩ mình có thể đã lầm.

Thực lòng mà nói, tôi thấy câu chuyện khởi nghiệp của anh không quá xa vời đối tôi. Trở ngại anh đã trải qua, khó khăn vất vả anh đã chịu đựng suy cho cùng, cũng giống với trải nghiệm của tôi.

Nhưng tại sao tôi thất bại, còn anh lại thành công? Thành công đó là thật hay chỉ là sự thỏa mãn bản thân? Còn tôi, đó có phải thất bại thực sự? Hay trên con đường đó, tôi đã dừng lại khi gặp khó khăn còn anh lại chọn cách giải quyết và tiếp tục đi tới?

Cuộc trò chuyện khiến tôi phân vân về định nghĩa của cái gọi là khó khăn và thất bại. Có chăng quan điểm và thái độ của bản thân sẽ quyết định cái mà chúng ta sẽ nhận được.