Tố chất người lính

Sau 4 năm trong quân ngũ, năm 1980, ông Văn Đức Mười bắt đầu làm việc ở Vissan với vị trí gác cổng bảo vệ công ty. Là bảo vệ nhưng với tính cách của một người lính cương trực, ông đã kiên quyết ngăn chặn việc lấy cắp nguyên liệu, sản phẩm, lâu dần có không ít kẻ ghét. Một thời gian sau ông được chuyển về phòng Tổ chức nhân sự vì thường xuyên bị đe dọa.

Song cuộc điều chuyển ấy lại tạo điều kiện cho ông Mười phát huy khả năng sáng tạo. Được sự ủng hộ của ông Mười Rua tức ông Lê Quang Nhường tổng giám đốc lúc bấy giờ, ông Mười theo học khóa tại chức Trường Đại học Kinh tế. Với những kiến thức được trang bị tại nhà trường, ông đã nghiên cứu trình Ban giám đốc một phương án trả lương cho công nhân khả thi hơn.

Được vị lãnh đạo hết lòng ủng hộ phương án của minh, vì theo ông Mười Rua nó giúp cho đồng lương “ba cọc ba đồng” của công nhân phần nào được cải thiện qua cách tính lương mới. Cũng nhờ giỏi ngoại ngữ, ông Mười giành được mấy suất học bổng theo học tại Thụy Điển, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Nhân đà này ông hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ. Những kiến thức học được đã giúp ông khá nhiều khi quay trở lại công ty. Khi đó, ông đã lên làm Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư.

Có lẽ khi đó, không ai nghĩ rằng, anh bảo vệ công ty ngày nào lại có thể trở thành vị tổng giám đốc mang lại sức mạnh thương hiệu Vissan như bây giờ và khi đó, ông chẳng thể có suy nghĩ khác, chỉ có điều, hành trang quý giá và có lẽ là duy nhất luôn song hành cùng ông, đó là, “tố chất người lính, không cho phép đầu hàng trước bất cứ khó khăn hay thách thức nào”.

Tố chất người lính đã ảnh hưởng đến ông Văn Đức Mười rất nhiều trong kinh doanh, luôn đơn giản và đầy chất lính, đó là kiên cường và bám trụ, giải quyết đến nơi đến chốn mọi công việc. “Cuộc đời người lính đã dạy cho tôi biết trân trọng cuộc sống và những gì đang có. Chính vì vậy, trước thách thức, khó khăn, tôi đủ bình tĩnh và bản lĩnh để nhận định tình hình, tìm cách vượt qua, không bao giờ bỏ cuộc”. Ông Mười chia sẻ.

Lúc nào ông Mười cũng xem mình “là một bộ phận của Vissan”, nên bao giờ cũng vậy, ông Mười luôn tự coi mình người lao động như bao cán bộ công nhân viên khác trong Công ty, vì thế, kế hoạch, tiến độ, lộ trình... đương nhiên phải thực hiện đúng và đủ, quyền lợi của người lao động bao giờ cũng được ông đề cao trên hết.

TGĐ Vissan Văn Đức Mười tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm

Những tham vọng

Theo Công ty Vissan, năm 2013 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn khẳng định vị thế doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Doanh thu năm 2013 đạt 4.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 270 tỷ đồng, lợi nhuận vượt 10%. Các chỉ số phát triển đều giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân so với năm 2012, tăng đều trên các lĩnh vực là 5%.

Đây là một nỗ lực không hề nhỏ của người chèo lái con thuyền Vissan, ông Văn Đức Mười và hơn 3.800 cán bộ công nhân viên công ty. Dự kiến năm 2015, Vissan sẽ hoàn tất cổ phần hóa, tiếp tục hoàn thành quá trình tái cấu trúc để tối đa hóa sức mạnh, đồng thời kiên trì thực hiện để tiếp tục tăng trưởng, nhất là giữa thời điểm giá đầu vào cao, sức mua lại yếu và nhiều đối thủ cạnh tranh như hiện nay.

Từng trải qua nhiều sóng gió từ khi về công tác tại Vissan, nên ông Mười tin rằng, không chỉ thực hiện cổ phần hóa thành công, mà Vissan sẽ thực sự mạnh hơn sau khi hoàn thành cổ phần hóa. “Khi cổ phần hóa, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh theo đúng nghĩa, do đó, Vissan cần được đánh giá đúng giá trị, sao cho những người lao động ở đây có thêm phần ưu đãi trong cổ phiếu, để họ - các cổ đông có thêm quyền lực và đó là cách giữ thương hiệu Vissan phát triển bền vững”, ông Mười chia sẻ.

Là một người ưa đổi mới, luôn bắt kịp với thị trường, trong đó hiện đại hóa, công nghiệp hóa được đẩy mạnh luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Vissan là một trong doanh nghiệp đầu tiên thực hiện đầu tư cụm công nghiệp ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nhằm tạo ra những sản phẩm mới, có chất lượng cao, đủ điều kiện trở thành nòng cốt cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thực phẩm…

Ngoài cổ phần hóa, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, tham vọng lớn laocủa ông là có thể tham gia vào việc thay đổi thể trạng giống nòi của người Việt Nam. Với mong muốn thế hệ tương lai của xã hội phải cao lớn, khỏe mạnh như những người dân ở các nước phát triển. Đây là một phần quan trọng trong các kế hoạch phát triển sản phẩm mới của Vissan, kể từ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho tới chất lượng sản phẩm, định hướng người tiêu dùng. Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, ngân hàng sản phẩm ra đời cũng từ tham vọng đầy trách nhiệm của người cựu chiến binh này.

Sau gần 5 năm chèo lái, người thuyền trưởng Vissan luôn có những giải pháp đột phá để vượt qua mọi khó khăn, luôn biết tận dụng nội lực của một doanh nghiệp hàng đầu, không ngừng đầu tư để mang đến sản phẩm chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh. Vissan luôn đón đầu nền công nghiệp chế biến thực phẩm nhằm mang đến những sản phẩm đảm bảo, an toàn đến tay người tiêu dùng.