NTK Lê Phạm chia sẻ trải nghiệm mà chị đã đi qua

Cơ duyên gì đưa chị đến với công việc thiết kế hiện tại?

Khi lên Sài Gòn, lúc 20 tuổi thì tài sản của chị là một đứa con và cái nghề may. Chị học may từ mẹ, khi bà là một thợ may khéo và giỏi. Còn vẽ thì chị học từ người cậu, cậu vốn là họa sĩ, vẽ rất là đẹp.

Sau đó, chị vừa đi làm vừa trau dồi thêm về nghề may cho một nhãn hiệu thời trang. Lúc đầu làm thợ rồi sau đó thấy mình chịu khó, chị được cất lên làm quản lý – trợ lý giám đốc. Rồi sau 6 năm, khi hiểu rõ được thị trường may mặc, chị đã mạnh dạn xây dựng một nhãn hiệu riêng cho mình.

Sau một thời gian quản lý, chị đã mạnh dạn xây một nhãn hiệu riêng cho mình

Khi mới bắt đầu xây dựng nhãn hiệu cho riêng mình chị gặp những khó khăn gì?

Nhiều chứ, từ việc nguồn vốn không chủ động, cho tới việc tìm nguyên liệu hay quản lý đội ngũ nhân công.

Nguyên liệu thì làm sao phải vừa đảm báo chất lượng, vừa cân đối lợi nhuận. Nhân công thì phải luôn theo sát để đảm bảo đầu ra… Tâm lý của khách cũng hay thiếu tin tưởng những nhãn hiệu nhỏ mới ra như chị.

Xây dựng nhãn hiệu riêng đều gặp những khó khăn nhất định

Theo chị thì hạnh phúc của một người phụ nữ là gì?

Đối với người phụ nữ mà đặc biệt là người phụ nữ Việt thì hạnh phúc đích thực đó không phải là những thành công, giàu có, địa vị… hào nhoáng bên ngoài nhưng chính là có được một tổ ấm cho riêng mình.

Hạnh phúc đích thực chính là có được một tổ ấm

Hiện tại với cuộc sống gia đình riêng của chị, chị cảm thấy thế nào?

Thật may mắn là người chồng hiện tại của chị là một người sống rất có tình cảm và biết trân trọng chị. Vốn là một chiến sĩ công an, anh ấy sống rất gương mẫu và cũng đầy trách nhiệm.

Anh là một hậu phương vững chắc, giúp chị yên tâm để tiếp tục phấn đấu trên con đường sự nghiệp của mình. Nhiều lúc mệt mỏi trong công việc, thì chồng chị luôn là người động viên, gợi mở hướng đi giúp chị vượt qua căng thẳng.

Lúc mệt mỏi trong công việc, thì chồng chị luôn là người động viên

Chị muốn chia sẻ gì với những chị em khi đối mặt với đổ vỡ gia đình?

Đa số phụ nữ đều mong muốn có một cuộc hôn nhân bền vững. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ có thể phải đối mặt với đổ vỡ. Chị mong họ sẽ dũng cảm đối mặt, biết bình tĩnh ngồi lại với nhau, tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

Nếu trường hợp là không thể có được tiếng nói chung, thì nên mạnh dạn đi đến chia tay và sau đó đừng gây thêm cho nhau sự hận thù. Chia tay không phải là mất, chia tay là cách giúp tạo cho cả hai có cơ hội mới. Còn về con cái thì phải giải thích cho con hiểu để thông cảm cho cha mẹ và nhất là luôn dành sự quan tâm, thương yêu và giáo dục tốt nhất cho chúng.

Chia tay là cách giúp tạo cho cả hai có cơ hội mới

Chị có dự định gì trong tương lai sắp tới?

Ngoài việc tiếp tục phát triển các nhãn hiệu thời trang. Sắp tới, chị sẽ mở rộng qua mảng truyền thông. Dùng truyền thông để xây dựng những giá trị nhân văn hơn. Ví dụ như một bài báo thay vì phân tích lỗi của một cặp vợ chồng sắp đổ vỡ thì nên gợi lại những lý do mà họ đã từng đến với nhau, những điều họ đã từng trải qua. Biết đâu có thể hàn gắn họ lại.

Chị chúc những người phụ nữ có thể làm được một cái gì đó cho riêng mình

Chị muốn chúc gì cho mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ nhân dịp năm mới?

Chị chúc mọi người có một gia đình luôn hạnh phúc. Đặc biệt chị em phụ nữ, chị chúc họ có thể làm được một cái gì đó cho riêng mình. Đó có thể là sự nghiệp riêng, hoặc đơn giản là một công việc riêng dù nhỏ dù lớn, để có được độc lập nhất định về tài chính và luôn tự tin hơn.

Cảm ơn chị!