Các đại diện cắt băng khai trương cửa hàng thứ 8 của UCA

UCA được thành lập với mục tiêu tạo mối liên kết, là đầu kéo cũng như “bà đỡ” cho các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng nên các chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm an toàn; góp phần xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất quy mô lớn về nông sản và thực phẩm an toàn cho quốc gia, tiến tới phục vụ xuất khẩu.

UCA hoạt động theo hình thức làm việc với các hợp tác xã địa phương để mời bà con tham gia vào chuỗi sản xuất. UCA sẽ hỗ trợ phân bón, giống, hướng dẫn kỹ thuật để bà con sản xuất đúng quy trình và UCA sẽ nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn.

Quy trình bao tiêu được đảm bảo an toàn tuyệt đối do toàn bộ sản phẩm được cán bộ UCA giám sát chặt chẽ quá trình thu hoạch, đảm bảo không có sản phẩm kém an toàn được trà trộn vào. Hệ thống xe chuyên dụng với công nghệ bảo quản tiên tiến của UCA cũng chở sản phẩm về ngay sau khi thu hoạch, đảm bảo độ tươi ngon và an toàn.

Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm sạch tại cửa hàng

Hiện nay, với hơn 1.000 mặt hàng thực phẩm tiêu thụ hàng ngày, UCA Mart không chỉ bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng mà còn cung cấp cả cho các nhà hàng trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tại buổi khai trương, Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc UCA cho biết, trước nhu cầu về tiêu dùng thực phẩm sạch ngày càng tăng cả trong và ngoài nước, để người sản xuất sạch yên tâm về đầu ra, việc kết nối trực tiếp cung cầu qua chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch của UCA sẽ chung tay vào tiến trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, UCA sẽ mở ra khoảng 200 siêu thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, cùng với 20 trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản tại những vùng nông nghiệp trọng điểm trong cả nước.

Đánh giá cao về mô hình này, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, hoạt động của 7 siêu thị trước của UCA đã đủ để khẳng định đây là mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực, góp phần khơi dậy động lực sản xuất của các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, bà con nông dân. Vì vấn đề thị trường tiêu thụ là điểm nghẽn của chuỗi sản xuất nông sản. Do đó, khi khai thông thị trường này, thì bà con yên tâm để đầu tư, sản xuất.

Ông Võ Kim Cự tham quan cửa hàng

Cùng với việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn và phát triển đồng bộ trên địa bàn, mô hình này sẽ góp phần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời, mô hình này cũng sẽ gắn kết từng chuỗi sản xuất nông sản của từng xã, huyện, tỉnh, vùng và đất nước, để Việt Nam vươn dài cánh tay ra xây dựng chuỗi tiêu thụ toàn cầu.

Đại diện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phạm Quốc Sinh, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, cũng cho biết, hiện nay, hệ thống siêu thị của Việt Nam có khoảng hơn 2.000 siêu thị, nhưng những siêu thị bán nông phẩm sạch thì chỉ đếm được trên "đầu ngón tay".

“Do đó, tôi cho rằng, việc phát triển chuỗi siêu thụ nông sản sạch là hướng đi đúng đắn của UCA để đáp ứng được nhu cầu về nông sản sạch của người tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh trong kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế”./.